Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 8/6: Nhà đầu tư tức giận đòi giám đốc HoSE từ chức

DNVN - Làn sóng phẫn nộ của các nhà đầu tư đang lan rộn, nóng rực khắp nơi. Rất nhiều diễn đàn đã lập ra các topic đề nghị HoSE ngừng giao dịch, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đồng thời, kêu gọi lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán, HoSE phải chịu trách nhiệm và có lời giải thích thoả đáng.

Chiến lược đầu tư chứng khoán tuần 07/06 – 11/06/2021 / Định giá lần đầu cổ phiếu GEG: Triển vọng từ các dự án năng lượng tái tạo

Áp lực chốt lời mạnh trong phiên giao dịch hôm nay khiến cho cả 2 chỉ số chính đều giảm sâu. Thanh khoản lại không thay đổi nhiều so với các phiên trước cả về giá trị và khối lượng giao dịch.

Mặc dù giảm mạnh ngay sau phiên ATO, VN Index đã có thời điểm lấy lại mốc 1.360 nhờ đà tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, MSN. Tuy nhiên đà tăng ở các cổ phiếu này không thể duy trì được lâu và nhanh chóng đảo chiều sau đó, theo đó khiến chỉ số chung cũng quay đầu giảm sâu. Kết thúc phiên giao dịch sáng, chỉ số đảo chiều giảm hơn 1.00% với khoảng 25 trong 30 mã thuộc VN30 điều chỉnh giảm. Áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng nhanh chóng chỉ sau ít phút giao dịch trong phiên chiều và theo đó khiến cho chỉ số VN Index giảm hơn 40 điểm về dưới mốc 1.320 điểm với sắc đỏ bao trùm nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong đó có nhóm ngân hàng. Mặc dù vậy, lực cầu tại vùng giá thấp kể từ sau 14h đã giúp chỉ số VN – Index thu hẹp đà giảm đôi chút và kết thúc phiên giảm 38.90 điểm (-2.86%) đạt mức 1,319.88 và HNX – Index dừng tại mức 306.39 (-3.84%). Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt trên 37.000 tỷ VND.

Các vùng hỗ trợ bị xuyên thủng một cách dễ dàng, cùng với nhiều cổ phiếu trắng bên mua trong phiên hôm nay cho thấy, trend tăng ngắn hạn của thị trường đã bị gãy. Trong VN30 chỉ còn 4 mã giữ được màu xanh khiến VN30-Index mất tới hơn 45 điểm, còn tổng thể chung thị trường, số mã giảm điểm áp đảo với 261 mã, VN-Index có phiên giảm điểm rất sâu 38,9 điểm.

Mức giảm của VN-Index đã phá vỡ liên tiếp 2 ngưỡng hỗ trợ gần trong khoảng 1.350 - 1.355 điểm, và vùng 1.340 - 1.345 điểm, rơi về sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm. Tất cả cho thấy, xu hướng tăng của thị trường 2 tháng qua đã bị bẻ gẫy.

Đóng cửa, với 94 mã tăng và 321 mã giảm, VN-Index giảm 38,9 điểm (-2,86%) xuống 1.319,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 924,51 triệu đơn vị, giá trị 30.296,56 tỷ đồng, tăng gần 6% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 7/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 49,93 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.619 tỷ đồng.

Các mã STB, LPB, MSB, HCM, AGR, CTS, PVD, PVT, HSG, NKG… giảm sàn và trắng bên mua. Trong đó, STB về mức 28.600 đồng, LPB về 29.250 đồng, PVD về 23.650 đồng, HSG về 42.250 đồng, HCM về 37.150 đồng. Trong rổ VN30, chỉ còn VNM, SBT, VJC và REE là tăng điểm, trong đó VJC bật mạnh với mức tăng 4,8% lên 117.200 đồng, còn lại đều giảm điểm. Các mã giảm mạnh nhất đều là các cổ phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán, dầu khí với mức giảm từ 5-6% như HPG giảm 5,1% về 50.000 đồng, SSI giảm 6,7% về 44.000 đồng, POW giảm 6,2% về 12.100 đồng, HDB giảm 6,8% về 32.300 đồng, MBB giảm 6,2% xuống 37.300 đồng…

Với 70 mã tăng và 154 mã giảm, HNX-Index giảm 12,25 điểm (-3,84%) xuống 306,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 238 triệu đơn vị, giá trị 5.689,09 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 7/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,78 triệu đơn vị, giá trị 432,47 tỷ đồng. Rổ HNX cũng chỉ còn 3 mã tăng là VMC, DTD, SLS, còn lại là giảm điểm. Trong đó, SHB -3,3% về 29.000 đồng, NVB -4,5% về 19.300 đồng, MBS -9,6% về 25.500 đồng, TNG và TVC cùng giảm hơn 7,1%... Các mã PVS, PVB, PVC, CEO còn giảm sàn.

Với 136 mã tăng và 176 mã giảm, UpCoM-Index giảm 2,67 điểm (-2,99%) xuống 86,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 113,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.030 tỷ đồng, tăng 4% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên 7/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,2 triệu đơn vị, giá trị 192,7 tỷ đồng.

Một điều đáng chú ý trong phiên hôm nay đó là việc sàn HoSE vẫn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng làm nhà đầu tư mua bán trong tình trạng mù mờ. Làn sóng phẫn nộ của các nhà đầu tư đang lan rộn, nóng rực khắp nơi. Rất nhiều diễn đàn đã lập ra các topic đề nghị HoSE ngừng giao dịch, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đồng thời, kêu gọi lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán, HoSE phải chịu trách nhiệm và có lời giải thích thoả đáng.

Đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày hôm nay, suốt cả buổi sáng, điểm số và khối lượng giao dịch đứng im gần như không nhúc nhích. Giá cổ phiếu thì nhảy nhót loạn xạ, không biết ở mức nào để đặt mua – đặt bán. “Chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất là nhắm mắt bán. Cứ đặt giá thị trường khớp được ở đâu thì khớp, chấp nhận thua lỗ để chạy thoát ra được khỏi thảm hoạ này”

Để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh, HoSE đề nghị các công ty chứng khoán hạn chế huỷ, sửa lệnh. Điều này càng gây phẫn nộ nơi các nhà đầu tư: “Luật chứng khoán quy định được phép sửa, huỷ lệnh trong các phiên khớp lệnh liên tục. Nay viện lý do sợ nghẽn mà không cho nhà đầu tư sửa, huỷ là vi phạm pháp luật”, một thành viên của diễn đàn chứng khoán f319.com bức xúc.

“Nếu không quản nổi thì cho ngừng giao dịch vài hôm đến vài tuần để khắc phục. Xong rồi thì hoạt động tiếp, làm ăn kiểu chộp giật như này vừa mất uy tín vừa mất hình ảnh chứng khoán VIệt Nam quá. Trong vụ này, lãnh đạo yếu kém phải quy trách nhiệm và cho nghỉ để làm gương”, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm đề nghị.

Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE, cho biết hiện tượng quá tải hệ thống giao dịch trên HoSE đã xảy ra từ cuối năm 2020. Trong những phiên gần đây, lượng lệnh và thanh khoản của thị trường đã tăng rất mạnh. Chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22.100 tỉ đồng/phiên, gây ra tình trạng tắc, nghẽn.

Về hệ thống mới, vẫn theo ông Trà, HoSE đang tích cực phối hợp với FPT để có thể bàn giao hệ thống cho HoSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Sau đó, HoSE sẽ có báo cáo các cấp có thẩm quyền để sớm đưa hệ thống này vào vận hành.

Song, cách giải thích và thông tin này không thể làm nguội được cái đầu nóng của các nhà đầu tư. Hàng loạt các nhà đầu tư đề nghị ông Lê Hải Trà từ chức do để tình trạng này diễn ra quá lâu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam, gián tiếp gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm