Chuyển đổi số

Cải cách hành chính, chuyển đổi số ở các huyện miền núi

Các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tổng Giám đốc Rạng Đông: Thành công vừa qua mới chỉ là bước đầu / Đà Nẵng sẽ có nhà ga sân bay thông minh

Chú thích ảnh
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của UBND huyện Ngọc Lặc,Thanh Hóa giải quyết thủ tục nhanh chóng, đem lại sự hài lòng cho người dân. Ảnh: TTXVN phát

Ngọc Lặc là địa phương trong nhóm dẫn đầu các huyện miền núi về việc thực hiện cải cách hành chính công ở Thanh Hóa. Để có kết quả này, huyện đã có những đột phá mạnh mẽ trong cải cách bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và khai thác tốt các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục, hồ sơ trên môi trường mạng.

Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính - UBND huyện Ngọc Lặc (Bộ phận một cửa), hệ thống máy tính, máy in, máy scan, máy đọc mã vạch... được trang bị đầy đủ. Cá nhân đến đăng ký tài khoản công dân và thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến có máy vi tính hỗ trợ. Trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Ngọc Lặc đã áp dụng, triển khai 127 dịch vụ công trực tuyến một phần; 124 dịch vụ công trực tuyến toàn trình tại cấp huyện và 146 dịch vụ công trực tuyến một phần, 54 dịch vụ công trực tuyến toàn trình tại cấp xã.

Cùng với cấp huyện, bộ phận một cửa ở cấp xã ở huyện Ngọc Lặc hoạt động ngày càng hiệu quả nhờ được đầu tư đầy đủ trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc. UBND xã Phúc Thịnh (huyện Ngọc Lặc) đã rà soát các thủ tục hành chính, quy định rõ ràng, cụ thể và công khai hóa những giấy tờ cần thiết cho việc giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức; niêm yết công khai các quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ; công khai số điện thoại nóng của UBND xã tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, phản ánh của công dân khi đến giải quyết công việc.

Chị Cao Thị Hà, người dân xã Phúc Thịnh cho biết: Thay vì phải đi nhiều nơi, đến nhiều phòng ban thì bây giờ chị chỉ cần đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của UBND huyện. Ở đây có trang thiết bị đầy đủ, cán bộ, công chức hướng dẫn nhiệt tình. Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, chị thấy các thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng và chính xác, đúng hẹn. Điều đó giúp người dân tiết giảm được rất nhiều thời gian, chi phí, công sức.

Ông Nguyễn Bá Bình, Chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh cho biết: Xã có trên 70% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều hạn chế trong việc nắm các kiến thức pháp luật cũng như cập nhật thông tin. Để tạo thuận tiện cho bà con trong việc giải quyết thủ tục hành chính, xã đã chỉ đạo Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hỗ trợ công dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, trong việc thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận lợi, nâng cao mức độ hài lòng của người dân khi đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính tại xã; đồng thời hướng dẫn công dân thực hiện các quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật và nâng cao công tác quản lý hành chính ở cơ sở. Hiện, xã Phúc Thịnh có trên 70% người dân chủ động thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc khẳng định: Từ năm 2019, huyện đã tập trung thực hiện cải cách hành chính đồng bộ trên các lĩnh vực. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới công nghệ thông tin từ huyện đến xã. Các thủ tục hành chính đã được thực hiện đúng quy trình, trình tự từ khâu hướng dẫn, tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ đến trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Do đó, các thủ tục hành chính đã được giải quyết, trả kết quả trước hoặc đúng thời hạn theo quy định. Năm 2023 tổng số tiền thanh toán trực tuyến toàn huyện thu được gần 7,8 tỷ đồng.

Với phương châm tăng cường công khai giải quyết thủ tục hành chính trên cả 3 phương diện (thành phần hồ sơ; thời gian giải quyết; phí, lệ phí...), huyện miền núi Quan Sơn cũng không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Hiện, huyện Quan Sơn đã niêm yết 550 danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước cấp huyện, cấp xã tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. UBND cấp huyện cung cấp được 258 dịch vụ công trực tuyến, gồm 131 dịch vụ công toàn trình, 127 dịch vụ công trực tuyến một phần.

Bà Lò Thị Giang, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Quan Sơn cho biết: Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động của Tỉnh ủy về thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Huyện cũng sẽ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ huyện đến cơ sở cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện đã thực hiện 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 890 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tất cả dịch vụ công đã được nhập đường link trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, được công khai và kết nối với Cổng Dịch vụ công của tỉnh, giúp tổ chức, cá nhân có thể giải quyết thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn dầu về chính quyền số, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm