Doanh nghiệp nhỏ và vừa không nên xây dựng mô hình chuyển đổi số quá cồng kềnh
DNVN - Tại hội thảo “Chuyển đổi số - Từ chính sách đến giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do VCCI tổ chức sáng 9/9, TS Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số khuyến nghị, doanh nghiệp nhỏ và vừa không nên xây dựng mô hình chuyển đổi số quá cồng kềnh bởi điều này chỉ làm đẹp cho bảng trình chiếu của DN.
Hà Nội triển khai App thuế điện tử trên thiết bị di động từ tháng 9/2021 / TP Hồ Chí Minh: Sử dụng dữ liệu tiêm chủng để doanh nghiệp mở rộng sản xuất an toàn trong thời gian tới
Sự kiện được tổ chức nhằm giúp cộng đồng DNNVV Việt Nam định hướng khung chuyển đổi số, tìm ra những giải pháp thực tiễn phù hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại để chuyển đổi số thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với yêu cầu của bối cảnh mới, tăng tốc hội nhập và phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, DNNVV Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ quá trình hội nhập chuyển đổi số và đặc biệt là tác động từ đại dịch COVID-19.
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 về thực trạng chuyển đổi số của DN cho thấy, số lượng DN ứng dụng các công cụ chuyển đổi số so với thời điểm trước COVID-19 tăng 60,6%. Tuy nhiên, báo cáo khảo sát chỉ ra rằng, các DNNVV đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, thiếu kỹ năng số và nhân lực chiếm 17%, thiếu nền tảng CNTT đủ mạnh cho phép chuyển đổi số là 60,7%, thiếu tư duy kỹ thuật số chiếm trên 70%.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, để thích ứng với điều kiện hiện tại và khắc phục khó khăn do đại dịch, doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm các giải pháp mới linh hoạt, ứng dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Doanh nghiệp phải bắt đầu từ đâu?
Ông Lê Văn Khương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV khu vực phía Bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn trong lộ trình chuyển đổi số. Câu hỏi được các DNNVV đặt ra trong lộ trình chuyển đổi số là "phải bắt đầu từ đâu?".
Theo ông Khương, phải bắt đầu từ cấp độ 1 là số hóa dữ liệu của DN. Đây là việc nhỏ nhất của tiến trình và được hiểu nôm na là quét các tài liệu, văn bản của DN để đưa lên hệ thống lưu trữ điện tử nhằm phục vụ hoạt động tra cứu. Cấp độ thứ 2 là ứng dụng những phần mềm, giải pháp liên quan đến quản lý tài chính, nhân sự, quản trị của DN. Ở cấp độ này chưa có sự liên kết, liên thông dữ liệu. Cấp độ thứ 3 là khai thác cơ sở dữ liệu, trở thành DN số. Theo đó, tất cả các hoạt động điều hành, quản trị của DN đều được số hóa, DN hoàn toàn có số liệu để phục vụ cho quản trị của lãnh đạo.
Ngoài ra, DN có thể truy cập vào cổng thông tin hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở địa chỉ http://digital.business.gov.vn. DN có thể vào mục hướng dẫn chuyển đổi số, theo đó có các bước, lộ trình CĐS, cũng như các công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng của DN để xác định DN yếu ở chỗ nào, từ đó các chuyên gia tư vấn chuyên sâu các bước đi phù hợp cho DN để bảo đảm DN chuyển đổi số thành công.
Cũng quan tâm đến câu hỏi "DNNVV phải bắt đầu từ đâu khi chuyển đổi số?", ông Tôn Anh Dũng - Giám đốc sản phẩm, Công ty Cổ phần Công nghệ Elite cho biết, DNNVV phải bắt đầu từ tư duy và nhận thức. Chủ DN phải nhận thấy cơ hội cho tập thể của mình ở đâu khi chuyển đổi số, từ đó có hành động cho tiến trình chuyển đổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TBNH)
Chuyển đổi số không khó bởi quá trình này đa phần các DN đã chuẩn bị từ trước đó, chỉ là ở quy mô nhỏ và chưa tập trung. Quá trình chuyển đổi số trước đây khá rời rạc, chưa đồng bộ.
"Một câu hỏi được các DN quan tâm là "thành quả của CĐS đối với DN là gì? Có phải là DN bán hàng cao hơn hay không? Thực ra, với tôi không chỉ là như vậy. Với tôi, thành quả lớn nhất với các DN, đặc biệt là DNNVV là phần dữ liệu. Dữ liệu sẽ cho DN và lãnh đạo cách nhìn mới; cách nhìn nhanh và đa chiều về khách hàng; cách nhìn sâu, phân tích đa chiều thông tin mà trước đây DN không nhìn ra được hoặc những báo cáo do cấp dưới gửi lên không thể hiện được", ông Dũng phân tích.
Qua việc thấu hiểu khách hàng và thấu hiểu hệ thống, dữ liệu của DN, lãnh đạo DN có thể vận hành nhanh, mượt, giảm chi phí tối đa, tăng doanh số và lợi nhuận của công ty. Chính việc quy hoạch lượng dữ liệu này là tiền đề để phát triển doanh thu, giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động.
Mô hình không nên quá cồng kềnh
Đề cập đến khung chuyển đổi số phù hợp cho DNNVV, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số chia sẻ, DN không nên xây dựng mô hình chuyển đổi số quá cồng kềnh bởi điều này chỉ để làm đẹp cho bảng trình chiếu của DN. Thay vào đó, DN cần quan tâm tới tính rõ ràng của mô hình.
Ông Tuấn cho rằng, mô hình chuyển đổi số cần tập trung vào 4 trụ cột: sử dụng công nghệ để hỗ trợ nhân viên làm việc, hỗ trợ để gắn kết khách hàng, tối ưu hóa vận hành và chuyển đổi sản phẩm dịch vụ. Trong đó, trụ cột thứ tư, theo ông Tuấn là thách thức nhất với DN, nếu làm được thì DN sẽ chuyển đổi được mô hình làm việc thành công.
Nhấn mạnh việc DN cần có khung chuyển đổi số, ông Tuấn cho hay, rất nhiều DN đầu tư cho công nghệ nhưng không dựa trên khung chuyển đổi số, dẫn đến tình trạng DN vẫn vận hành nhưng các nguồn lực không được khai thác hiệu quả. Thêm vào đó, các bộ phận không có sự gắn kết với nhau, không tạo ra hiệu quả chung cho tổ chức, giá trị chung cho DN trong tiến trình chuyển đổi số.
"Nếu DN chưa có khung chuyển đổi số nào, chưa tham khảo từ nguồn nào, tôi khuyên DN dựa chính vào mô hình chuỗi giá trị DN. Mô hình này bao gồm hoạt động hỗ trợ từ logistics, vận hành, marketing, dịch vụ, các hoạt động liên quan đến phát triển công nghệ, hạ tầng của DN, khâu mua sắm, quản trị nhân lực...", ông Tuấn đề xuất.
Trong khi đó, ông Tôn Anh Dũng nhìn nhận, giải pháp chuyển đổi số hiệu quả nhất là việc đưa đồng bộ các công cụ số vào từng phân đoạn trong quá trình của DN.
"Chuyển đổi số của DN giống như việc tiêm vaccine COVID-19. Tiêm vaccine thực sự là thử thách với các bạn nhưng là cần thiết để đi trên con đường riêng mà chỉ có những người có hộ chiếu vaccine có thể đi", ông Tôn Anh Dũng nhấn mạnh.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo