Chính sách

Xây dựng "chỉ số xanh" cấp tỉnh cần gắn với tăng trưởng

DNVN - Tại Hội thảo tham vấn xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 7/6, các diễn giả cho rằng, việc xây dựng PGI phải gắn liền với yếu tố tăng trưởng, trong đó cần đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng xanh cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bàn cách để doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân / ASEAN phải chuyển đổi để bảo đảm an ninh lương thực

Cần tăng trưởng xanh
PGI là sáng kiến được khởi xướng bởi VCCI với sự hợp tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB). VCCI đã hợp tác với các chuyên gia của Quỹ Châu Á tại Việt Nam phát triển phương pháp luận xây dựng bộ chỉ số. Đồng thời, VCCI cũng đã tiến hành khảo sát thử nghiệm phương pháp luận của bộ chỉ số với gần 300 doanh nghiệp (DN) tư nhân đang hoạt động trên toàn quốc.
Mặc dù ủng hộ và đánh giá cao sáng kiến của VCCI nhưng ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đặt câu hỏi rằng, làm sao để xây dựng được bộ chỉ số phù hợp, qua đó đánh giá tương đối sát với thực tiễn là điều đáng quan tâm.

Theo ông Trương Văn Cẩm -Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS, chỉ số xanh là chưa đủ.
"Tôi cho rằng, nếu nói chỉ số xanh thì chưa đủ mà cần phải có tăng trưởng xanh để đạt được mục tiêu của chúng ta. Việt Nam là nước đang phát triển, nếu không có tăng trưởng mà chỉ giữ yếu tố "xanh" thì những ngành như dệt may sẽ phát triển như thế nào và phát triển ở đâu. Trong việc xây dựng bộ chỉ số PGI cần phải có 2 nội dung rõ ràng là tăng trưởng và tăng trưởng đảm bảo tiêu chí "xanh"", ông Cẩm nêu.
Mới đây, VITAS và Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam cũng có tổ chức hội thảo để kết nối giữa các công ty cho thuê tài chính với DN dệt may, mục tiêu là tín dụng xanh. Nếu chuyển đổi thiết bị, công nghệ theo hướng xanh hóa thì các công ty cho thuê tài chính sẵn sàng cho thuê tài chính, DN không cần bỏ ra cái gì với điều kiện rất ưu đãi, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Đây là điều chúng ta cần hướng tới.
Dưới góc nhìn tài chính, ông Phạm Xuân Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam đồng tình với quan điểm của Tổng thư ký VITAS và khẳng định, đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng xanh cho DN dệt may chuyển đổi xanh là bước đi hợp lý. Để có được các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, ngành tài chính đóng vai trò quan trọng bởi ngành này có chức năng đánh giá, thẩm định rủi ro về môi trường.

Ông Phạm Xuân Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam góp ý về việc xây dựng bộ chỉ số xanh cấp tỉnh.
Tuy nhiên, điều ông Hòe băn khoăn là nhận thức của chính quyền địa phương về vấn đề này. Ở tầm vĩ mô, bộ chỉ số PGI cần có phần đo lường về nhận thức của người dân, DN và nhà quản lý. Ở góc độ địa phương, nhiều tỉnh lạc hậu đến mức không biết công nghệ xanh là gì.
Đối tượng điều tra của chỉ số này dừng lại ở doanh nghiệp chưa hẳn đã đúng. DN có thể sẽ gây ra tác động với môi trường và người chịu ảnh hưởng lại là người dân và những người sống xung quanh.
"Để đánh giá cấp tỉnh có quan tâm thực sự đến môi trường hay không, phải hỏi người dân, chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học. Việc đánh giá phải tương đối toàn diện, nếu không sẽ không phản ánh đúng thực trạng. DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa đầu tư để xử lý vấn đề môi trường sẽ tốn kém hơn rất nhiều lần, thà rằng không làm còn hơn. Xét tới yếu tố lợi ích kinh tế, DN sẽ không làm", ông Hòe nói.
Tạo động lực cho các tỉnh
Bình luận về ý kiến của các diễn giả, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, VCCI duy trì quan điểm "xanh" gắn liền với tăng trưởng để có nguồn lực tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại sự thịnh vượng cho đất nước.
Về nhận thức của các tỉnh, một trong những mục tiêu quan trọng của nhóm nghiên cứu khi xây dựng bộ chỉ số nà là thúc đẩy, tăng cường nhận thức của các tỉnh về vấn đề tăng trưởng xanh.
Đồng ý với quan điểm của ông Hòe là cần nhiều đối tượng khảo sát hơn, thay vì chỉ riêng DN. Nhưng ông Tuấn cho biết, VCCI là tổ chức đại diện cho DN, VCCI rất khó để thực hiện những nghiên cứu, điều tra, đánh giá với người dân.

Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn mong muốn các tổ chức tài chính tham gia sâu hơn cùng DN.
"Tôi thấy rằng cách tiếp cận của VCCI là muốn tạo động lực cho các tỉnh. Các tỉnh khi tạo lập môi trường kinh doanh theo hướng "xanh" thì có thể thu hút được nhiều dự án đầu tư tốt, chất lượng cao. Ở đây, DN cũng chính là đối tượng đánh giá, thụ hưởng môi trường xanh này.
Khía cạnh mà VCCI hướng tới khác với nhiều cơ quan khác. Đó là hướng đến kinh tế địa phương, môi trường kinh doanh xanh. VCCI không đánh giá tổng thể bức tranh về môi trường, hay vấn đề biến đổi khí hậu của địa phương, mà chỉ đánh giá khía cạnh chính quyền địa phương đang tạo lập môi trường kinh doanh, qua đó tác động đến nhà đầu tư như thế nào. Đây là thông điệp rất đơn giản về công cụ chính sách mà VCCI muốn hình thành.
Về tài chính xanh, VCCI hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các diễn giả, đồng thời mong muốn HSBC và các tổ chức tài chính khác có thể tham gia sâu hơn cùng VCCI và cộng đồng DN, bởi nội dung tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với bộ chỉ số PGI.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm