Doanh nghiệp điện tử tìm cách đối phó trước sự khan hiếm chip trên toàn cầu
Eximbank triệu tập Đại hội cổ đông lần 2 vào 29/7/2021 / Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp: Vừa chống dịch vừa ổn định sản xuất kinh doanh
Từ đầu năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu đang diễn ra và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doan của rất nhiều ngành công nghệ. Chip bán dẫn được xem là trái tim của mọi thiết bị công nghệ từ máy tính, điện thoại thông minh, ô tô, các thiết bị y tế cho đến máy bay.
Theo Reuters, nguyên nhân của “đợt hạn” này có thể đã nhen nhóm từ đầu năm 2020, khi thế giới đối mặt với chuỗi tác động đầu tiên của một đại dịch bí ẩn, mà bây giờ đã được xác định là Covid-19, khiến mọi nhu cầu tiêu dùng gần như chững lại rồi tăng nhanh đột biến ở một số ngành hàng như thiết bị điện tử, gia dụng (đều là các ngành cần lượng lớn chip cho quá trình sản xuất)... do ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian ở nhà.
Đài Loan là nhà cung cấp chip bán dẫn lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Tờ Nikkei Asia đưa tin hiện vùng lãnh thổ này đang hứng chịu một trận hạn hán “tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung nước cho quá trình sản xuất chip. Tập đoàn TSMC (Đài Loan), một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, cho hay họ cần 156.000 tấn nước/ngày để hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi mực nước dự trữ trên toàn lãnh thổ đang cạn dần, TSMC được yêu cầu phải cắt giảm ít nhất 7% lượng nước sử dụng.
Bên cạnh đó, phía Đài Loan cũng đang cáo buộc các công ty Trung Quốc “bòn rút nhân tài”, với một loạt các đợt tuyển dụng nhân sự lớn trong vài năm qua, “đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn”, theo tờ Financial Times.
Song song đó, hậu quả ngoài ý muốn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cụ thể là các lệnh trừng phạt cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump với các công ty Trung Quốc, đã khiến những gã khổng lồ công nghệ của Bắc Kinh khai mào một cuộc đua tích trữ chip từ mùa hè năm 2020, với một loạt đơn hàng số lượng lớn (chiếm gần 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này trong năm ngoái), khiến nguồn cung chip càng thêm bất ổn.
Việc các quốc gia tranh nhau nguồn cung cấp chip thì Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng, đặc biệt trong các ngành sản xuất ô tô, ti vi, điện thoại và các thiết bị điện tử khác. Các hãng điện thoại bắt đầu chuyển hướng sang hãng sản xuất chip khác, trong khi các nhà bán lẻ tích cực lưu kho các mẫu TV bán chạy do dự báo giá tăng.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ tại Việt Nam đều thừa nhận đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, dù ở nhiều mức độ khác nhau. Bởi chip xuất hiện trong hầu hết các thiết bị điện tử, dù đơn giản nhất như thẻ căn cước công dân mới của Việt Nam, cho đến các thiết bị điện tử gia dụng phổ biến như tivi, tủ lạnh, bếp điện từ, nồi cơm điện tử.
Trong khi đó, chúng ta gần như chưa có doanh nghiệp nào làm ra đầy đủ một con chip (từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất) nên đều phải phụ thuộc vào nước ngoài. "Do đó, có thể nói hơn 90%, thậm chí là 99% doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ trong nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu" - một chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam nhận xét.
Ở lĩnh vực sản xuất ô tô trong nước, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư ký VAMA cho hay, trong thời gian tới, việc thiếu hụt nguồn cung chip xử lý sẽ khiến lượng xe đưa ra thị trường giảm sút và giá có thể sẽ tăng, nhất là xe nhập khẩu. Tình trạng thiếu hụt này có thể sẽ còn kéo dài tới hết năm nay, thậm chí sang tới năm 2022. Việc này ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh xe ô tô trong năm của các doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp sản xuất đã phải tìm cách đi "gom hàng" trong suốt nhiều tháng qua khi nhận thấy việc kham hiếm chip ngày càng trở nên trầm trọng. Một số ngành sản xuất khác đang phải đi tìm những giải pháp thay thế khi tình trạng kham hiếm này được dự báo phải mất tới 2 năm để khắc phục.
Một số công ty đã chủ động trong nghiên cứu, phát triển và định hướng sử dụng các sản phẩm linh kiện, chipset phổ thông, linh hoạt. Công ty Điện Quang đang đẩy mạnh đầu tư các dây chuyền sản xuất đồng bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế, từ dây chuyền sản xuất chip LED, bo mạch điện tử, linh kiện ép nhựa cho đến các sản phẩm hoàn thiện, chưa kể dây chuyền sản xuất chip LED tự động 150 triệu con chip/năm.
Trong mảng điện thoại di động, Vivo vừa tung ra thị trường chiếc V21 5G ở phân khúc trung cấp chiếc smartphone sử dụng chip mới của MediaTek, MediaTek Dimensity 800U. Thường ở phân khúc 8-10 triệu trở lên, người dùng bắt đầu chú ý bộ xử lý của smartphone. Nếu sản phẩm được trang bị bộ xử lý Snapdragon của Qualcomm thì sẽ cạnh tranh hơn so với chip MediaTek. Các hãng hiểu điều này và đôi lúc sẽ nhấn mạnh sản phẩm dùng bộ xử lý của Qualcomm như một lợi thế của điện thoại. Tuy nhiên trong ngắn hạn sắp tới, thị trường smartphone Việt Nam ở phân khúc tầm trung sẽ chứng kiến sự dịch chuyển sang sử dụng chip MediaTek nhiều hơn, do chip Snapdragon gặp tình trạng khan hiếm.
Các nhà phân phối bán lẻ ở Việt Nam đang tăng cường trữ hàng tồn kho với lo ngại về việc thiếu nguồn hàng cung cấp.
Báo cáo quý I của Thế Giới Di Động cho thấy doanh nghiệp đang trích trữ hàng hóa khi giá trị hàng tồn kho tăng mạnh từ mức 19.926 tỷ đầu năm lên 23.708 tỷ đồng. Mặt hàng đáng chú ý là điện thoại di động ghi nhận tăng gần 2.130 tỷ trong quý vừa qua và thiết bị điện tử cũng tăng giá trị tồn kho thêm 1.350 tỷ đồng. Đây đa phần là những sản phẩm giảm giá theo thời gian, điều này cho thấy doanh nghiệp đã tăng mạnh nhập hàng thời gian qua. Lãnh đạo công ty từng nhiều lần phát biểu do tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu nên chủ động tăng tồn kho các sản phẩm công nghệ - điện máy để tránh rủi ro thiếu hàng.
Tương tự một nhà bán lẻ khác là FPT Retail cũng tăng mạnh giá trị hàng tồn kho lên trên 2.000 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 590 tỷ so với đầu năm. FPT Retail đã tăng mua các sản phẩm điện tử của Samsung Việt Nam và các sản phẩm được phân phối thông qua Digiworld (nhà phân phối độc quyền Xiaomi).
Petrosetco – nhà phân phối lớn các sản phẩm điện thoại điện máy cũng tăng tích trữ hàng hóa. Giá trị hàng tồn kho đã đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 422 tỷ so với thời điểm đầu năm, chủ yếu là hàng hóa. Petrosetco cũng tăng hàng tồn kho sau khi phân phối thêm sản phẩm Apple, bên cạnh nhãn hàng chủ lực Samsung đang tăng tốt. Digiworld lại giảm giá trị hàng tồn kho trong quý đầu năm, nhưng công ty có lợi thế phân phối độc quyền cho sản phẩm Xiaomi và Huawei.
End of content
Không có tin nào tiếp theo