Chủ tịch Tập đoàn Geleximco lên kế hoạch đầu tư dự án nhiệt điện tại Việt Nam
Bộ Công Thương vừa có văn bản lấy ý kiến về việc liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hồng Kông United (HUI) đề xuất tham gia một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức PPP (đối tác công - tư).
Theo văn bản của Bộ Công Thương, liên danh này rất hứng thú với các dự án nhiệt điện, đã hai lần đề xuất được đầu tư.
Lần thứ nhất, ngày 31/7/2017, liên danh Geleximco - Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) có văn bản đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho đầu tư 5 dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 và Hải Phòng 3. Hình thức đầu tư theo PPP, trong đó liên danh đầu tư góp 75%-80% vốn.
Lần thứ hai vào ngày 16/10/2017, liên danh này tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư hai dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2.
Tại lần đề xuất riêng cho dự án Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2, phương án tài chính được đưa ra là liên danh sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn vay thương mại quốc tế không cần bảo lãnh Chính phủ. Trong đó dự kiến tỉ lệ vốn chủ sở hữu/vốn vay từ các tổ chức tín dụng là 20%/80%.
"80% vốn được vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất 10,86%/năm, vay thương mại quốc tế 11,77%/năm. Phần này sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu bao gồm Ngân hàng Trung Quốc; Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc Chi nhánh Hồ Nam, Chi nhánh An Huy; Ngân hàng Công Thương Trung Quốc", văn bản của Bộ Công Thương nêu.
Về giá điện, áp dụng theo Quyết định 2014/2007, dự kiến là 1.524,15 đồng/kWh (dự án Quỳnh Lập 1), 9,69 cent/kWh với dự án Quảng Trạch 2.
Chủ đầu tư cam kết khởi công xây dựng ngay khi các dự án được cho phép đầu tư trong khi năng lực tài chính của liên danh lại có những điểm chưa rõ.
Bộ Công Thương cho rằng, nguồn vốn chủ sở hữu của Geleximco khoảng 8.976 tỷ đồng, được bảo đảm bởi các nguồn tiền thu được từ các dự án xây dựng đô thị, sân golf đang thực hiện (khoảng 8.871 tỷ đồng). Geleximco đã có báo cáo bổ sung dòng tiền, theo đó vốn chủ sở hữu Geleximco thu từ các dự án xây dựng có thể lên tới 15.731 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Geleximco lại không cung cấp thông tin tài chính của đối tác liên danh là HUI theo yêu cầu của Bộ Công Thương mà chỉ đưa báo cáo tài chính các năm 2014-2016 của KAIDI Dương Quang - cổ đông chính của HUI.
"HUI được thành lập năm 2016 nên tới nay chưa có báo cáo tài chính 3 năm theo yêu cầu. Năng lực tài chính của HUI được hiểu là năng lực tài chính của cổ đông chính", Bộ Công Thương đánh giá.
Trong khi đó, quy mô của các dự án nhiệt điện có vốn đầu tư rất lớn, kéo dài. Chẳng hạn, dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có tổng mức đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Đối với dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2, tổng mức đầu tư dự kiến 2,4 tỷ USD, tổng mức đầu tư 2 dự án lên tới khoảng 4,5 tỷ USD. Trong đó, liên danh Geleximco - KAIDI đề xuất sở hữu 100% cổ phần dự án Quảng Trạch 2.
Trước đó, Tập đoàn Geleximco do ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đề xuất với Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công tư.
Theo Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền, doanh nghiệp có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, như Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam; một số Quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc - công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỷ USD có năng lực và kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực quản lý tài sản và đầu tư, Công ty TNHH Cổ phần Đầu tư Dân sinh và Tập đoàn đầu tư lớn tại Hong Kong như IDG…
Ngoài ra, năm 2017, Geleximco còn đề xuất lên UBND Hà Nội cho phép mời Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Đề nghị này của doanh nghiệp sau đó bị phản đối dữ dội từ dư luận.
Trước đó, cuối năm 2016, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam.
Geleximco và HUI đề xuất tham gia một số dự án như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và Tp.HCM đến Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo ước tính, tổng chi phí 4 dự án có thể lên tới gần 50 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo