100% doanh nghiệp dùng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7: Cần sự hợp tác của tất cả các bên
DNVN - Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục thuế Doanh nghiệp lớn, để đạt mục tiêu 100% doanh nghiệp (DN) phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) từ ngày 1/7 cần sự hợp tác chặt chẽ từ các DN hạ tầng mạng, DN cung cấp dịch vụ hóa đơn và đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ của địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến người dân và DN áp dụng HĐĐT.
Kịch bản cho chuyển đổi số đóng góp vào GDP và tăng trưởng / Thẻ Mastercard có thêm khả năng bảo mật mới
Hóa đơn điện tử có thể hiểu đơn giản là tất cả các hóa đơn giấy được chuyển sang phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại. Hóa đơn điện tử bao gồm: Hóa đơn xuất khẩu, hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm…
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, từ ngày 31/12/2021, 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ bắt đầu triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ triển khai trên 57 tỉnh thành còn lại từ tháng 4/2022.
Theo Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 được quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2022, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh phải phát hành hóa đơn điện tử. Đây là chính sách vừa có lợi cho doanh nghiệp lại vừa tăng cường tính minh bạch cho các cơ quan thuế theo dõi, giám sát các hoạt động kinh tế được tốt nhất.
Bên lề hội thảo "Hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định tại Nghị định 123/2020 và Thông tư số 78/2021 - Những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi áp dụng" ngày 27/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định: Sau một thời gian áp dụng HĐĐT theo Nghị định 123 và Thông tư 78, HĐĐT mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán, người mua và cơ quan quản lý thuế.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, ngành thuế đã và đang hỗ trợ tối đa người dân, DN trong việc triển khai HĐĐT.
Đối với người bán, việc dùng HĐĐT tiết kiệm được một lượng giấy tờ rất lớn, việc lưu trữ đơn giản hơn rất nhiều và giao dịch thực hiện được ngay, không tốn thời gian. Tương tự, người mua cũng có những lợi thế như vậy và đặc biệt là qua giao dịch điện tử, người bán - người mua có thể kiểm tra chéo lẫn nhau.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, chúng ta đang thực hiện theo Thông tư 32, theo đó dữ liệu chưa được kết nối nên người bán - người mua chưa có sự tin tưởng lẫn nhau.
"Nhưng tôi tin rằng, với HĐĐT theo Nghị định 123 và Thông tư 78 sẽ đạt mục tiêu đề ra. Người bán - người mua và các cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm tra, nắm được thông tin giao dịch, phục vụ cho việc đảm bảo thị trường kin doanh trung thực, lành mạnh, trong sáng", ông Phụng nói.
Trong quá trình triển khai HĐĐT theo Nghị định 123 và Thông tư 78, những hộ kinh doanh còn đối mặt với nhiều vướng mắc bởi vì cách làm khác, quản trị khác, và tư duy của họ cũng phải khác trước.
"Lâu nay họ làm theo kiểu "tiền trao cháo múc", nhưng hiện nay để áp dụng thuế tốt, họ phải giữ chứng từ, hóa đơn đầu ra, đầu vào. Việc viết hóa đơn, giữ hóa đơn cũng là một việc làm rất mới đối với các hộ kinh doanh, do đó gây bỡ ngỡ", ông Phụng chia sẻ.
Hiện, Tổng cục Thuế đang xây dựng các chương trình hạ tầng để chuẩn bị cho việc kết nối xong vào ngày 1/7. Các nhà cung cấp về dịch vụ HĐĐT đang gia tăng công suất bởi khách hàng đông, trong khi năng lực có hạn, đường truyền có lúc bị kẹt, từ đó các dịch vụ chưa thông.
Sau ngày 1/7 khi tất cả được liên thông với nhau thì việc áp dụng sẽ tốt hơn bây giờ. Thực tế tại thời điểm bây giờ có doanh nghiệp (DN) làm, DN chưa làm. Một khi chưa đồng bộ thì hoạt động chưa thông suốt.
Để đạt mục tiêu 100% doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh triển khai HĐĐT trên cả nước, ngành thuế đã thực hiện nhiều bước thận trọng, kiên quyết, chắc chắn; đồng thời hỗ trợ tối đa cho người dân và DN.
Trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vừa qua, Tổng cục Thuế đã đi dần từng bước, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng, các DN cung cấp giải pháp về hóa đơn phải tăng cường nhân lực, giải pháp để hỗ trợ tối đa cho DN. Các bước đi tỉ mỉ, cẩn thận cũng được thực hiện tại các chi cục thuế, cục thuế.
Với cách làm này, ông Phụng tin tưởng, đến ngày 1/7/2022, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu 100% DN, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh phát hành HĐĐT.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, cần sự hợp tác chặt chẽ của các DN hạ tầng mạng, các DN cung cấp dịch vụ hóa đơn và đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người dân và DN và vận động DN áp dụng HĐĐT.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo