Chuyển đổi số

Bưu điện Việt Nam đạt Chứng chỉ quản lý chất lượng Vàng của Liên minh Bưu chính Thế giới

Bưu điện Việt Nam vừa được UPU trao Chứng chỉ quản lý chất lượng cập độ Vàng. Để đạt được chứng chỉ quản lý chất lượng, bưu chính các nước phải đáp ứng đầy đủ 200 tiêu chí do UPU đưa ra.

Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, Bưu điện Việt Nam vừa được Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) trao Chứng chỉ quản lý chất lượng cấp độ Vàng. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp bưu chính của Việt Nam đạt cấp độ Vàng - cấp độ đánh giá cao nhất về hệ thống quản lý chất lượng của UPU.

Chứng chỉ quản lý chất lượng của UPU có 3 cấp độ: Vàng, Bạc, Đồng. Tiêu chí để đánh giá chất lượng của UPU dựa trên nhiều yếu tố tương đương với các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 như: việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng; công tác quản lý chất lượng, quy trình sản xuất, ứng dụng CNTT, năng lực trình độ của đội ngũ nhân viên, dịch vụ bưu kiện quốc tế, mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan hàng không, an ninh, hải quan...

Để đạt được chứng chỉ quản lý chất lượng, bưu chính các nước phải đáp ứng đầy đủ 200 tiêu chí do UPU đưa ra. Các chuyên gia hàng đầu của UPU sẽ tới làm việc trực tiếp và thẩm định thực tế tại bưu chính các nước đăng ký nhận chứng chỉ chất lượng.

Tổng giám đốc UPU Bishar A. Hussein (bên phải) trao Chứng chỉ quản lý chất lượng Vàng cho đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

UPU đánh giá cao những kết quả và nỗ lực cũng như cam kết của Bưu điện Việt Nam trong việc đảm bảo chất lượng, năng lực trình độ của đội ngũ nhân viên đặc biệt là công tác ứng dụng CNTT trong quản trị và nâng cao chất lượng. Tại buổi Lễ trao chứng chỉ quản lý chất lượng vàng, Tổng giám đốc UPU Bishar A. Hussein cho biết, để nhận được chứng chỉ này, các doanh nghiệp phải trải qua sự đánh giá chặt chẽ, khắt khe của các chuyên gia hàng đầu về bưu chính trên thế giới. Doanh nghiệp đạt chứng chỉ Vàng là những doanh nghiệp xuất sắc nhất trong việc quản lý chất lượng bưu chính.

Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng trong việc khẳng định vị thế, uy tín của Bưu chính Việt Nam nói chung và Bưu điện Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế mà còn mở thêm nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia tranh cử vào Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) của UPU, nhằm tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động của Liên minh Bưu chính Thế giới.

Hội đồng POC là tổ chức chịu trách nhiệm chính về các vấn đề nghiên cứu, phổ biến kỹ thuật, khai thác và kinh tế liên quan đến nghiệp vụ bưu chính, đồng thời xem xét sửa đổi, ban hành các thể lệ khai thác bưu chính quốc tế.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo