Chuyển đổi số

Bộ TT&TT sẽ dùng biện pháp cứng rắn để ngăn chặn Facebook, Google vi phạm pháp luật Việt Nam

DNVN - Bộ TT&TT sẽ biện pháp cứng rắn để ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google. Cụ thể, sẽ ngăn chặn dòng tiền thanh toán và loại bỏ hệ thống máy chủ trung gian đang đặt tại các doanh nghiệp viễn thông, trong đó áp dụng trước với Facebook do thiện chí hợp tác kém.

Bài 3: YouTube lên tiếng về lý do khiến Yeah1 phải trả giá / Samsung, LG, Sony, TCL cam kết gỡ bỏ ứng dụng Netflix ra khỏi Smart TV

Đề xuất chặn máy chủ Facebook do thiện chí hợp tác kém

Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, liên quan đến việc xử lý tin giả, tin xấu độc, tin vi phạm pháp luật trên nền tảng xuyên biên giới, trong thời gian qua, Bộ đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ 207 tài khoản cá nhân giả mạo, trong đó có 46 tài khoản giản mạo các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, còn lại là các tài khoản tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu độc kích động chống phá nhà nước Việt Nam. Đã gỡ bỏ 2.444 link rao bán sản phẩm bất hợp pháp, gỡ 271 link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ, làm nhục đối với lãnh đạo Đảng, nhà nước, các thương hiệu, cá nhân tổ chức. Gỡ bỏ 330 Fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng.

Đối với Google, Bộ đã phối hợp ngăn chặn trên YouTube và gỡ bỏ 9.501 video vi phạm, đặc biệt là Google đã thực hiện theo yêu cầu của Bộ TT&TT ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 19/62 kênh YouTube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá nhà nước Việt Nam chứa khoảng 5.000 video clip, các kênh còn lại YouTube đang tiếp tục xem xét.

Trên ứng dụng Google Play, Google đã gỡ bỏ 108/111 game trong đó có 104 game bài và 1 game có tên “Lấy lại quê hương” có nội dung phản động, chống phá nhà nước Việt Nam và các game không phép.

Tuy vậy, nguồn tin từ Bộ TT&TT cũng cho biết, Facebook gần đây rất ít hợp tác trong ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật, ngay cả khi trong bài viết rõ ràng nói xấu, xuyên tạc về các lãnh đạo Đảng, nhà nước, nhưng Facebook cố tình không gỡ bỏ. Facebook luôn có lý do là không vi phạm các quy định tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Việc này cho thấy Facebook đặt tiêu chuẩn cộng đồng của họ cao hơn luật pháp Việt Nam.

Đặc biệt đối với những vấn đề có liên quan mật thiết đến tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và các giá trị mà Facebook theo đuổi (dân chủ, quyền tự do Internet, tự do ngôn luận) thì Facebook kiên quyết không nhượng bộ do chịu sức ép lớn từ Quốc hội Mỹ và các tổ chức dân sự. Đó là lý do vì sao Facebook từ chối gỡ bỏ các trang phản động chống phá nhà nước Việt Nam.

Google tiếp tục thể hiện thiện chí hợp tác với Chính phủ Việt Nam, hơn hẳn Facebook. Tuy nhiên, việc hợp tác của Google vẫn đang dừng ở mức thụ động, họ chỉ thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các clip xấu độc khi có yêu cầu của Bộ TT&TTT, mà chưa có phương án chủ động ngăn chặn việc đăng tải những thông tin xuyên tạc chống phá nhà nước Việt Nam trên YouTube, thậm chí Google vẫn để tình trạng người dùng đăng tải lại các clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đó.

Để xử lý những sai phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng xuyên biên giới, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất cần có giải pháp cứng rắn hơn. Cụ thể, áp dụng biện pháp ngăn chặn dòng tiền thanh toán, theo đó sẽ chủ động ngăn chặn dòng tiền thanh toán trong nước cho các hoạt động vi phạm pháp luật của Facebook, Google thông qua hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ dùng biện pháp kỹ thuật, loại bỏ hệ thống máy chủ trung gian của các đơn vị vi phạm đang đặt tại các doanh nghiệp viễn thông, trong đó áp dụng trước với Facebook do thiện chí hợp tác kém.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử trong năm 2020 là tăng cường đấu tranh với các thông tin xấu độc. Yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nước ngoài như Facebook, Google, Apple, Netflix tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất ngăn chặn máy chủ của Facebook do thiện chí hợp tác kém.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất ngăn chặn máy chủ của Facebook do thiện chí hợp tác kém.

Bộ TT&TT sẽ dùng các biện pháp quản lý, kinh tế, kỹ thuật để quản lý các nền tảng xuyên biên giới

Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới hồi tháng 6/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google tuân thủ luật pháp Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đang hợp tác với Bộ TT&TT để giải quyết việc ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu độc.

Bộ trưởng cũng kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới. “Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở nên giàu có, thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các bạn tuân thủ luật pháp. Các bạn kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của các bạn phải càng lớn hơn. Không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu. Các bạn đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán đọc nội dung của khách hàng, hiểu rất sâu khoa học, nhưng lại đầu tư không đáng kể vào các thuật toán ngăn chặn nội dung xấu độc. Các bạn phải thấy có tội khi trả tiền cho một video xấu độc, gây hại cho người Việt Nam, cho con cháu những người Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Nói về việc ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu độc, Bộ trưởng cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đang hợp tác với Bộ TT&TT để giải quyết việc này”.

 

Bộ trưởng cũng đề cập đến những công cụ để quét rác trên không gian mạng. Theo đó, để quét rác thì phải lưu ý đến ba việc. Đó là, mỗi người không xả rác, quét rác nhà mình, pháp luật phải có qui định xử lý người xả rác, làm ra các nội dung xấu độc. Thứ hai, doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ quét rác, đây là trách nhiệm rất quan trọng của doanh nghiệp, không được chối cãi, giống như chủ chợ thì phải quét rác. Thứ ba, chính quyền phát hiện phần còn lại và yêu cầu giũ bỏ. Phần chính sẽ là do người dùng và nhà mạng, 95-99% phải được dọn dẹp bởi 2 đối tượng này. Chính quyền chỉ làm phần nhỏ còn lại.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm