Chính sách

Vì sao nguồn vốn 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội chưa giải ngân hiệu quả?

DNVN - Theo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn vốn 120.000 tỷ hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội chưa được giải ngân hiệu quả do việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế.

Chỉ rõ hạn chế, đề xuất giải pháp thiết thực cho nhà ở xã hội / Người lao động "than" về điều kiện mua nhà ở xã hội

Đóng góp ý kiến tại “Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội”, sáng ngày 16/3, báo cáo của Bộ Xây dựng cho rằng, nguồn vốn 120.000 tỷ hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/3/2023 chưa được giải ngân hiệu quả do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Đến nay, đã có 129 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng.

Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 59, dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì“Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội”.

Về điều kiện tín dụng, theo Bộ Xây dựng, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện về tín dụng để được vay. Đó là không bảo đảm điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện bảo đảm tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác...

Về lãi suất và thời gian hạn hưởng lãi suất, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên, lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 chưa thực sự thu hút người vay. Lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng đối với nguồn vốn này là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân).

Đối với nguồn vốn hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cấp cho chương trình nhà ở xã hội qua ngân hàng này là 1.000 tỷ đồng. Đối với giai đoạn năm 2024-2025, Ngân hàng Chính sách chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gần đây nhất là tại Công văn số 681/VPCP-CN ngày 29/1/2024, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.

Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Bên cạnh việc thúc đẩy triển khai nguồn vốn 120.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại, đề nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước từ nguồn đầu tư công cho Ngân hàng Chính sách Việt Nam. Cụ thể là nguồn vốn 12.000 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Nhà nước cấp 50% là 6.000 tỷ đồng, mỗi năm cấp 3.000 tỷ đồng) cho giai đoạn 2024-2025.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm