Chính phủ số

Những yêu cầu về bảo mật thông tin trong tư vấn, khám chữa bệnh từ xa

DNVN - Bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa là 1 trong 3 nội dung chính của Hướng dẫn và quy định tạm thời việc tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa vừa được Bộ Y tế ra quyết định ban hành.

Từ 15/10, website thương mại điện tử bán hàng giả, hàng cấm bị phạt tiền, thu tên miền / Viettel, VNPT, MobiFone chặn hơn 18.300 thuê bao phát tán cuộc gọi rác

Không chia sẻ hình ảnh, không livestream các buổi hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa

Bản hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế cũng quy định thiết lập Phòng hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa.

Theo Bộ Y tế, quá trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa phải thực hiện đúng Điều 8 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, gồm: Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án; Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trường hợp khác được pháp luật quy định.

Theo hướng dẫn, những thông tin được chia sẻ trong quá trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa gồm có tóm tắt hồ sơ bệnh án và diễn biến ca bệnh cần hội chẩn (bệnh sử, tiền sử, kết quả thăm khám, cận lâm sàng, chẩn đoán sơ bộ, quá trình điều trị, yêu cầu hội chẩn và các thông tin khác với mục đích phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh) và biên bản hội chẩn.

Nhằm hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh từ xa, các cơ sở y tế được yêu cầu áp dụng những biện pháp như: Không chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh như họ và tên đầy đủ, địa chỉ, hình ảnh mặt, cơ thể bệnh nhân hoặc các thông tin có thể định danh người bệnh bằng bất cứ hình thức nào.

Trường hợp buổi hội chẩn cần sự hiện diện của bệnh nhân, phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để che, hoặc làm mờ hình ảnh khuôn mặt bệnh nhân. Đồng thời, không thực hiện tường thuật trực tiếp (Livestream) các buổi hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa qua các mạng xã hội hoặc hình thức khác mà có thể làm lộ thông tin cá nhân, hình ảnh khuôn mặt bệnh nhân và tình hình sức khỏe của người bệnh cùng những người tham gia.

Phối hợp hoàn thiện hành lang pháp lý về khám, chữa bệnh từ xa

Đề án hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương. (Ảnh: báo Nhân dân)

Đề án Khám chữa bệnh từ xa hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Hướng dẫn về bảo mật thông tin của Bộ Y tế cũng nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa.

Theo đó, Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm ban hành quy chế nội bộ của đơn vị để thực hiện hoạt động tổ chức hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, quản lý đăng nhập hệ thống, sao lưu dữ liệu của hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa, bảo mật thông tin, chống phần mềm độc hại, xử lý khẩn cấp khi xảy ra sự cố bảo mật…

Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các thiết bị tin học lưu trữ dữ liệu, không cho phép di chuyển, thay đổi vị trí khi chưa được phép của người có thẩm quyền; quản lý và phân quyền truy cập phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của người sử dụng; thiết lập cơ chế bảo vệ mạng nội bộ bảo đảm an toàn thông tin khi có kết nối mạng nội bộ với mạng ngoài… Cán bộ y tế tham gia hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa có trách nhiệm giữ bí mật và không chia sẻ thông tin người bệnh, người tham gia hội chẩn trong quá trình thực hiện. Đảm bảo tuân thủ nghiêm các nội dung của Hướng dẫn và quy chế nội bộ của cơ sở nơi làm việc.

Với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tham gia quản lý, cung cấp, vận hành, khai thác, ứng dụng CNTT trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế yêu cầu phải bảo đảm an toàn và bảo mật dữ liệu trong lưu trữ và thực hiện hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp tự ý tiết lộ thông tin cá nhân và thông tin sức khỏe của người bệnh…

Tháng 6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025”. Đề án hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; và người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Thời gian qua, Đề án này đã được Bộ Y tế và các cơ sở y tế tích cực triển khai. Dự kiến, ngày 25/9, Bộ Y tế sẽ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa.

Các bệnh viện khi triển khai kênh khám, chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên, giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, người dân ở bất kỳ đâu cũng sẽ được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất. Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sĩ ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở tại Việt Nam.

Bộ TT&TT và Bộ Y tế kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia phát triển không chỉ các nền tảng mà cả các ứng dụng để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế. Trong thời gian sắp tới, Bộ TT&TT và Bộ Y tế sẽ phối hợp hoàn thiện hành lang pháp lý về khám, chữa bệnh từ xa, ban hành các chuẩn mở để các hệ thống nền tảng, các ứng dụng tuân thủ các tiêu chuẩn và kết nối được với nhau.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm