Văn hóa

Chưa quyết việc bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân

Hôm qua, UBND TP.Hà Nội đã họp về đề xuất bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc này.
Cầu Nhật Tân nhìn từ trên cao - Ảnh: Ngọc Thắng
 
Tại cuộc họp do Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì, đề xuất bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân đã được đưa ra trao đổi. Theo đó UBND TP.Hà Nội đã nhận được văn bản do Sở VH-TT-DL TP.Hà Nội trình liên quan đến vấn đề này.
 
 
Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết tại cuộc họp UBND TP.Hà Nội chưa chốt về việc trên mà Hà Nội sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Thanh Niên đã liên lạc với Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng để xác nhận thông tin trên, nhưng ông Hùng từ chối trả lời. Sau cuộc họp, Thanh Niên cũng liên lạc với ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Hà Nội, nhưng không được.
 
 
 
 
Cái “cớ” xã hội hóa
Liên quan vấn đề này, họa sĩ Lê Thiết Cương nêu ý kiến: “Vài năm gần đây, người ta hay lấy cớ để xoa dịu dư luận khi tiêu tiền. Cớ đó là tiền này không phải thuế của dân mà là xã hội hóa. Nhà quản lý cũng nên hướng dẫn xã hội dùng tiền làm việc gì có ích hơn, vì có những điều cần thiết hơn. Chưa kể trên đời chẳng có ai cho mà không nhận. Tôi e doanh nghiệp rồi cũng có thể xin cái gì đó, chẳng hạn xin quảng cáo. Thế thì đừng nói xã hội hóa. Cần xem cả nguồn tiền xã hội hóa có được chi dùng một cách minh bạch không”.
 

Về ý tưởng bắn pháo hoa thường xuyên để đưa cầu Nhật Tân thành điểm văn hóa, điểm du lịch, PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng điều này đòi hỏi một kế hoạch chi tiết thật độc đáo.

 

Tầm vóc, cách thức của việc bắn pháo hoa cũng phải đặc biệt. “Không phải bắn pháo hoa thì có thể thu hút khách du lịch, rồi trở thành điểm văn hóa được đâu. Nếu bắn pháo hoa để thành điểm du lịch thì ít nhất nó phải là cuộc thi như Đà Nẵng, chứ không phải bắn pháo hoa bình thường”, ông Lương nói.

 

Đà Nẵng đã tổ chức thi bắn pháo hoa nghệ thuật nhiều năm. Kinh nghiệm của Đà Nẵng được TS Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đà Nẵng, chia sẻ: “Ở Đà Nẵng không có bắn pháo hoa, mà là cuộc thi pháo hoa nghệ thuật. Chúng tôi lên kịch bản rồi đi vận động tài trợ cho cuộc thi, khoảng 40 tỉ đồng. Mình vận động tài trợ để trang trải chi phí cho các đoàn tới, thứ nữa là giải thưởng. Có kịch bản, cốt truyện, nhạc hấp dẫn và bán vé được, rất khác với Hà Nội vẫn thường làm là bắn cho dân xem, pháo hoa chào mừng sự kiện”.
 
 
Theo TS Vũ Thế Long - Giám đốc Trung tâm phát triển các chương trình xã hội, bắn pháo hoa không phải truyền thống của nước ta, chúng ta chỉ bắn trong những dịp lễ trọng đại.
 
 
“Cầu Nhật Tân chỉ là để đi sang sân bay, chứ đâu phải đi dạo, làm du lịch. Bắn pháo hoa thường xuyên không khéo thành thói trưởng giả học làm sang. Nói là để tạo điểm du lịch, trong khi du lịch Hà Nội còn bao thứ phải làm. Bao nhiêu thứ di sản nghìn năm chẳng quan tâm, lại đốt tiền vào pháo hoa”, ông Long nói.
Theo Thanh Niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo