Bản đồ số Vmap phải khác biệt để cạnh tranh với các ông lớn xuyên biên giới
Chủ tịch Phạm Đại Dương: Vmap giúp quảng bá du lịch Phú Yên
Tại Lễ ra mắt nền tảng bản đồ số - Vmap và hệ thống thông tin nhân đạo iNhandao tại Hà Nội vào sáng ngày 1/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, ngay khi ông được phân công từ vị trí Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vào Phú Yên công tác, ông nhận thấy Phú Yên là vùng đất rất nhiều phong cảnh đẹp có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng lại được rất ít người biết đến.
Nhận thấy việc đưa các địa danh của Phú Yên lên bản đồ số Vmap sẽ là cơ hội để quảng bá du lịch Phú Yên, đây là cơ hội để người dân Phú Yên kết hợp với tri thức nhân loại để phát triển kinh tế nhờ du lịch. Chủ tịch Phạm Đại Dương đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh cho Phú Yên tham gia vào Đề án Hệ trí thức Việt số hóa ngay từ tháng 2/2018. Khi đó Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bưu điện Phú Yên thu thập dữ liệu cho bản đồ số Vmap, chỉ trong vòng 2 tuần các đơn vị này đã thu thập được hơn 200.000 địa chỉ ở Phú Yên cập nhật lên Vmap. Từ đó bản đồ Phú Yên không chỉ đi đến những đường phố chính, mà còn đi tới từng ngõ ngách khắp nơi trong tỉnh, rất có lợi cho phát triển quảng bá du lịch.
Bên cạnh việc cập nhật dữ liệu cho bản đồ số Vmap, Phú Yên còn tổ chức nhiều nội dung để người dân góp ý về các vấn đề về môi trường. Ví dụ người dân có thể chụp ảnh về ô nhiễm môi trường cập nhật lên dữ liệu, ngay sau đó chính quyền sẽ cho người đi dọn dẹp ô nhiễm môi trường ngay. Sắp tới Phú Yên sẽ xây dựng chương trình tham gia vào các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, văn hóa và nhiều nội dung khác để cập nhật lên Hệ tri thức Việt số hóa.
Theo Chủ tịch Phạm Đại Dương, Phú Yên sẽ tham gia sâu hơn vào các chương trình và sản phẩm mới của Đề án Hệ trí thức Việt số hóa. Đề án này sẽ không bao giờ kết thúc, luôn có những bài toán mới, những sản phẩm mới được phát triển và Phú Yên sẽ luôn luôn tham gia vào Đề án.
Chủ tịch VECOM: Muốn cạnh tranh, Vmap phải sớm tích hợp trên nền tảng di động
Chia sẻ về lợi ích của Vmap đối với lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết: “Việc ra đời một bản đồ trực tuyến của Việt Nam đối với cộng đồng kinh doanh trực tuyến Việt Nam thực sự là bất ngờ rất lớn”.
Theo Chủ tịch VECOM, mọi dịch vụ kinh doanh online đều gắn với bản đồ trực tuyến, từ dịch vụ gọi xe, gọi đồ ăn, tất cả những sản phẩm dịch vụ được phân phối trên nền tảng trực tuyến khác đều cần sử dụng đến bản đồ số. Sản phẩm Vmap ra đời là một tín hiệu tích cực với cộng đồng kinh doanh trực tuyến nói chung, thương mại điện tử Việt Nam nói chung. Cộng đồng kinh doanh trực tuyến vừa là đơn vị khai thác Vmap, vừa có thể đóng góp vào dữ liệu bản đồ. Ngay trước mắt, VECOM sẽ phổ biến tới các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, các doanh nghiệp chuyển phát, logistics sử dụng ngay các sản phẩm này.
Nói về tính cạnh tranh của Vmap với các sản phẩm bản đồ trực tuyến khác của thế giới, như Google Map chẳng hạn, ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, khi chưa có Vmap các doanh nghiệp thương mại điện tử vẫn kinh doanh dựa trên các sản phẩm bản đồ trực tuyến của thế giới, trên thế giới có những sản phẩm bản đồ trực tuyến rất xuất sắc. Dịch vụ bản đồ, dịch vụ định vị là một nhu cầu kinh doanh, Vmap ra đời sẽ tạo một sự cạnh tranh, một cuộc chơi không chỉ trong nước, mà Vmap sẽ phải đối đầu, cạnh tranh với các sản phẩm tốt của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, cũng như những sản phẩm bản đồ khác ở trong nước.
“Muốn Vmap thành công cần lưu ý mấy yếu tố, trong đó phải cập nhật công nghệ mới nhất, đồng thời phát triển Vmap trên nền tảng di động rất là quan trọng. Hiện nay, hơn 80% các giao dịch mua bán trực tuyến là dựa trên nền tảng di động, do đó nếu ứng dụng Vmap di động không sớm được tích hợp thì sẽ khó có thể cạnh tranh với các nền tảng khác”, ông Nguyễn Thanh Hưng nhấn mạnh.
Ông Trần Hải Linh, Giám đốc công nghệ của sàn thương mại điện tử Sendo cho hay, Sendo đặt mục tiêu trong 5 năm tới có thêm 10 triệu người mua hàng và 100.000 doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Hiện tại các bản đồ quốc tế không có địa chỉ chi tiết tới từng nhà, nên không thuận lợi cho kinh doanh thương mại điện tử, không hỗ trợ việc giao hàng hóa nhanh chóng. Do đó, Vmap với những địa chỉ được cập nhật chi tiết khi đưa vào sử dụng sẽ giúp phát triển rất tốt cho các đơn vị kinh doanh trực tuyến.
Tuy nhiên, ông Trần Hải Linh cũng cho rằng, Vmap phát triển như hiện tại là chưa đủ, mà cần đi sâu phân tích thói quen sử dụng bản đồ số của người Việt Nam, hiểu nhu cầu người Việt đưa vào sản phẩm.
Vmap giúp người Việt Nam tìm kiếm hơn 23,4 triệu địa chỉ
Một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ. Để chủ động trong quản lý nguồn dữ liệu đó, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của người dùng Việt mà các nền tảng sẵn có hiện chưa đáp ứng được, Việt Nam cần xây dựng một bản đồ trực tuyến của riêng mình.
Bưu điện Việt Nam (VietNamPost) đã được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam – Vmap”. Đây chính là kết tinh của trí tuệ Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thu thập dữ liệu bản đồ, trong hơn 3 tháng, hơn 120.000 nhân viên bưu điện và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã tích cực tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin. Thông qua Smartphone đã cài đặt sẵn phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh, mỗi nhân viên đã thu thập tên địa chỉ cừng từ hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm, địa chỉ chi tiết của các địa điểm như số nhà, đường phố, hẻm, xóm và ghi chú về các loại đối tượng như nhà hàng, khách sạn, nhà dân, ngân hàng, chợ. Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn và https://vmap.vn.
Hiện Vmap đang có hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước. Bên cạnh các tính năng cơ bản như: Tìm kiếm địa chỉ, đường, Vmap sẽ đi theo một hướng đi khác biệt, hữu ích nhất cho người dùng, đó là hiển thị lớp bản đồ riêng của các lĩnh vực trong cuộc sống và hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, dù ở đô thị hay miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Hiện phiên bản thử nghiệm đã tiếp cận được không ít người dùng trong xã hội. Không chỉ vậy, Vmap cũng được nhiều doanh nghiệp Việt kỳ vọng vào việc sẽ ứng dụng trong công tác quản lý và kinh doanh.
Ở giai đoạn 2 của dự án, VietNamPost sẽ tiếp tục cập nhật các dữ liệu, thông tin lên Vmap. Đặc biệt, đội ngũ bưu tá mỗi lần đi phát hàng hóa, thư báo cũng liên tục cập nhật thêm các thông tin cần thiết lên bản đồ trực tuyến Vmap. Ngoài ra, Vmap cũng sẽ bổ sung thêm các ứng dụng sử dụng đi kèm hấp dẫn hơn và giúp người dùng sử dụng các ứng dụng nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Để tạo lập một nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu bản đồ của người Việt, do người Việt chung tay xây dựng và phục vụ cộng đồng. Vmap rất cần sự ủng hộ của các đơn vị, người dùng trong việc ứng dụng bản đồ số vào cuộc sống. Đồng thời chia sẻ, đóng góp dữ liệu thông tin chính xác để vừa gia tăng địa chỉ vừa đảm bảo chất lượng dữ liệu tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam: "Hiện nay tại tất cả các địa phương, đặc biệt là các thành phố đều đang đẩy mạnh đô thị hóa, chính vì vậy các thông tin thay đổi hoặc mới cần phải được cập nhật liên tục. Chúng tôi đã yêu cầu nhân viên thu thập, đặc biệt là đội ngũ bưu tá mỗi lần đi phát hàng hóa, thư báo sẽ cập nhật thêm địa chỉ lên bản đồ số Vmap. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ xây dựng thêm các ứng dụng sử dụng bản đồ đi kèm để hấp dẫn và giúp người dùng sử dụng các ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện hơn".
Minh Quyên
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo