Chợ tình Khau Vai một lần ta đến
Phiên chợ tình người, tình đất
Ngày xưa có đôi trai gái trong vùng yêu nhau, nhưng vì người con trai nghèo nên không đến được với nhau. Người con gái phải theo lệnh cha, đi lấy chồng giàu xa ngái bên bản khác. Chàng trai bịn rịn đưa người yêu về nhà chồng, đến chân mỏm núi Yên Ngựa chia cách đôi đường, nơi thung lũng Khau Vai, hai người gạt nước mắt chia tay nhau, cùng chỉ tay lên núi Yên Ngựa mà thề bồi: Cứ đến ngày 27 tháng ba âm lịch hàng năm, dù có bận trăm công ngàn việc cũng mặc, cả hai người sẽ tìm về đây gặp lại...
Thế rồi như đã hẹn, bao nhiêu năm sau đó, cứ đúng đến ngày chia xa cũ, đôi trai gái lại tìm về thung lũng Khau Vai gặp nhau để thỏa lòng khao khát yêu đương sau một năm trường đằng đẵng xa cách. Cứ thế, họ trở về với nhau khi tóc còn xanh và cả những năm sau này khi mái đầu điểm sương rồi bạc trắng... rất nhiều người biết câu chuyện và cảm thương cho đôi tình nhân, cảm phục chuyện tình của hai người. Lâu dần thành lệ, từ đó Khau Vai trở thành nơi gặp gỡ của những đôi trai gái trong vùng. Đó cũng là nơi những người lưu lạc tha hương tìm về bản quán. Gặp nhau tủi tủi mừng mừng, vợ cứ đi đằng vợ, chồng cứ bước đằng chồng. Người ta hàn huyên trò chuyện, khóc cười với nhau, họ cùng mời nhau ăn thắng cố, mèn mén, cạn với nhau từng bát rượu đầy cho đến thật say. Rồi những người yêu nhau thì dắt nhau tìm đến những lùm cây, bờ cỏ để tâm sự thâu đêm suốt sáng. Còn những ai say rượu cùng bạn bè thì hồn nhiên lăn ra ngủ giữa trăng sao, mây ngàn gió núi. Để rồi hết một đêm, qua một ngày, những con ngựa lại lầm lũi đưa người về những bản làng xa xôi hẻo lánh.
Thế rồi một năm sau, đến phiên chợ người ta lại thu xếp công việc, về Khau Vai gặp lại cố nhân...
Một đêm với chợ tình
Khi tôi mệt mỏi giũ sạch bụi đường nơi chiếc áo khoác, vuốt mái tóc rối bời và xốc lại chiếc ba lô trên vai, trời đã nhuốm màu hoàng hôn. Một màn sương bàng bạc liêu trai buông xuống thung lũng Khau Vai, càng làm bầu không khí thêm se lạnh. Có cảm giác cảnh vật nơi đây thật huyền ảo. Những ánh lửa bập bùng dưới các gốc cây, mái lá. Nhưng dòng người vẫn không ngừng đổ về khu chợ, với đủ loại trang phục của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái. Tiếng khèn, tiếng hát cứ réo rắt trên các triền đồi núi dẫn đến khu chợ. Một con ngựa cất tiếng hí lên trong tiếng nhạc ngựa leng keng, chắc hẳn là một anh chàng ngựa nào đó nhận ra một cô ngựa cái quen cũ. Mùi mồ hôi ngựa ngai ngái khắp nơi. Các chảo thắng cố đã kịp sôi sùng sục trên các bếp lửa, tỏa ra mùi thơm ngậy quyến rũ... Bỏ qua cái sân khấu hoành tráng, dãy ki ốt xi măng bán đủ các loại hàng, đang ầm ĩ vang lên tiếng hát, tiếng nhạc từ những chiếc đài cát xét Trung Quốc, tôi thong thả tản bộ xuống thung lũng, nơi có các miếu Ông, miếu Bà, các lều quán được dựng bằng tranh tre nứa lá và vô số các gốc cây, bờ suối đẹp như khung cảnh của các bức tranh thủy mạc...
Sèo Mai Súng, cô gái người Mông đầu tiên mà tôi bắt chuyện vừa tròn hai mươi tuổi. Cô ăn mặc thật đẹp, chiếc áo dài thổ cẩm pha các màu đen, đỏ và xanh thả dài chấm cổ chân trắng muốt. Chân cô đi dép nhựa và cổ đeo mấy chiếc vòng bạc nặng trĩu. Sèo Mai Súng nở nụ cười thật tươi để lộ hai chiếc răng vàng lấp lánh:
- Mình ở xa lắm, phải đi trước một ngày mới kịp đến chợ đấy. Đó là năm nay đường đã tốt hơn nhiều rồi. Năm trước nữa còn phải đi ba ngày mới tới chợ kia. Không đi thì nhớ chợ nhiều, nên phải đi thôi...
Giảng Chín Tả, chàng trai diện bộ cánh mới tinh màu chàm truyền thống của người Mông, tay lúc nào cũng khư khư ôm chiếc lồng chim, giơ lồng lên khoe với tôi:
- Con chim của mình đấy. Mình nuôi nó đã được ba năm rồi. Đi chơi chợ cũng phải mang nó theo. Nó hót hay lắm, nhưng mà gần tối nên nó buồn đi ngủ rồi. Để sáng mai dậy nó hót cho mà nghe.
Tôi mời Giàng Chín Tả:
- Anh em gặp nhau đây rồi, uống với nhau bát rượu chứ?
Giàng Chín Tả gật lấy gật để:
- Ừ, phải uống rượu thì mới nên anh nên em chứ. Ngày mai mình còn uống nữa mà...
Chúng tôi cùng vào một quán nhỏ bán rượu và thắng cố. Rượu Khau Vai được cất bằng ngô nếp và men lá, uống vào mới đầu chỉ thấy ngòn ngọt và tê tê đầu lưỡi. Nhưng lát sau đã thấy người nóng bừng lâng lâng thật sảng khoái. Sau một chầu rượu, tôi và Giàng Chín tả đã trở nên thân thiết, đến độ Chín Tả cứ ôm chặt vai tôi và bắt tôi cam đoan có dịp nào đó phải đến chơi nhà Tả chỉ cách đây có ba ngày đi ngựa...
Có tiếng khèn bắt đầu cất lên nơi cuối thung lũng. Những bóng áo váy thêu nhiều màu dồn về phía tiếng khèn. Đêm đã bắt đầu lắng sâu hơn. Những chảo thắng cố vẫn sôi sùng sục trên các bếp lửa. Người ta ăn thắng cố, mời rượu nhau thật vui. Rượu chảy vào miệng nhiều, chảy ra đất cũng nhiều. Đúng ra thì chợ họp vào ngày mai. Nhưng đêm nay vẫn là lúc vui nhất. Và vui hơn cả là khi có tiếng khèn mời gọi cất lên. Đầu tiên mới thấy có một tiếng khèn cất lên cuối thung lũng, sau đó ở căn lều giữa chợ, trong khu bán hàng cũng có tiếng khèn. Dần dần tiếng khèn, tiếng hát theo nhau cất lên khắp nơi, ở chỗ con đường nhỏ đâm ngang thung lũng, chỗ gốc cây lim già, nơi miếu Ông, miếu Bà và cả ở các gốc cây, bờ suối. Những nơi có tiếng khèn tiếng hát cất lên, mọi người tụ tập đông dần. Không giống như ở Sa Pa, chỉ có mỗi vợ chồng người Mông biểu diễn nơi sân nhà thờ rất đông khách du lịch. Mỗi khi có ai yêu cầu thổi khèn và múa thì vợ lại xui chồng: “đừng thổi khèn và múa vội, cứ để người ta cho tiền rồi mình hãy thổi khèn, hãy múa”. Tiếng khèn ở Khau Vai cứ tự nhiên như thế, chẳng cần ai giục giã, ai cho tiền...
Đêm đã sâu và sương xuống dày khiến trời ngày càng lạnh. Tôi quấn chặt hơn chiếc áo khoác. Đã có người say rượu ngả luôn vào vách lều mà ngủ. Tiếng ngày cất lên thật hồn nhiên. Những đám đông tụ tập tại các đám hát, đám khèn đã thưa dần. Từng đôi trai gái đưa nhau đi, bóng họ chìm vào đêm, lẫn vào các gốc cây, mô đá. Chỉ còn tiếng xào xạc của gió, và tiếng khèn đâu đây vẫn nỉ non tâm sự: “Anh ở xa ba con suối, bốn ngọn đồi. Anh về chợ cũ tìm người. Gặp em đây anh muốn hỏi: Em đã có người thương? Nếu đã có thì ta ở với nhau đêm nay, nếu chưa có thì ta ở với nhau cả năm cả tháng cả đời. Em bằng lòng thì về cùng anh sau phiên chợ...”
Tôi đi một mình tha thẩn trong đêm lạnh đượm không khí liêu trai, nghe những tiếng hát, tiếng thì thầm, có cả tiếng khóc thút thít của các cặp tình nhân. Bên miếu Ông, tôi bắt gặp một phụ nữ trong trang phục người Nùng ngồi bất động, với nét mặt thật buồn... tôi bèn bắt chuyện:
-Người ta có đôi vui thế, sao ngồi một mình ở đây, hay là đang chờ ai?
Người phụ nữ cất giọng thật nhẹ:
-Mình chờ người yêu của mình.
-Thế người yêu ấy đâu rồi, sao không đến để người yêu này chờ mãi vậy?
- Nó mất rồi, mất đã ba năm nay. Phiên chợ năm ngoái mình cũng chờ, phiên chợ năm nay mình cũng chờ. Nó không đến nữa đâu, kệ, mình cứ chờ...
Thì ra là vậy. Tôi biết người phụ nữ sẽ còn chờ mãi suốt đêm nay. Hạ ba lô lấy ra chai rượu ngô vừa mua ban nãy, trải mảnh ni lông lên thảm cỏ, tôi bảo người phụ nữ:
- Thôi người ấy không đến thì cho tôi ngồi đây cùng nhé. Trò chuyện và uống rượu với tôi cho đỡ buồn đêm nay vậy...
Chúng tôi cùng chuyền tay nhau chai rượi vơi dần theo câu chuyện miên man không dứt. Trong men rượu nồng nàn, tôi nhìn lên bầu trời đêm Khau Vai đầy sao...
Tiếng người phụ nữ như thoảng qua bên tai, nhẹ như tiếng gió:
- Ngày mai anh xuôi chắc chẳng còn nhớ nữa đâu. Rồi lại có người đợi chờ cả đêm đấy...
Chợ một ngày nhớ một đời
Tiếng gà eo óc bắt đầu gáy đâu đó dưới thung sâu, trên đỉnh núi, trong bản xa và cả các nhà bên cạnh. Tiếng gà rừng và gà nhà quyện vào nhau đánh thức khu chợ. Trời sáng dần. Nghe rõ cả tiếng lục lạc leng keng của các con ngựa thồ nặng ở xa giờ mới đến. Người ngày càng đông thêm. Hàng được tháo khỏi lưng ngựa bày bán ngay trên lối đi. Mớ măng rừng, chai mật ong, chiếc khăn thêu thổ cẩm. Lại có cả nước hoa, pin đèn, đài bán dẫn, kem dưỡng da phụ nữ của Trung Quốc. Một cô gái người Thái cười tít mắt, tay mân mê cái ví da: “Nó đẹp hơn cái túi thêu, mà không bền đâu. Nhưng mình vẫn mua về để tặng bạn đấy”. Còn anh con trai phanh ngực áo chàm bên ngoài, để lộ cái cổ áo sơ mi trắng và áo phông đỏ bên trong thì vừa trả tiền chiếc bật lửa Trung Quốc vừa bảo: “mình mua cái bật lửa này. Mua ít thôi để tiền còn uống rượu với bạn mà”.
Tôi đi dạo khắp chợ, mua được chai mật ong ngát hương rừng. Chợ đông là vậy, thế mà loanh quanh lại gặp Giàng Chín Tả trong một hàng thắng cố. Đang say khướt nhưng vẫn nhận ra tôi, anh chàng chạy ra lôi tuột tôi vào, cao giọng: “Múc cho bạn tôi một bát thật đầy để uống rượu nhé”. Lập cập đưa bát rượu cho tôi, Tả bảo: “Mình đã say từ nãy đấy, giờ gặp bạn thân nhất thì say thêm nữa càng thích mà. Đã chơi với nhau thì phải say chứ...”.
Đã quá trưa, khu chợ râm rạn tiếng nói cười, rồi trời bắt đầu ngả sang chiều. Những con ngựa được buộc túm một chỗ, nãy giờ vẫn cào móng hí lên chọc ghẹo nhau bắt đầu được tháo dây, chất đồ lên lưng theo dòng người rời chợ về các hướng. Chúng như luyến tiếc đi mà vẫn ngoái đầu nhìn lại, hí vang lời tiễn biệt. Một cơn gió mạnh đột ngột thổi lên, thả xác lá rơi rào rào trên các bãi cỏ đã bắt đầu trở nên thưa vắng. Dòng người đi trên các triền núi xa bắt đầu nhòa đi, lẫn vào màn sương chiều bàng bạc. Một đôi trai gái mới quen nhau bịn rịn không nỡ rời. Tay trong tay, họ đứng mãi đó trong sương chiều. Lại thoảng tiếng khèn trong gió: “Ta mới quen nhau đêm đầu, về bản xa biết còn nhớ nhau? Hẹn em phiên chợ sau, tháng ba ngày hai bẩy...”.
Tôi cũng lững thững rời Khau vai, biết rằng một lần đến nơi đây là đã gửi cả tâm hồn, và từ nay về sau sẽ chẳng thể nào quên chợ miền biên viễn, chợ tình độc đáo chẳng thể lẫn với chợ nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo