Văn hóa

Chuyện "bắt chồng" có một không hai của sơn nữ Việt

“Củi hứa hôn” chính là thước đo tâm hồn, nhân cách của các sơn nữ Xê Đăng. Đống củi nào càng to, càng lớn, càng thể hiện bề thế và tình cảm thắm thiết của những đôi trai gái Xê Đăng yêu nhau…

Với người Xê Đăng, chế độ mẫu hệ đã lùi dần vào quá khứ song nó vẫn còn để lại khá nhiều dấu ấn còn rõ nét. Người phụ nữ vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong phân công lao động và các lễ thức tín ngưỡng. Trong hôn nhân, từ một cô gái trưởng thành đến tục ở rể đều phảng phất dấu vết của chế độ mẫu hệ một thời thịnh đạt, có lẽ đó là cội nguồn sâu xa đã làm nên “củi hứa hôn” và tục bắt chồng.

Theo lời kể của già Hồ Văn Dát (Nók Tắc Tu, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), khi các cô gái Xê Đăng đến tuổi trưởng thành, họ có quyền để ý để chọn cho mình một đối tượng để trở thành chồng mình sau này. Từ trong sâu thẳm của trái tim, cô gái luôn muốn tìm trong đám trai làng một người để trao duyên. Đó phải người đàn ông mạnh khỏe, giỏi dang, giết được nhiều thú rừng.

Khi tìm được ý trung nhân, cô gái sẽ lên nương rẫy, hái măng, hái nấm, cô gái vào rừng tìm cho bằng được cây loang sa hay còn gọi là cây dẻ. Thân dẻ tròn rắn rỏi nhưng thớ gỗ dọc dễ chẻ, cháy đượm mà để lại ít tro. Nếu hiếm quá có thể dùng gỗ hoa sữa thay thế, ngoài ra không được dùng gỗ loại cây khác. Việc chọn củi và thao tác làm củi rất cẩn thận như lúc tra lúa, tỉa bắp. Họ chọn được một chỗ đẹp trong nhà để làm nơi cất giữ củi. Động thái này báo hiệu cho cha mẹ, người thân biết rằng “tôi đã lo bắt chồng rồi đấy”.

Mọi người đều rất tôn trọng và vui vẻ với dấu hiệu đó. Vị trí để củi đã có, hằng ngày cô gái đều dành thời gian để kiếm thêm củi, các thanh củi được cưa ra từng khúc, dùng rìu bửa ra để gùi về. Độ dài thanh củi luôn tuyệt đối là 0,9m, đây là điều thắc mắc mà từ xưa đến nay vẫn chưa có câu trả lời, có lẽ theo quan niệm dân gian, người phụ nữ làm gì cũng gắn với con số 9, còn đàn ông gắn với số 7. Khi củi trong nhà nhiều lên và cô gái đã nhắm được chàng trai nào đó, cô chủ động nói với cha mẹ về ước muốn bắt chồng. Họ chọn thời điểm thích hợp để báo với già làng, tìm người mai mối, nếu được già làng cho phép và giúp đỡ thì quá trình hôn nhân sẽ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, nhiều khi có cô gái chỉ mới 15-16 tuổi.

Đống củi nào càng to càng thể hiện được tình yêu thắm thiết chung thủy của đôi trai gái. 

Trước lễ cưới, cô gái tỏ tình bằng việc dành dụm những sản vật đầu mùa như bắp, dưa, mía… và tranh thủ mọi cơ hội để tặng cho chàng trai. Người con trai hiểu đó là biểu hiện thiêng liêng của tình yêu nên cũng tìm cách tặng lại cô gái những xâu thịt nướng, những ống rượu ngon trong những lễ hội, tiệc tùng.

Sau đó người con gái hát những lời bóng gió, có nội dung than thân trách phận, muốn có hơi ấm vợ chồng hoặc tìm cách nhờ người bạn hẹn người con trai đi ngủ ở nhà rông. Tuy nhiên, việc xin ngủ ở nhà rông, chỉ là việc giúp hai người hiểu nhau hơn và có giấc mơ phong tục dẫn đến hôn nhân thôi. Giấc mơ phong tục tại nhà rông là báo mộng tình yêu, nhưng nó phụ thuộc vào người con trai có mơ đúng sự thật hay không. Đây là ngõ duy nhất để anh đến với việc hôn nhân này. Người con gái cũng có thể mơ nhưng không có ý nghĩa quyết định.

Người Xê Đăng không có đám hỏi chỉ có ngày cõng củi sang nhà trai, chàng trai chuyển cho bố mẹ để họ xếp lượt đầu tiên. Công việc này giống như việc mở móng, động thổ xây nhà ở. Cuối ngày là trồng nêu theo phong tục, cũng là để thông báo cho mọi người biết, con trai, con gái họ đã có vợ có chồng. Những người thân và người quen được mời và được thông báo bằng cây nêu, nếu họ có bà con bên nào thì về bên đó. Nếu cô dâu chú rể cùng làng thì họ được tổ chức đám cưới cùng ngày, nếu khác làng thì thường tổ chức vào hai ngày khác nhau để họ có điều kiện vui với dân làng ở cả đôi nơi. Ngay sau đám cưới, theo hướng dẫn của nhà trai một số ít củi còn nguyên bó được nhà gái cõng đi cho các gia đình thân thiết bên chú rể và gia đình đã giúp nhiều rượu, thịt trong đám cưới.

Đối với củi hứa hôn, người Xê Đăng không bao giờ bán hay đổi chác. Đó là luật lệ bất thành văn được mọi người triệt để tuân theo. Có thể thấy “củi hứa hôn” không chỉ có ý nghĩa trong gia đình, mà còn có tính cộng đồng sâu sắc. Sau hành động chuyển củi, quan hệ lứa đôi coi như đã hợp pháp, được dân làng vui mừng công nhận. Kể từ đó họ có quyền được tự do đi lại, hẹn hò và cùng lên rẫy, lên nương.

Những đống củi hứa hôn là thước đo nhân cách và tâm hồn của người phụ nữ Xê Đăng. 

Khác với củi bình thường, củi cưới có chiều dài nhất định được người con gái gửi gắm tình cảm, chăm sóc thường xuyên, việc đó thể hiện tình cảm thiêng liêng mà cô gái dành cho chàng trai. Nhìn từ khía cạnh này thì củi cưới đượm màu văn hoá tinh thần. Đồng thời củi cưới cũng có tiếng nói riêng của nó, sau khi cưới, củi được sử dụng sưởi ấm cho người già, được làm quà biếu cho người thân, thể hiện tình cảm của chú rể cô dâu đối với mọi người. Bên cạnh đó họ nhận được những lời khen, lời chúc tụng, và cả những giá trị thầm lặng cầu mong cho họ trăm năm hạnh phúc. Nhờ đó cô gái hoàn toàn có thể hoà nhập trong cộng đồng, có đầy đủ tư cách để tự hào về ông bà cha mẹ, dòng họ đã sinh thành nuôi dưỡng cô. Lúc này củi cưới lại mang màu sắc văn hoá tâm linh.

 

Về hình thức, củi hứa hôn của dân tộc Xê Đăng được chặt phẳng một đầu, một đầu được vát thành ba mặt phẳng. Đặc biệt trên thanh củi của người Xê Đăng có một tam giác, mà theo giải thích của già làng đó là biểu tượng của mối quan hệ vợ - chồng - con luôn quấn quýt bên nhau và sống thuỷ chung. Và với họ củi cưới nhất thiết phải là cây dẻ, không được dùng loại cây khác. Nếu như với các cô gái Xê Đăng củi hứa hôn được tìm kiếm, tích góp từng ngày, được gọt giũa tinh tế.

“Củi hứa hôn” của người Xê Đăng không chỉ là một lệ tục, mà còn là một hiện tượng văn hoá, giáo dục độc đáo. Người dân sống trong môi trường tự nhiên không mấy ưu đãi, buộc con người phải chịu khó cần cù. Ra đời từ đó củi hứa hôn đã nâng đỡ và củng cố giá trị cũng như vẻ đẹp của lao động. Mặt khác nó còn hàm chứa một giá trị đặc sắc về hôn nhân và gia đình. Nó chính là thước đo bản chất và nhân cách của những cô gái Xê Đăng, sự trưởng thành của họ không chỉ về tuổi đời mà còn về khả năng tự chủ trong cuộc sống.

Nên đọc
Theo Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo