Chủ tịch Masan: Tăng trưởng giảm nhưng không lạc hướng
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông sáng nay, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) cho biết, thời gian gần đây, câu hỏi ông nhận được nhiều nhất là có phải doanh nghiệp này đang mất tập trung khi đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, hàng tiêu dùng đến tài chính ngân hàng…
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, hoài nghi này là điều dễ hiểu bởi từ bên ngoài nhìn vào sẽ thấy đà tăng trưởng liên tiếp giảm và chiến lược dài hạn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, ông khẳng định Masan không hề lạc hướng mà chỉ đang từng bước xây dựng mảnh ghép của một bức tranh lớn. Dù gánh trên mình áp lực tài chính ngắn hạn, nhưng công ty đã có những “trái sớm đầu mùa” nhờ gia nhập và tập trung mở rộng thị phần xuyên suốt các lĩnh vực kinh doanh, không phụ thuộc vào chu kỳ thị trường, tối ưu hóa dòng tiền và tái đầu tư lợi nhuận để tạo thêm động lực tăng trưởng mới.
“Trong bối cảnh giá heo hơi giảm mạnh, thay vì cắt lỗ thì Masan đã làm điều ngược lại. Khoản đầu tư này được kỳ vọng mang lại giá trị dài hạn hơn là các khoản tiết kiệm ngắn hạn, đồng thời thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo ngoài trại gia công của công ty đã tăng từ 30% lên 35%”, ông Quang dẫn chứng.
Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất giảm 13% xuống còn 37.621 tỷ đồng do khủng hoảng giá heo hơi và tái cấu trúc mô hình kinh doanh tại Masan Consumer từ bán hàng hóa sang xây dựng thương hiệu, giảm sự phụ thuộc vào khuyến mãi và tồn kho tại hệ thống phân phối. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ lại tăng 11% lên hơn 3.100 tỷ đồng nhờ thu nhập bất thường từ việc bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay khoảng 45.000-47.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20-25% so với năm ngoái. Kế hoạch này được ban lãnh đạo điều chỉnh tăng thêm thêm 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm nhờ diễn biến khả quan từ các công ty con.
Cụ thể, ngành hàng tiêu dùng được dự báo sẽ đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu nhờ các sản phẩm mới được tung ra thị trường với sự đầu tư thương hiệu bài bản. Doanh thu từ mảng nông nghiệp vẫn giảm mạnh nhưng có thể hồi phục trong giai đoạn cuối năm, khi giá heo tăng trở lại. Mảng khai khoáng cũng được hưởng lợi nhờ chính sách siết chặt môi trường của Trung Quốc – quốc gia dẫn đầu thị phần vonfram, khiến nguồn cung thiếu hụt…
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tính theo tỷ lệ doanh thu sẽ giảm mạnh so với 2017. Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư để giảm hàng tồn kho và hỗ trợ nông dân, nhà phân phối cũng hoàn tất nên công ty dự kiến lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông sẽ tăng 10-30%, lên khoảng 3.400-4.000 tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố bất thường là 933 tỷ đồng từ bán trái phiếu thì tăng trưởng có thể lên đến 55-85%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo