Văn hóa

Chọn Quốc phục khó đi đến hồi kết

Thay vì loay hoay tìm Quốc phục vừa truyền thống mà vẫn hiện đại, có ý kiến cho rằng nên thiết kế một trang phục hoàn toàn mới.
(VOV) - Tại cuộc tọa đàm giới thiệu công trình khảo cứu về trang phục Việt Nam của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức diễn ra ngày 27/6 tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, từ năm 1990 đến nay, đã có không dưới 10 lần vấn đề xây dựng Quốc phục Việt Nam được đưa ra để bàn luận. Cuối năm 2012, việc lựa chọn Quốc phục lại rộ lên khi Thứ trưởng Bộ VH–TT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Việc xây dựng lễ phục rất cần thiết, nhằm khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc và vị thế độc lập nền văn hiến quốc gia”. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn giữa việc vừa kế thừa tính truyền thống, vừa đáp ứng tiêu chí thời trang hiện đại khiến việc lựa chọn Quốc phục rất khó để đi đến hồi kết.
 
Chọn Quốc phục hay chọn Lễ phục?
 
Là một trong những nhà nghiên cứu chuyên sâu về trang phục dân tộc qua các thời kỳ, cũng đồng thời là tác giả cuốn sách “Ngàn năm mũ áo”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng, để lựa chọn được bộ Quốc phục cho toàn thể 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là việc rất khó.
 
“Trong lịch sử không có từ hay định nghĩa nào nói về “Quốc phục”. Từ “Quốc phục” là do gần đây chúng ta sáng tạo ra. Tuy nhiên, dùng từ “Quốc phục” là không chuẩn bởi “Quốc phục” là chỉ quần áo và trang phục truyền thống của một quốc gia, một địa phương, một dân tộc trong thời kỳ lịch sử nào đó của một nhóm người. Trên địa lý đặc thù của Việt Nam có 54 dân tộc anh em, việc bắt tất cả cùng mặc theo một bộ Quốc phục là việc bất khả thi và khiên cưỡng. Nếu đổi sang dùng “lễ phục” thì lại nảy sinh vấn đề, 54 dân tộc đều có quyền mặc lễ phục của riêng họ trong những dịp Lễ, Tết quan trọng chứ không cùng chung một bộ lễ phục".
 
 
 
Trang phục truyền thống với áo the, khăn xếp cho nam và áo dài cho nữ
 
Đặt vấn đề chọn riêng Quốc phục của dân tộc Kinh Việt thì tiêu chí để lựa chọn trang phục cũng làm nảy sinh tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, nên chọn áo the khăn xếp cho nam giới và áo dài cho nữ giới để làm Quốc phục. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối rằng: khăn xếp áo the là thứ phục trang… “cổ”, quá rườm rà để có thể mặc trong những dịp lễ quan trọng của đất nước. Đặc biệt khi áp buộc những trang phục đó lên giới trẻ với tư duy hiện đại thì vấp phải sự phản đối rất lớn” – Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho hay.
 
Trong một cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Quang Đức trước đó, bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh cũng chia sẻ, không có nhiều viên chức đồng ý diện trang phục áo the khăn xếp – thứ chỉ còn xuất hiện trong các hội hè dân gian, để tham gia vào các sự kiện.
 
Thạc sĩ Phạm Văn Ánh, Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam cho biết: “Chúng ta hiện còn một khoảng trống rất lớn trong việc nghiên cứu về văn hóa trang phục. Không có hiện vật, tư liệu lịch sử đối chiếu mà chỉ có miêu tả dân gian về trang phục của một số thời kỳ trước kia. Việc xác định điểm đặc trưng của trang phục dân tộc là vấn đề cốt yếu để giải quyết mâu thuẫn giữa lễ phục mang tính truyền thống mà lại mang hơi thở thời đại”.
 
Nên hay chăng sáng tạo một bộ lễ phục hoàn toàn mới?
 
Theo nghiên cứu của tác giả Trần Quang Đức, trang phục Việt Nam không có nhiều đặc trưng riêng mà chỉ có sáng tạo và độc lập tự chủ trên nền tảng trang phục Trung Hoa, do văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều. Quan niệm thời xưa cũng coi nền văn hóa Trung Hoa phát triển rực rỡ là khuôn mẫu, là tiên tiến để noi theo.
 
Chính vì thế, trong rất nhiều bộ phim thể loại lịch sử được trình chiếu trong thời gian vừa qua như “Đêm hội Long Trì”, “Khát vọng Thăng Long”, “Huyền sử Thiên Đô”, “Đường tới thành Thăng Long”… vấn đề trang phục cũng được bàn đến khá nhiều bởi sự…nửa Việt Nam nửa Trung Quốc chứ không thuần Việt, chưa thể hiện được nét đặc sắc trong văn hóa trang phục Việt Nam. Những lỗ hổng trong nghiên cứu dẫn đến việc chúng ta có nhiều quan niệm sai lầm về trang phục và không xác định được rõ ràng điểm đặc trưng của trang phục.
 
Cuốn “Ngàn năm mũ áo” dựng lại bức tranh trang phục cung đình và dân gian Việt Nam trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945), được tham chiếu với khối tư liệu đồ sộ, tác giả Trần Quang Đức cũng chỉ đưa được ra một đặc trưng rõ ràng trong trang phục Việt Nam xưa là: trang phục cung đình thì dùng vàng để đính lên mũ miện (kéo dài đến thời Nguyễn), trang phục dân gian cũng dùng sợi tơ vàng để may quần áo. Tuy nhiên, việc này không thể áp dụng cho trang phục hiện đại và cũng phải mất thêm nhiều thời gian nữa để tiếp tục nghiên cứu điểm đặc trưng.
 
Thay vì loay hoay tìm ra trang phục thỏa mãn tính truyền thống mà mang hơi thở thời đại, bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, đề xuất: “Mỗi một thời đại có trang phục riêng biệt, không cớ gì mà trong thời kỳ hiện nay, chúng ta lại không sáng tạo ra một trang phục phù hợp để thỏa mãn cả truyền thống và hiện đại”.
 
Ngoài ra, Thạc sĩ Phạm Văn Ánh cũng đưa ra ý kiến: “Trang phục xưa phân biệt trang phục cung đình và trang phục dân gian thì chúng ta cũng có thể làm điều tương tự với trang phục dành cho quan chức chính phủ (phục vụ cho các hoạt động ngoại giao, các dịp quan trọng của đất nước) và trang phục dân gian dành cho đa số người dân. Việc này sẽ giúp điều hòa lợi ích của các bên và khẳng định dấu ấn của nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập trên phương diện văn hóa trang phục”./.
 
 
 
 
Thanh Thanh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo