Chính phủ số

Chuyên gia chỉ ra 3 biến số chính để kiểm soát lạm phát năm 2022

DNVN - Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, Việt Nam có đảm bảo kiềm chế lạm phát ở mức 4% được hay không phụ thuộc vào 3 biến số chính trong bối cảnh bất ổn chính trị trên thế giới đang tác động lớn tới Việt Nam.

BHXH hướng dẫn cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID miễn phí qua email / Nam Định đặt mục tiêu lọt top 20 tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số

Áp lực lạm phát tăng cao do bất ổn chính trị
Ngay trong những tháng đầu năm, áp lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đã trở thành vấn đề quan trọng được đề ra trong quản lý kinh tế vĩ mô. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ba nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong năm 2022 bao gồm: tổng cầu tăng đột biến trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi sau đại dịch; sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nguyên vật liệu nhập khẩu; và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Áp lực lạm phát tăng cao khi kinh tế - chính trị thế giới biến động. (Ảnh: Báo Tin tức)
Năm 2022, Quốc hội đặt chỉ tiêu CPI tăng khoảng 4%. Vào thời điểm tháng 1, mục tiêu này được đánh giá là hoàn toàn trong tầm tay. Tuy nhiên, sau những biến động bất ngờ của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, mục tiêu này trở thành một sức ép không hề nhỏ.
Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, mục tiêu duy trì lạm phát trong khoảng 4% của Quốc hội là có thể đạt được. Mặc dù vậy, bối cảnh bất ổn chính trị trên thế giới trong đó chiến tranh Nga - Ukraine đang tác động đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.
Tiêu biểu là là tình trạng giá dầu tăng mạnh từ 70 USD/thùng lên mốc trên 120 USD/thùng trong vòng gần 6 tháng trở lại đây. Các chuyên gia quốc tế cũng dự báo giá dầu có thể tăng lên đến 200 USD/thùng nếu nguồn cung dầu từ Nga bị cắt giảm.
Tương tự, biến động giá kim loại quý tăng đáng kể. Ở thị trường quốc tế theo thống kê của sàn Kitco, giá vàng thế giới trong 1 tháng qua tăng đỉnh điểm đến 1,991.16 USD/ounce. Cùng với đó, giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới. Những biến động này này dẫn đến các nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao và sau cùng là giá hàng hóa tăng theo.
“Như vậy, dưới tác động của chiến tranh cũng như những ảnh hưởng vẫn còn tồn tại của COVID-19 khiến mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% là rất thử thách cho nền kinh tế cũng như chính sách tài khóa. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được trường hợp khả năng phục hồi của nền kinh tế hậu COVID-19 diễn ra đúng như kỳ vọng và tình hình chiến tranh giữa Nga và Ukraine được giải quyết ổn thỏa thông qua các đàm phán sớm”, ông Khương nhận định.
Tại tọa đàm "Xung đột Nga - Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội" hồi đầu tháng 3, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tác động bất lợi đến nền kinh tế Việt Nam.
Cuộc xung đột tiếp tục leo thang khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào đang bước vào đợt tăng giá mới. Điều này khiến lạm phát của Việt Nam phải chịu nhiều áp lực như nguồn cung xăng dầu khan hiếm; giá xăng dầu, phân bón tăng cao; nhiều quốc gia điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, Việt Nam đang tiến hành triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng. Tại thời điểm chuẩn bị ban hành gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, nhiều chuyên gia đã lo lắng cho mục tiêu lạm phát. Giờ đây, cộng thêm các áp lực mới, rủi ro lạm phát lại càng tăng cao.
Ba biến số để kiểm soát lạm phát 2022
TS. Sử Ngọc Khương cho rằng, việc Việt Nam có đảm bảo kiềm chế lạm phát ở mức 4% được hay không phụ thuộc vào 3 biến số chính.
Thứ nhất, sự tác động của chiến tranh đến giá dầu, kim loại quý, nguyên liệu đầu vào của các lĩnh vực sản xuất, ảnh hưởng giá trị của các sản phẩm.
Thứ hai, căng thẳng thương mại giữa Nga và các nước phương Tây với những biện pháp trừng phạt tạo ra xung đột về thương mại giữa nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, việc xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa trở nên khó khăn hơn do vận chuyển hàng hải, hàng không bị hạn chế.
Thứ ba là yếu tố dịch bệnh. Thực tế, chúng ta đang kỳ vọng các nền kinh tế trên thế giới có thể đi đến trạng thái bình thường, sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế hậu COVID-19 cũng không dễ dàng thực hiện. Nguyên nhân là sức đề kháng của doanh nghiệp hiện nay khá thấp, lãi suất vay tăng, chi phí sản xuất và nguyên vật liệu cũng tăng trong bối cảnh hiện tại.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm