Chính sách

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Nhiều chỉ tiêu chưa đạt được

DNVN - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp vào GDP, tăng năng suất lao động, thu ngân sách nhà nước…

Cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ / Khung giá đất mới tại TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ

Ngày 9/7 đã diễn ra Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đã có những chuyển biến hết sức tích cực.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng trong quá trình phát triển, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ trọng đóng góp vào GDP của cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động, thu ngân sách nhà nước...

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực TP Hồ Chí Minh, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển. Tình trạng quá tải ở hầu hết các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập, các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng lớn. Thiếu nhà ở và các tiện nghi, tiện ích cho công nhân tại các khu công nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng...

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa đạt được nhiều chỉ tiêu kinh tế.

Để phát triển vùng, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, cần đề xuất các định hướng chính của Nghị quyết mới về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ.

Trong đó, nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 15/4/2022, hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc.

Cần phát triển, liên kết hàng loạt mắt xích quan trọng như: Liên kết giao thông vùng gồm đường bộ (vành đai, quốc lộ, cao tốc kết nối), đường thuỷ (hệ sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long - Campuchia), đường sắt.

Liên kết trong vấn đề bảo vệ môi trường: Bảo vệ các hệ sông; xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt; thích ứng biến đổi khí hậu.

Liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của vùng: Trung tâm đại học - đào tạo nghề; trung tâm công nghệ, dịch vụ nền tảng của thị trường lao động...

“Cần hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển thành phố và đầu tư phát triển thành phố để giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước, trọng tâm là tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, ban hành Nghị quyết thay Nghị quyết 54 với những cơ chế đặc thù, vượt trội”, ông Mãi nói.

Đồng thời, tập trung đầu tư để TP Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm logistics; trung tâm khoa học đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm