Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Empire: Bước ra khỏi hào quang của chính mình

Không còn trẻ trung, sôi nổi của thời... Công viên nước Hồ Tây những năm 2000, ông Nguyễn Đức Thành đã bước ra khỏi ánh hào quang của chính mình, đã tin và trao sự nghiệp cho giới trẻ. Nhưng dường như tinh thần kinh doanh trong ông vẫn trẻ nguyên, không có tuổi...

Sân chơi của những người trẻ

“Giờ tôi sẵn sàng chia sẻ bất cứ điều gì”, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Emipre không từ chối lời đề nghị phỏng vấn như nhiều lần trước. Năm vừa rồi, ông gần như lui khỏi Tập đoàn khi trao 99% cổ phần cho con trai.

“Ai cũng phải đi qua thời tuổi trẻ. Hiện nay, tôi đã giao lại sự nghiệp cho con trai gánh vác. Tôi nghĩ là con tôi làm tốt hơn. Không có gì đáng phàn nàn về giới trẻ hiện tại, vì họ xứng đáng”, ông Thành vui vẻ.doanh nhân Nguyễn Đức Thành.

Doanh nhân Nguyễn Đức Thành.

Một cách sòng phẳng, ông đã tạo dựng được nền tảng trong sự nghiệp kinh doanh của mình, để các con ông có điều kiện làm tốt hơn. Ông thấy điểm gì họ thực sự tốt hơn, giới trẻ ấy?

Họ tốt hơn, chắc chắn thế! Ngoài điều kiện khách quan, như điều kiện học hành, sự phát triển kinh tế, sự đổi mới của đất nước, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn..., về chủ quan, giới trẻ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá hơn.

Thời tôi, khi bắt đầu làm gì, chúng tôi nghĩ theo hình chóp, nghĩa là, phải đi từng lớp một, móng phải chắc, rồi mới xây tầng. Cũng có người giỏi, chọn cách đi theo hình trụ, lên thẳng. Nhưng thời 4.0, cơ hội đến nhanh, đi nhanh, cách tư duy, cách làm hoàn toàn khác. Giới trẻ bây giờ sẵn sàng bắt đầu từ đỉnh, theo hình chóp ngược...

Nhiều người vẫn lo giới khởi nghiệp quá liều lĩnh?

Chúng ta thử nhìn xem, họ thất bại nhiều không, có; nhưng thành công cũng rất nhanh và rất lớn.

 

Định nghĩa của sự liều lĩnh không còn giống như những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi đó, liều lĩnh có thể mất rất nhiều nếu thất bại, vì cách làm từng bước. Hiện giờ, khởi nghiệp là cuộc thử nghiệm ý tưởng, cho phép các bạn trẻ thất bại mà không để lại quá nhiều tổn thất, cơ hội để làm mới rất nhanh.

Nhưng điều quan trọng, họ có cách nhìn mà chúng tôi đã không có được khi khởi nghiệp... Hồi tôi đầu tư vào Dự án Công viên nước Hồ Tây năm 2000, chỉ nghĩ phải làm một điểm đến của người Hà Nội vì khảo sát thị trường, thấy nhu cầu có nhưng thị trường đang trống. Nhưng 15 năm sau, khi làm Cocobay, con trai tôi muốn làm ra một điểm đến của thế giới.

Điểm đặt tư duy hoàn toàn khác, nghĩa là, sẽ có những việc phải đi trước, chứ không chỉ là học thế giới, không thể khảo sát nhu cầu hiện tại. Có cảm giác như trong thế giới thay đổi vũ bão, trong nền kinh tế số, người kinh doanh phải có những ý tưởng siêu tưởng...

Ông nhìn các ý tưởng siêu tưởng đó thế nào?

Tôi thấy ổn và thấy cần phải thay đổi cách làm, thay đổi điểm đặt mục tiêu. Đúng là phải xác định Việt Nam là điểm đến của thế giới, thì du lịch Việt Nam mới thực sự phát triển, phát huy tiềm năng, mới đuổi kịp được thế giới. Chứ nghĩ và làm theo lối mòn, bao giờ ta đuổi kịp các nước trong khu vực ASEAN, chứ chưa nói đến các nền kinh tế của thế giới.

 

Lớp trẻ Việt Nam bây giờ không chỉ nghĩ đến đuổi kịp, mà còn vượt nhanh ở một số lĩnh vực cụ thể. Tôi tin họ có thể làm được, vì họ đã nghĩ đến, đã hành động. Họ xứng đáng được gia đình, đất nước tin giao trọng trách lớn.

Cách bước ra khỏi ánh hào quang

Ông Thành từng được giới truyền thông gọi là ông chủ bí ẩn của Cocobay, khi gần như không xuất hiện trong suốt thời gian giữ quyền điều hành Tập đoàn Empire kể từ khi doanh nghiệp này tái cơ cấu, đổi tên vào năm 2016. Với những người biết ông từ thời là người điều hành Công viên nước Hồ Tây năm 2000, ông đã là “người bí ẩn” nhiều năm nay, nói chính xác là từ những năm 2011.

Khi cơn bão khủng hoảng đổ ập vào các doanh nghiệp Việt Nam, ông và Empire - khi đó là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Thành Đô, không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhiều người gặp ông khi đó còn lo rằng, ông sẽ không đủ sức trở lại.

Bây giờ, ông có thể kể lại gì về thời gian đó?

 

Những năm đó khó khăn lắm, đỉnh điểm là giai đoạn 2011-2013. Tôi còn may mắn là gia đình, con cái... không bị ra đường như nhiều người, vì tôi giữ được nguyên tắc tách bạch tài sản kinh doanh và gia đình. Đó cũng là một bí quyết giúp tôi vượt qua được khó khăn.

Đến năm 2013, thị trường bất động sản bắt đầu có tín hiệu hồi phục sau khi chạm đáy. Quỹ đất tôi có ở khu vực Đà Nẵng rất lớn, nếu bắt đầu sớm, có thể đón đầu giai đoạn phục hồi. Nhưng cái khó là tôi không có tiền, trong khi căn cứ vào các nghiên cứu thị trường thời điểm đó, tôi muốn bắt đầu một dự án thực sự đẳng cấp, hướng tới nhóm khách cao cấp đến Việt Nam dần đông hơn, nhưng chưa có cơ sở lưu trú phù hợp.

Giờ nhìn lại, sự thành công của Khu nghỉ dưỡng 5 sao Naman Retreat (Đà Nẵng) một phần nhờ may mắn, nhưng phần nhiều là nhờ những người bạn tôi - các ông chủ ngân hàng. Họ đã tin và cho tôi vay, để kịp bắt đầu khởi công Naman Retreat vào năm 2013, xây dựng trong 18 tháng, ra mắt đúng vào vòng hồi sinh của thị trường bất động sản, du lịch. Tôi vẫn chưa quên cảm xúc những ngày đầu tiên Naman Retreat vừa ra mắt, luôn ở tình trạng đầy khách.

Tại sao ông không tiếp tục mô hình thành công của Naman Retreat?

Với thành công của Naman Retreat, tôi chính thức trở lại, nhưng không phải một mình, mà với con trai (khi đó 28 tuổi, trở về sau một thời gian học tập ở nước ngoài, làm việc ở các công ty bên ngoài và cũng đã tự xây dựng doanh nghiệp riêng...).

 

Năm 2015, tôi quyết định chuyển giao công việc cho con trai, với 72% cổ phần. Tôi cũng nghĩ, chúng tôi có thể tiếp tục mô hình resort phong cách Việt sau thành công của Naman Retreat. Nhưng các con tôi không nghĩ giống tôi. Chúng nói, nếu tôi quyết định chuyển giao, phải chấp nhận cách làm khác, thậm chí là gây sốc. Chúng thấy sự khác biệt ngay thời điểm đó.

Và ông chấp nhận?

Không dễ chấp nhận. Tôi không sợ mất tiền, không sợ thất bại, vì sẽ được kinh nghiệm. Thậm chí, tôi đã sẵn sàng tâm lý làm lại từ đầu. Đây cũng là điều tôi đã tâm sự trong buổi lễ chuyển giao quyền điều hành, trước những người thân, bạn bè - những doanh nhân tên tuổi đã đi cùng tôi trong những lúc khó khăn nhất.

Điều duy nhất tôi yêu cầu là không được mất tình cảm gia đình, gia tộc, bạn hữu. Nếu tôi thấy yêu cầu này bị vi phạm, tôi sẽ ra tay, còn tất cả quyền điều hành công ty là của con trai tôi.

Đến giờ, tôi vẫn tin quyết định của mình đúng. Trong cuộc sống và trong kinh doanh, để phát triển, nhiều khi phải biết cách bước ra khỏi ánh hào quang của mình, tin vào giới trẻ.

 

Bài học kinh doanh

Là một trong những người sáng lập phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam, từng là Phó chủ tịch Ủy ban lâm thời Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam giai đoạn 1995-1998 (tiền thân của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam), ông Thành luôn coi Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam là nơi gắn bó máu thịt. Đây là nơi ông tìm được những người bạn đã ở bên ông trong những thời điểm sự nghiệp khó khăn nhất.

Hiện giờ, ông nói sẵn sàng làm người kể chuyện cho giới trẻ khởi nghiệp, hơn thế, còn đang đi học để làm người nâng đỡ, đầu tư cho những ý tưởng start-up.

Khi trao đổi với nhiều doanh nhân cùng thế hệ với ông, họ nói sẵn sàng những câu chuyện thành công, thất bại, nhưng không phải để những người trẻ học và làm theo...

Chúng tôi bắt đầu kinh doanh từ hơn 20 năm trước, tư duy kinh doanh cũ đã thành đường mòn, rãnh sâu, nên suy nghĩ, hành động về kinh doanh đều cổ lắm. Bản thân chúng tôi cũng hiểu, nếu không muốn bị thải loại thì phải học, phải làm mới đầu óc, phải dám bỏ lại những thành công cũ, dám nghĩ khác.

 

Nhưng tôi tin có nhiều điều giới trẻ khởi nghiệp có thể nghe, có thể cảm nhận và có thể học được, đó là bài học về cuộc sống, về tính nhân văn, về bản sắc văn hóa, về cách đối nhân, xử thế... Dù kinh doanh ở đâu, bằng cách nào, tôi tin là chúng ta không thể bỏ qua văn hóa, sự tử tế, tinh thần của người Việt. Khi đã kinh doanh trên một nền tảng văn hóa tình người, thành công sẽ bền vững.

Thế ông đang làm gì?

Với các công việc truyền thống, đã chuyển giao thì làm theo đơn đặt hàng của các bạn trẻ. Họ cần tư vấn cái gì thì tôi làm, còn không can thiệp vào điều hành. Tôi đang có thời gian dành cho những điều tôi muốn làm như du lịch, viết sách, dạy học, những sở thích cá nhân.

Đặc biệt, tôi đang ôm ấp dự án xây dựng một hệ thống thư viện mang tên là Thư viện Ánh sáng tại những vùng khó khăn, đặc biệt. Tôi định bắt đầu bằng một số mô hình thử nghiệm, như ở trại tù cho phạm nhân nữ, ở đồn biên phòng, ở vùng quê nghèo... Sức tôi không thể làm hết, nên mong mọi người chung tay cùng làm, để 5 năm tới, sẽ có 100 thư viện với hàng ngàn đầu sách trên cả nước..

Còn việc kinh doanh thì sao?

 

Là doanh nhân thì không bỏ kinh doanh được. Tôi đang hứng thú với công nghệ và các bạn trẻ, đang đầu tư cho một số start-up về công nghệ. Các bạn trẻ tự tin nói với tôi, công ty sẽ bùng nổ trong vòng vài năm tới. Nhưng, chính vì các dự án này mà tôi đang phải đi học, đi nghe để cập nhập thông tin mới, để theo kịp được những người trẻ.

Tôi vẫn muốn nói nhiều về những người trẻ, dù còn người nọ, người kia, nhưng cơ bản, giới trẻ Việt Nam hiện giờ xứng đáng để gia đình, đất nước trao đặt sự nghiệp.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo