Chuyển đổi số

Kiến tạo, khai thác và bảo vệ dữ liệu số là chìa khóa cho mọi tổ chức, doanh nghiệp

DNVN – Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, muốn an toàn thì phải có các sản phẩm an toàn thông tin Make in Viet Nam. Kiến tạo, khai thác và bảo vệ dữ liệu số là chìa khóa cho mọi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình: Ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa để giải quyết những thách thức trong nông nghiệp / Hành trình chuyển đổi số quốc gia đối mặt nhiều thách thức

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang tiến tới kỷ nguyên Dữ liệu hóa (Datafication). Theo nhận định trong báo cáo năm 2021 của e-Conomy SEA do Temasek (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore), Google và công ty tư vấn quản lý Bain & Company công bố vào tháng 11, nền kinh tế internet của Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD về Tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia. Nếu duy trì được sức tăng trưởng, GMV của việt Nam dự kiến sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Báo cáo cũng đánh giá, Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).

Tiềm năng phát triển của nền kinh tế Internet của Việt Nam là rất lớn. Trong đó, dữ liệu trên Internet hiện đang trở thành mạch máu của nền kinh tế và động lực của sự đổi mới.

Tại Lễ Kỷ niệm 10 năm Sự kiện Internet Day Việt Nam- Internet Day 2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long đã có những chia sẻ sâu sắc và tâm huyết về vấn đề này.

Thứ trưởng cho biết, để tiếp tục tạo những kết quả đột phá, chuyển đổi số quốc gia cần gắn liền chặt chẽ với “tài nguyên đầu vào” là công nghệ số và dữ liệu số. Chiến lược dữ liệu của các quốc gia đi đầu về công nghệ như Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc… đều xác định dữ liệu và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu tạo nên huyết mạch quan trọng của kinh tế số và xã hội số.

Ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Dẫn lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi nói về vai trò của dữ liệu số: “Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Dữ liệu như một loại đất đai mới, canh tác trên đất đai này sẽ sinh ra giá trị mới. Càng nhiều dữ liệu thì càng nhiều đất đai. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người không chỉ tiêu xài tài nguyên mà còn tạo ra tài nguyên”; Thứ trưởng Phạm Đức Long đưa ra nhận định, các quốc gia, các doanh nghiệp đều đang đứng trước cơ hội như nhau trong việc tạo ra và khai thác loại tài nguyên mới này và phần thưởng sẽ dành cho quốc gia nào, doanh nghiệp nào khai thác được nó với giá trị thặng dư tốt nhất.

Hiện nay các quốc gia trên thế giới đã nhận thức rất sớm trong việc phát triển kinh tế dữ liệu và hành lang pháp lý đã được xây dựng. Việt Nam cũng khẳng định tầm quan trọng của kinh tế dữ liệu và coi dữ liệu là tài nguyên.

Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý để quản lý và khai thác, kinh doanh, chia sẻ dữ liệu vẫn chưa được hoàn thiện. Chuyển đổi số cần có thể chế số, dữ liệu cần có hành lang pháp lý để dữ liệu các hoạt động sử dụng an toàn.

Để xây dựng, tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả giá trị dữ liệu nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia.

 

Theo đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long đưa ra một số điểm lưu:

Thứ nhất, cần chuyển đổi nhận thức, xây dựng văn hóa về dữ liệu. Dữ liệu là tài sản chiến lược của cơ quan, tổ chức, là nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế, trích xuất ra giá trị mới, tạo ra các giá trị mới phục vụ xã hội.

Hiện, 80% tài sản là tài nguyên dữ liệu quý này của nước ta đang ở người ngoài. Vì vậy, các cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cần ý thức và lan toả điều này.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay xây dựng hạ tầng số, trong đó có hạ tầng dữ liệu. Đây là nhiệm vụ quan trọng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu. Hạ tầng số chính là mạng Internet, hạ tầng băng rộng và IoT, hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng thiết yếu.

Thứ ba, để khai thác dữ liệu số trong kỷ nguyên dữ liệu hóa một cách hiệu quả, việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng.

 

“Nhân sự kiện này, tôi mong cộng đồng doanh nghiệp liên kết lại, chung tay xây dựng phát triển hạ tầng số mang tầm khu vực. Có như vậy chúng ta mới sẵn sàng cho việc xây dựng kinh tế số trong thời gian tới. Bên cạnh đó, muốn an toàn thì phải có các sản phẩm an toàn thông tin Make in Viet Nam. Kiến tạo, khai thác và bảo vệ dữ liệu số là chìa khóa cho mọi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”- Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm