Chuyển đổi số ngành du lịch vướng nhiều rào cản
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của doanh nghiệp / Những ngân hàng đang cho vay bằng phương tiện điện tử?
Những điểm “nghẽn”
Tại toạ đàm “Ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành du lịch” ngày 17/8 tại Hà Nội, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, du lịch là một trong những ngành đang phục hồi và là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều địa phương.
Ngày 18/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Trong giai đoạn mới, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra với ngành du lịch là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Trên thực tế, quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản do công nghệ số cung cấp chưa đầy đủ, dịch vụ du lịch tương đối tụt hậu.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Việt - Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại Du lịch TP Hà Nội chia sẻ, một trong những hạn chế của du lịch Hà Nội là còn chậm chân trong ứng dụng công nghệ số. Hiện TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phát triển các ứng dụng công nghệ số gắn với du lịch, dự kiến trước 2025 sẽ có ứng dụng du lịch thông minh.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết, trong kỷ nguyên số, ngành du lịch đã thay đổi một cách căn bản, toàn diện. Trước đây, cách tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ du lịch mang tính trực tiếp. Còn hiện nay cách tiếp cận mới thông qua các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội, các giao dịch trực tuyến và đang tiến đến giao dịch số.
Khi công nghệ phát triển, ngành du lịch có thể giúp cho khách hàng mở rộng sự trải nghiệm của mình bằng cách thông qua các ứng dụng công nghệ số, cho phép cảm nhận thế giới xung quanh chi tiết hơn bao giờ thế.
Theo ông Giang, một trong những điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam là còn yếu trong việc tạo ra cách thức trải nghiệm, quá thiếu các sản phẩm và dịch vụ thoả mãn nhu cầu trải nghiệm của du khách.
“Một gia đình đi du lịch, mỗi thành viên trong gia đình có sở thích hoàn toàn không giống nhau. Nếu cung cấp một sản phẩm đồng nhất cho cả gia đình thì chưa chắc đáp ứng được tất cả mong muốn của các thành viên.
Doanh nghiệp (DN) du lịch cần tính đến nhu cầu riêng của mỗi người để tạo ra được bản sắc riêng cho từng sản phẩm cũng như bản sắc của DN. Điều này, trước đây có thể là khó vì chưa có công nghệ nhưng ngày nay nhờ sự phát triển của công nghệ số và dữ liệu số, hoàn toàn DN thực hiện được với chi phí thấp hơn và hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Giang nêu.
Cuộc cách mạng về tư duy
Để hoá giải điểm “nghẽn” trên, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho rằng, cần áp dụng mô hình phát triển du lịch thông minh. Đó là sự phối hợp giữa các công ty du lịch và các ngành nghề khác ở các địa phương, thậm chí là vùng và liên vùng để trở thành một hệ sinh thái cùng lợi ích, cùng cộng sinh và tạo ra giá trị cao nhất.
Tuy nhiên, ông Giang lưu ý, chuyển đổi số trong ngành du lịch phải là cuộc cách mạng về tư duy.
“Tư duy không thay đổi, tổ chức không thay đổi, con người không thay đổi, dịch vụ không thay đổi thì việc ứng dụng công nghệ vào đều trở nên vô nghĩa. Đây là điểm “nghẽn” của hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch” cần sớm được hoá giải, ông Giang nhấn mạnh.
Ông Đặng Triều Dương - Trưởng phòng kinh doanh, Trung tâm CNTT MobiFone chia sẻ, qua việc đồng hành và hỗ trợ DN chuyển đổi số thời gian qua, ông nhận thấy rằng, không có công thức chính xác nào cho tất cả các DN tiến hành chuyển đổi số bởi mỗi DN có đặc thù, nỗi đau khác nhau.
Mỗi DN nên bắt đầu từ nỗi đau cụ thể để giải quyết và quyết định xem nên chuyển đổi từ đâu, và chuyển đổi như thế nào từ 6 trụ cột: chiến lược, khách hàng, văn hoá, vận hành, quản trị và dữ liệu.
Trong đó, chiến lược chính là tầm nhìn của lãnh đạo. Muốn chuyển đổi số thành công thì phải bắt đầu từ lãnh đạo. Chiến lược phải dựa trên bối cảnh DN đang ở đâu và có lợi thế gì.
DN phải xem trải nghiệm của khách hàng đã tốt hay chưa, có xác định đưa những khách hàng này lên không gian mạng thông qua các công nghệ số, công cụ số hay không.
Quyết định xem nên áp dụng công nghệ gì để khách hàng dễ tiếp cận, bộ phận chăm sóc khách hàng hoạt động hiệu quả.
Trụ cột về văn hoá rất quan trọng bởi vì khi lãnh đạo quyết tâm rồi nhưng trong DN không truyền đạt được văn hoá chuyển đổi số thì vận hành không thành công.
Về quản trị, phải áp dụng chuyển đổi số để quản trị DN hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn.
Về dữ liệu, DN phải tập trung hoá dữ liệu vì dữ liệu là tài sản của DN, có dữ liệu và khai thác dữ liệu DN sẽ hiểu được khách hàng hơn, có biện pháp giữ chân khách hàng tốt hơn.
“Nếu trụ cột nào không được DN để ý kỹ càng thì khả năng chuyển đổi số sẽ lâu hơn và khó khăn hơn rất nhiều”, ông Dương nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo