Cung cấp thêm 6 dịch vụ công tiết kiệm gần 1.700 tỷ đồng/năm
Mục tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm 2020 có khả thi? / Cung cấp 6 dịch vụ công quốc gia từ ngày 1/7/2020
Tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên Cổng DVCQG từ 1/7
Sáu dịch vụ công được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) từ 1/7 bao gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, việc tích hợp, cung cấp thêm 6 dịch vụ giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, việc tích hợp, cung cấp thêm 6 dịch vụ giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.
Theo đó, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giúp cơ quan có thẩm quyền thực hiện chứng thực bản sao điện tử đúng với bản chính; người dân và doanh nghiệp có thể đặt lịch hẹn khi đến chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi.
Bản sao điện tử được chứng thực bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác, có giá trị sử dụng thay cho bản chính để thực hiện trong nhiều giao dịch. Đây là giải pháp giúp người dân, doanh nghiệp không phải nộp lại bản giấy (bản chính/ bản chứng thực) để xác minh lại hồ sơ điện tử, từ đó thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính được cung cấp trên môi trường điện tử. Nếu tái sử dụng 30% kết quả chứng thực trong tổng số 102 triệu lượt chứng thực (số liệu báo cáo năm 2019), chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, thay vì đến ủy ban các cấp hoặc phòng công chứng, người dân có thể chứng thực bản sao điện tử từ bản chính ngay trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây cũng là cách thức cho người dân tương tác với chính quyền trên môi trường điện tử.
Dịch vụ cấp mới, đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp mức độ 4 được nâng cấp từ mức độ 3 trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an. Với hơn 965.000 lượt người thực hiện hàng năm, ước tính số tiền tiết kiệm tăng thêm so với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là hơn 323,9 tỷ đồng/năm.
Dịch vụ sẽ thí điểm từ 1/7/2020 tại Tổng cục Đường bộ, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, với 3 bệnh viện ở Hà Nội gồm Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện E và Đa khoa Hà Đông và 8 bệnh viện, trung tâm y tế ở Hà Nam (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Đa khoa Nam Lý; các trung tâm y tế huyện: Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, thị xã Duy Tiên và Trung tâm giám định y khoa tỉnh).
Dịch vụ đóng tiếp BHXH tự nguyện cho phép người dân nộp trực tuyến số tiền đóng BHXH tự nguyện của mình (hoặc người thân) để được hưởng chính sách theo quy định. Dịch vụ giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại, góp phần thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân. Với 614.650 người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, nếu thực hiện đóng bảo hiểm xã hội thực hiện trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm hơn 209,5 tỷ đồng/năm.
Dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cho phép người dân đóng tiền trực tuyến để gia hạn thẻ BHYT của mình hoặc người thân, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đại lý ủy nhiệm thu. Với hơn 17 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình, nếu chỉ 50% số này thực hiện gia hạn trực tuyến thì số tiền tiết kiệm được hàng năm khoảng hơn 724,6 tỷ đồng/năm.
Với dịch vụ nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: mở rộng thực hiện trên toàn quốc từ 1/7/2020 việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông; của các đơn vị thuộc cấp phòng trở lên của Cảnh sát giao thông.
Chú trọng thanh toán điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số
Điểm chung của 6 dịch vụ công là chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử. Đây là nội dung Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh bởi thời gian qua, dịch Covid-19 mang đến thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến.
Từ thời điểm khai trương 9/12/2019 đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 18 bộ, ngành, 63/63 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trung gian thanh toán. Tiếp nhận, xử lý hơn 6.600 phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 14.800 cuộc gọi tới tổng đài.
Tính đến 28/6/2020, đã có hơn 178.000 tài khoản đăng ký; hơn 46,3 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 10,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 151.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng DVCQG, trong đó có 889 hồ sơ của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ vay vốn hoặc hỗ trợ lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19.
Mặc dù hệ thống thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công của Cổng DVCQG mới đưa vào thực hiện từ tháng 3/2020 nhưng sau 3 tháng triển khai, đã tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến với 6 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có hơn 2.100 lượt giao dịch thành công.
Qua tài khoản Cổng DVCQG, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Cùng việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cổng DVCQG là tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch. Quá trình giải quyết được thông tin tới các doanh nghiệp; đồng thời Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo