Chịu lỗ 10 năm để phát triển đế chế đồ ăn nhanh xuyên biên giới
Thanh niên Hàn với món ăn nhanh kinh điển của Mỹ
Sinh ra tại Seoul (Hàn Quốc), Charley Shin tới Mỹ năm 13 tuổi cùng với chị gái và mẹ - người khát khao mang các con vượt Thái Bình Dương để theo đuổi "Giấc mơ Mỹ".
Sau đó, ông được nhận vào trường Đại học bang Ohio và theo học ngành quản trị kinh doanh, chuyên mảng tài chính và bất động sản. Trong suốt thời gian học đại học, Shin phải làm thêm nhiều việc để có tiền trang trải sinh hoạt, từng có lúc ông làm rửa bát thuê.
Tuy nhiên, chuyến đi "định mệnh" tới New York và vòng qua Philadelphia - vùng đất nổi tiếng với sandwich thịt nướng và phô mai đã thay đổi cuộc đời Shin.
"Món sandwich ở đó thực sự rất tuyệt vời. Khi đó còn là một chàng trai trẻ, tôi thực sự mê nó", Shin nhớ lại và cho biết ông đã bắt chước công thức này tại nhà.
"Chỉ dùng một chiếc chảo rán tròn nhỏ nhưng thịt nướng phô mai kiểu Philadelphia của tôi thực sự rất ngon. Tôi đã cho bạn bè ăn thử và thấy tự tin khi họ vô cùng thích nó", Shin nói.
Sau đó, Shin thuyết phục mẹ giúp ông mở công ty phục vụ món ăn nhanh kinh điển của người Mỹ này. Mẹ ông đã dành hết khoản tiết kiệm 48.000 USD của mình cho startup của con trai.
"Bà ấy thậm chí chẳng biết gì về sandwich nhưng bà tin tưởng con trai mình. Thành công của tôi phần lớn là nhờ tình yêu thương và sự hy sinh của mẹ", Shin nhớ lại.
Cộng với 3.000 USD vay từ bác, Shin - năm đó mới ngoài 20 tuổi, đã mở cửa hàng đầu tiên tại nơi từng là một cửa hàng in.
"Chỉ có diện tích bằng một garage 2 ôtô với 1 cái lỗ trên tường, nhưng cửa hàng đầu tiên của tôi lại khá thành công", Shin cho biết.
Dùng nguyên liệu tươi và thịt bò chất lượng, Shin tin rằng món ăn của mình có thể thu hút những sinh viên đại học vốn bận rộn và ngân sách eo hẹp.
Dù hăng say làm ăn nhưng trong suốt 10 năm đầu tiên, Charleys không hề có lãi cho đến tận khi mở được 100 cửa hàng. Shin biết mình phải chịu lỗ thời gian đầu và coi đó như một hình thức đầu tư.
Cuối cùng, sự kiên nhẫn của Shin cũng được đền đáp. Trong 10 năm tiếp đó, chuỗi Charleys mở rộng gần gấp đôi số cửa hàng và khách hàng lui tới nườm nượp.
Mục tiêu 3.000 cửa hàng khắp thế giới
Trong 3 năm qua, Charleys duy trì mức tăng trường trung bình 7% và dự kiến đạt doanh thu 500 triệu USD trong năm 2017.
Chủ yếu mở rộng qua mô hình nhượng quyền, Charleys "tấn công" chủ yếu vào các trung tâm thương mại, sân bay và căn cứ quân đội trên khắp nước Mỹ với 503 cửa hàng hiện tại. Tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Charleys có 24 cửa hàng, theo sau là Saudi Arabia với 10 điểm.
Tại châu Á, chuỗi cửa hàng này chỉ có mặt tại Hàn Quốc và Nhật Bản với 5 cửa hàng ở mỗi nước. Đa số các cửa hàng ngoài nước Mỹ của Charleys đều nằm ở các trung tâm thương mại và căn cứ quân đội.
"Mục tiêu của tôi là mở rộng Charleys ra 3.000 cửa hàng", Charley Shin cho biết.
Công ty Gosh Enterprises, thuộc sở hữu hoàn toàn của Shin, lấy phí nhượng quyền bằng 5% doanh thu đối với các đơn vị vận hành từ 3 cửa hàng trở lên, và 6% với những đơn vị nhỏ hơn. Phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng nhượng quyền mới trung bình là 380.000 USD.
Hiện công ty này chưa có kế hoạch lên sàn chứng khoán dù các chuỗi cửa hàng cùng quy mô đều đã thực hiện IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu) trong vài thập kỷ gần đây.
Tuy nhiên, thị trường đồ ăn nhanh trị giá 210 tỷ USD của Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất 3 năm, chỉ 2,7% trong năm 2016 một phần vì người tiêu dùng có xu hướng ăn các thực phẩm tốt hơn cho sức khoẻ.
Vì vậy, hiện nay, Shin tập trung vào xây dựng chuỗi cửa hàng Bibibop Asian Grill với 26 điểm bán hàng tại Mỹ, nhắm đến đối tượng trẻ có ý thức cao về thực phẩm tốt cho sức khoẻ.
Dù không còn trực tiếp quản lý tại Charleys nhưng ông vẫn giám sát và định hướng cho chuỗi cửa hàng này.
Sau hơn 3 thập kỷ phát triển đế chế đồ ăn nhanh xuyên quốc gia, Shin nhận ra rằng có thể đặt được những thành công trước mắt dù không có một số tố chất. Nhưng để xây dựng một doanh nghiệp thành công bền vững, cần phải có sự khôn ngoan, tình yêu thương và đặc biệt là sự can đảm.
"Tôi đã học được rằng một lãnh đạo cần phải khôn ngoan; phải thực sự biết yêu thương người khác để nhận được tin tưởng; và cuối cùng là phải vô cùng can đảm để liên tục chấp nhận rủi ro và làm những điều mà người khác e sợ - đây là nhân tố quan trọng để thành công", Shin nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo