Chuyển đổi số

Chủ tịch VAFIE: Luật sửa đổi phải thích hợp cho ngành nghề mới như Grab, Uber, Fintech, AI phát triển

Theo Chủ tịch VAFIE, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần phải có cách tiếp cận thích hợp đối với các dịch vụ ngành nghề mới xuất hiện như Grab, Uber, Fintech, AI. Theo đó, không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới sẽ cản trở việc thực hiện đổi mới, sáng tạo.

Giáo sư - TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài. Nguồn ảnh: Nhà Đầu tư

Tại Hội thảo "Góp ý dự Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 15/10/2019, Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cần phải lưu ý tới một số vấn đề quan trọng. Trong đó, Luật cần phải có cách tiếp cận thích hợp đối với các dịch vụ ngành nghề mới xuất hiện như Grab, Uber, Fintech, AI. Theo đó, không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới sẽ cản trở việc thực hiện đổi mới, sáng tạo.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, cuộc sống của 750.000 doanh nghiệp phụ thuộc vào 2 luật này, trong thời gian qua dù Chính phủ làm nhiều việc để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế ở cấp thực thi bên dưới còn còn rất nhiều vấn đề. Ví dụ, Luật quy định 1 năm không được thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần, nhưng có những doanh nghiệp một năm phải tiếp tới 7 đoàn thanh tra.

Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại nhận định Dự thảo Luật Đầu tư tuy có danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng chưa quy định rõ ràng mức độ ưu đãi cần thiết. Dự thảo Luật Doanh nghiệp không thấy đề cập đến những nội dung của hai Nghị quyết 50 về nâng cao thu hút vốn FDI và Nghị quyết 52 về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) của Bộ Chính trị vừa mới ban hành, đây là những nhược điểm lớn nhất. Hai Nghị quyết này có cách tiếp cận mới, chưa từng có từ trước tới nay nhưng lại chưa được quán triệt trong lần sửa đổi này của hai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Giáo sư Nguyễn Mại nhấn mạnh Ban soạn thảo cần lưu hai vấn đề quan trọng: Cuộc CMCN 4.0 đang bắt đầu thực hiện ở nước ta, có nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh, điển hình như Grab và Uber, Fintech, AI trong thời gian qua. Sắp tới sẽ có một số ngành nghề sẽ không tồn tại, bị biến mất và một số ngành nghề mới xuất hiện.

Do đó chính sách cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới, đồng thời cũng không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “vi phạm luật pháp” vì cả hai điều này đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo.

Theo Nghị quyết 52, cách tiếp cận khoa học là “cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”. Khi chưa có luật thì Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định để điều chỉnh các hành vi mới vừa du nhập vào nước ta, nhằm không tạo ra khoảng trống pháp lý, đồng thời từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng luật pháp.

Giáo sư Nguyễn Mại cũng lưu ý cần có các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

"Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư. Trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm: Bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh", Giáo sư Nguyễn Mại nói.

Giáo sư Nguyễn Mại cũng không đồng tình với nội dung dự thảo về hạn mức vốn được hưởng ưu đãi đầu tư khi quy định trung tâm R&D cần có vốn từ 6.000 tỷ đồng, tương đương với gần 3 tỷ USD, trong khi thực tế một doanh nghiệp chỉ cần 5-10 triệu USD là có đủ điều kiện để lập trung tâm R&D. Quy định dự án đầu tư nước ngoài thuộc ngành nghề được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt cần có nguồn vốn từ 30.000 tỷ đồng trở lên, tương đương với khoảng 1,4 tỷ USD cũng không phù hợp thực tiễn. Trong khi từ năm 2014 đến nay chưa có doanh nghiệp nào đầu tư nước ngoài giải ngân tới 1 tỷ USD cho một dự án, bình quân chỉ khoảng 300 triệu USD.

“Tôi rất ngạc nhiên khi thấy dự thảo quy định như vậy, bởi như thế sẽ không có FDI nào đủ điều kiện hưởng ưu đãi. Những quy định về vốn như trên quá cao so với FDI, ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng vậy, kể cả các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup cũng khó có dự án đầu tư lớn như vậy”, Giáo sư Nguyễn Mại phát biểu.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo