Chính phủ số

Từ 15/9, Facebook, YouTube phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24h

DNVN - Từ ngày 15/9, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google buộc phải gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo vi phạm của Bộ TT&TT.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Phạt nặng nếu chèn quảng cáo vào nội dung bài báo điện tử

Chính thức có quy định về quảng cáo trên mạng xã hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181 năm 2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Nghị định mới được xây dựng và ban hành theo đề xuất của Bộ TT&TT nhằm siết lại hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook khi các nền tảng này đang chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam.

Theo Nghị định 70, hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam được xác định là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ở nước ngoài, cho người dùng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Do đó, người kinh doanh dịch vụ, phát hành quảng cáo và người quảng cáo tham gia hoạt động cung cấp các dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật.

ghị định sửa đổi này để siết quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, đem lại lợi thế mới cho các cơ quan báo chí truyền thông.

Nghị định mới sẽ siết chặt quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook. (Ảnh: Internet)

Theo Nghị định mới, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT trước khi hoạt động.

Cụ thể, các nền tảng xuyên biên giới cần thông báo tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở, địa chỉ đặt máy chủ hoặc đầu mối liên hệ tại Việt Nam 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Cơ quan tiếp nhận là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT thuộc Bộ TT&TT) sẽ có trách nhiệm gửi giấy xác nhận trong 7 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo.

Các nền tảng xuyên biên giới phải thực hiện quy định không đặt sản phẩm quảng cáo vào những nội dung vi phạm pháp luật. Kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ TT&TT, các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, phải cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng.

Đối với người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có quyền yêu cầu không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm theo Luật An ninh mạng và Luật Sở hữu trí tuệ. Quy định mới cũng yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có biện pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật trên hệ thống cung cấp dịch vụ. Không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được thông báo vi phạm pháp luật.

 

Bộ TT&TT sẽ là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm. Và có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm, gửi yêu cầu xử lý đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ TT&TT, các đơn vị phải thực hiện xử lý vi phạm trong vòng 24 giờ. Sau thời hạn trên, nếu không xử lý và không có lý do chính đáng, Bộ sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo. Trong trường hợp phát hiện các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thực hiện ngăn chặn ngay các quảng cáo vi phạm.

Hồi đầu tháng trước, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho rằng Nghị định sửa đổi này để siết quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, đem lại lợi thế mới cho các cơ quan báo chí truyền thông.

Trước đó, Bộ TT&TT đã có hai công văn 215, 361 gửi các cơ quan báo chí có loại hình báo điện tử, tạp chí điện tử; tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trên mạng và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp.

Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo rà soát ngay toàn bộ hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới; không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm xuất hiện trên báo chí điện tử, trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

 

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được đề nghị thận trọng trong việc lựa chọn mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới để hợp tác. Khi ký kết hợp đồng hợp tác, cần yêu cầu các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo; cân nhắc dừng hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện.

Liệu có ngăn chặn được vấn nạn quảng cáo tràn lan, sai sự thật?

Thời gian qua, dư luận bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng quảng cáo tràn lan trên các trang tin điện tử, mạng xã hội với thông tin do các tổ chức, cá nhân tự thực hiện và đăng tải với nội dung chưa được kiểm chứng, quảng cáo sai sự thật, cường điệu quá mức về công dụng của sản phẩm, dịch vụ,… Điều này gây phản cảm và thiệt hại cho người dân khi tin tưởng liên hệ hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tự quảng cáo. Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Điển hình như những quảng cáo về thuốc đặc trị xương khớp, đau dạ dày, yếu sinh lý trên Facebook, YouTube…

Theo Bộ TT&TT, nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết các tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng mạng lưới quảng cáo (Ad Network) do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Hiện Bộ TT&TT đã nhận được văn bản báo cáo và cam kết của 5 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này; Lập danh sách 30 mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, trong đó phát hiện và phối hợp chặn thành công tên miền của 2 doanh nghiệp (Your Adchoices và Adbro) vi phạm nhưng không hợp tác theo yêu cầu; tiếp tục nghiên cứu giải pháp ngăn chặn triệt để hoạt động quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam; chuẩn bị phương án kỹ thuật chặn tên miền đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới có sai phạm mà không hợp tác hoặc không có đầu mối liên hệ.

 

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng triển khai các biện pháp chấn chỉnh vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội (chủ yếu tập trung ở 2 mạng xã hội Facebook và Youtube). Cụ thể: Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng (Cục PTTH & TTĐT) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế , Hội Bảo vệ động vật hoang dã... rà roát, tổng hợp các trường hợp quảng cáo vi phạm; Yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn các quảng cáo vi phạm. Trong các cuộc họp giữa hai bên, thường xuyên cảnh báo Facebook, Google về tình trạng vi phạm và yêu cầu 2 đơn vị thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo.

Kết quả ghi nhận từ đầu năm 2018 đến nay, Facebook đã thực hiện ngăn chặn quảng cáo vi phạm: chặn, gỡ 330 Fanpage liên quan đến quảng cáo game cờ bạc, game đổi thưởng trên Facebook; Gỡ bỏ 72 tài khoản, Fanpage liên quan đến quảng cáo buôn bán vũ khí, vật liệu gây nổ. Với Google, năm 2018 và 2019 đã ngăn chặn 130 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã nằm trong danh sách được bảo vệ; năm 2020, ngăn chặn 500 video quảng cáo, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu gây nổ.

Cục PTTH & TTĐT đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Facebook, Google tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, nhất là quy định về quảng cáo liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng, cơ sở khám chữa bệnh... đã được nêu chi tiết tại Văn bản số 419/ATTP - NĐTT ngày 15/3/2021 của Bộ Y tế. Kết quả cụ thể là ngăn chặn hơn 1.000 trang tin điện tử vi phạm, đăng tải các nội dung quảng cáo phản cảm, tiêu cực.

Bộ TT&TT cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tiếp tục để xảy ra sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, trong đó có hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm