Kinh tế số

Thương mại điện tử xuyên biên giới: ‘Chìa khoá’ thúc đẩy xuất nhập khẩu

DNVN - Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, thương mại điện tử là “chìa khóa” thúc đẩy xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới, thay thế các phương thức truyền thống.

Dùng công nghệ số quản lý hoạt động thương mại điện tử / Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử

Dữ liệu của Amazon cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng đáng kinh ngạc 300% trong 5 năm qua. Thương mại điện tử xuyên biên giới là một phần trong hành trình chuyển đổi của nền kinh tế xuất khẩu và các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2022” của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Nhận định về xu thế phát triển xuất khẩu hàng hoá, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định, thương mại điện tử Thương mại điện tử là “chìa khóa” thúc đẩy xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới, thay thế các phương thức truyền thống.

Giá trị xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Điều này phù hợp với quan điểm xuyên suốt của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030 là phát triển xuất nhập khẩu bền vững. Phát triển xuất khẩu thông qua nền tảng trực tuyến và số hoá.

Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, các động lực để thúc đẩy xuất nhập khẩu đó là động lực về đổi mới sáng tạo, động lực kinh tế tuần hoàn, kinh tế số - kinh tế xanh, trong đó sử dụng những công cụ số để bảo vệ môi trường.

Theo Chiến lược phát triển, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ 6-7%/năm và tăng trưởng nhập khẩu từ 5-6%/năm. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu thị trường EU đạt 17% kim ngạch xuất khẩu, còn thị trường truyền thống lớn nhất là châu Á đạt 50%, châu Mỹ đạt 32-22%...

Một mặt vẫn duy trì những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế như dệt may, da giày, tuy nhiên, trong những mặt hàng đó phải thúc đẩy gia tăng giá trị.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển xuất khẩu cần phải chú trọng đầu tư vào xây dựng thương hiệu, khâu thiết kế, phân phối bán hàng. Mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương mà phải phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới và các nền tảng số.

Ông Hoàng Ninh - Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho hay, mỗi năm tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt 16-30%. Với việc người tiêu dùng càng ngày càng chú trọng mua sắm không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử trong nước mà còn vươn ra các mặt hàng ở nước ngoài. Điều này cho thấy dư địa lớn cho phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chính vì vậy, cần tập trung vào các giải pháp như: hoàn thiện chính sách thể chế, hoàn thiện hạ tầng phát triển thương mại điện tử bền vững. Xây dựng các nền tảng cốt lõi, liên kết vùng thương mại điện tử, tuyên truyền đào tạo, hợp tác quốc tế.

Trên thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khóa đào tạo thương mại điện tử xuyên biên giới cả trực tiếp và trực tuyến hoàn toàn miễn phí. Qua đó, giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình tại thị trường trong nước và quốc tế.

Để giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến, Amazon đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt về mặt kiến thức. Trong đó có những nền tảng online với tài liệu bằng tiếng Việt đúc kết nhữngkinh nghiệm để tăng trưởng kinh doanh.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về tối ưu chi phí trong việc bán hàng. Đưa ra những chương trình đào tạo nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới trong liên kết với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm