Chuyển đổi số

Cuối năm 2020, TP.HCM thí điểm ứng dụng thẻ chip nội địa trong thanh toán giao thông

DNVN - NAPAS và VietBank triển khai ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu và ứng dụng thẻ chip nội địa NAPAS (VCCS) trong thanh toán giao thông ở TP.HCM, dự kiến thực hiện vào cuối năm 2020.

Chiều ngày 26/5/2020 tại TT.HCM, Báo Tuổi trẻ phối hợp với Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), Hiệp hội thương mại điện tử (Vecom) tổ chức Họp báo công bố chương trình Ngày không tiền mặt – năm 2020 (Chương trình).

Chương trình là sáng kiến của Báo Tuổi trẻ từ năm 2019 nhằm khuyến khích người tiêu dùng trải nghiệm và sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong chi tiêu và mua sắm hàng ngày. Tại Chương trình, người tiêu dùng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi tốt nhất từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của các Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Năm nay, NAPAS tiếp tục tham gia trong vai trò đơn vị đồng tổ chức, phối hợp xây dựng nội dung chuyên môn cho chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt và kết nối các ngân hàng thành viên, các đơn vị cung cấp dịch vụ, triển khai nhiều hoạt động ưu đãi cho khách hàng khi thanh toán qua thẻ chip nội địa.

Chuyển đổi thẻ chip là một trong những mục tiêu lớn của NHNN, tính đến hết quý I/2020, NAPAS đã hoàn thành chứng nhận tiêu chuẩn thẻ chip nội địa cho 26 ngân hàng, 9 đơn vị/hãng cung cấp phôi thẻ, 5 đơn vị/hãng cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ. Để thẻ chip nội địa thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc hỗ trợ các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình triển khai chuyển đổi thẻ chip nội địa, chuyển đổi thiết bị chấp nhận thẻ cho các đơn vị chấp nhận thanh toán, trong vai trò Trung tâm chuyển mạch tài chính quốc gia, Napas hiện đang xây dựng hệ sinh thái trên nền tảng công nghệ chip, phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử đa tiện ích, đa kênh thanh toán, tạo thêm nhiều sự tiện lợi và tăng cường an ninh bảo mật cho các giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán số của khách hàng.

NAPAS đang xúc tiến việc phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng để thử nghiệm việc sử dụng thẻ chip “không tiếp xúc - Contactless” của ngân hàng (thẻ thanh toán 1 chạm) để thanh toán các dịch vụ như bus, metro,.. tương tự như vé điện tử tại các các quốc gia tiên tiến như Anh, Singapore...

Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc Napas và Ông Hồ Phan Hải Triều - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) - Trưởng ban dự án vé giao thông công cộng ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu và ứng dụng thẻ chip nội địa (VCCS) trong thanh toán giao thông.

Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc Napas và Ông Hồ Phan Hải Triều - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) - Trưởng ban dự án vé giao thông công cộng ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu và ứng dụng thẻ chip nội địa (VCCS) trong thanh toán giao thông.

Tại buổi Họp báo, NAPAS và VietBank triển khai ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu và ứng dụng thẻ chip nội địa NAPAS (VCCS) trong thanh toán giao thông, dự kiến thực hiện vào cuối năm 2020.

Với sự sẵn sàng của hạ tầng thanh toán ứng dụng tiêu chuẩn VCCS do Ngân hàng Nhà nước ban hành, NAPAS và VietBank sẽ cùng phối hợp xây dựng và triển khai giải pháp thanh toán cho đơn vị vận hành xe buýt tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho phép chấp nhận thanh toán toàn bộ các thẻ chip NAPAS có tính năng thanh toán không tiếp xúc (Contactless) do các Ngân hàng Việt Nam phát hành.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc NAPAS cho biết: “Triển khai thí điểm ứng dụng thẻ chip nội địa NAPAS (VCCS) trong thanh toán giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với việc phổ cập các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tới đại đa số người dân. Khả năng dễ dàng tiếp cận của thẻ ngân hàng sẽ là yếu tố quan trọng khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng những đô thị thông minh, hiện đại.”

Hiện nay các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều dự án để phát triển hạ tầng giao thông công cộng như hệ thống đường sắt trên cao, hệ thống metro, hệ thống xe bus nhanh… đây sẽ là tiền đề để có một hệ thống giao thông thông minh trong tương lai. Hiện tại, phương thức thanh toán phí dịch vụ giao thông công cộng tại Việt Nam chủ yếu vẫn là vé giấy và tiền mặt. Trong phạm vi của các dự án đường sắt nội đô, các đơn vị đều có các hạng mục triển khai vé điện tử với mục đích để giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng, đồng thời giúp các Đơn vị vận hành giao thông giảm bớt gánh nặng trong việc quản lý và xử lý tiền mặt. Tại các quốc gia khác trên thế giới, thông thường sẽ có một tiêu chuẩn vé điện tử chung, sử dụng cho quốc gia (hoặc trong một thành phố), các đơn vị vận hành giao thông sẽ sử dụng tiêu chuẩn này, để đảm bảo việc liên thông giữa các tuyến, và người dùng chỉ cần sử dụng duy nhất một thẻ vé điện tử để di chuyển.

Bên cạnh vé điện tử dành riêng cho ngành giao thông, với xu hướng phát triển thanh toán giao thông trên thế giới, ngày càng nhiều các quốc gia ứng dụng thẻ Ngân hàng theo tiêu chuẩn EMV contactless (thẻ chip không tiếp xúc) trong việc thanh toán, việc triển khai này được đánh giá là mang lại sự thuận tiện cho người dùng, tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống quản lý thẻ vé, chi phí phát hành thẻ vé điện tử của đơn vị vận hành giao thông.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo