Chỗ đứng cho hàng nội
Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động do mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 15/10.
Nặng tính hình thức
Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, sau 3 năm thực hiện cuộc vận động, Hà Nội đã tổ chức 77 phiên chợ Việt, 358 chuyến bán hàng lưu động, 9 trung tâm bán hàng lưu động, 36 phiên chợ Tết… góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.
Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam
Tuy nhiên, bên cạnh những phiên chợ, chuyến bán hàng lưu động được người dân nhiệt tình ủng hộ, vẫn còn nhiều phiên chợ bán hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Điều này cho thấy, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng.
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức, Quốc Oai phản ánh: Thực tế có nhiều phiên chợ hàng Việt tổ chức tại địa phương nhưng có giá bán tương đương hàng trong siêu thị. Bên cạnh đó, nhiều chuyến hàng Việt về nông thôn nhưng chủ yếu được tổ chức ở những vùng thương mại sầm uất, không đến vùng sâu vùng xa, nơi người dân không có điều kiện, thời gian đi mua sắm.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội than phiền: Hiện việc triển khai hoạt động này gặp nhiều khó khăn bởi doanh nghiệp chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền trong việc lựa chọn địa điểm bán hàng, đảm bảo an ninh trật tự. Chính vì vậy, nên hầu hết các chuyến đưa hàng về nông thôn của đơn vị đều bị bố trí tại các địa điểm nhỏ hẹp, không gần khu dân cư. Đây là một trong những nguyên nhân được các doanh nghiệp nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, khiến nhiều chuyến đưa hàng về nông thôn doanh nghiệp bị lỗ vốn.
Thực tế cũng cho thấy, do hệ thống phân phối tại các vùng nông thôn chưa hoàn thiện nên các chuyến hàng vẫn chỉ được tổ chức theo kiểu "đánh nhanh, rút gọn". Khi các phiên chợ kết thúc để lại cho người tiêu dùng khoảng trống, không biết mua hàng ở đâu, kết nối với doanh nghiệp bằng cách nào. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng tới việc nghiên cứu nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng nông thôn; Giá bán một số mặt hàng chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm; Sự liên kết giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ…
Tăng cường xúc tiến, mở rộng mạng lưới phân phối
Để hàng Việt được người tiêu dùng tín nhiệm, ông Đào Văn Bình, Chủ tịch mặt trận tổ quốc, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động Thành phố Hà Nội cho rằng: Ủy ban nhân dân các cấp cần chú trọng đến hoạt động tuyên truyền từ đó từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng nội trong cộng đồng dân cư. Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp cần tăng cường phối hợp trong việc tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại khu vực nông thôn của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp có chung ý kiến: Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối từ đó có được mức giá hàng hóa hợp lý; Ban hành các quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý chất lượng dịch vụ hàng hóa, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu. Đẩy mạnh hoạt động liên kết với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ... Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra, xử phạt các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả.
Theo ông Phí Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Thành, việc tổ chức những chuyến bán hàng lưu động là rất cần thiết, nhưng lại không mang tính hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, mở rộng và củng cố hệ thống chợ truyền thống cũng rất cần được quan tâm bởi đây không chỉ là kênh phân phối, bán lẻ tốt nhất đến tận tay người tiêu dùng mà còn là nơi tiêu thụ nông sản của địa phương.
Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng phải chú trọng tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn của hàng Việt, quan tâm tới việc xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu. Ngoài ra Ủy ban nhân dân các cấp vận động các hộ kinh doanh nhỏ liên kết với doanh nghiệp sản xuất, phân phối trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt tại hệ thống chợ địa phương, hạn chế hàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Như Trâm (Theo Kinh tế Đô Thị)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT