Mobile Money có giới hạn giao dịch tối đa là 1 triệu đồng
Chia sẻ tại bàn tròn “Ngành Tài chính - Viễn thông Việt Nam trước bối cảnh hội nhập EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do” do VCCI tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quý Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết, Đề án cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản viễn thông (Mobile Money) đã được trình lên Chính phủ và đang chờ phê duyệt. Theo đó, Mobile Money có giới hạn để thanh toán cho các giao dịch tối đa là 1 triệu đồng.
Hiện nay trong số 3 nhà mạng đang sẵn sàng cung cấp dịch vụ Mobile Money thì Viettel và VNPT đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, còn MobiFone cũng đang nộp hồ sơ xin cấp phép lên Ngân hàng Nhà nước. Các nhà mạng đều rất nóng lòng được sớm triển khai cung cấp dịch vụ này. Mobile Money được coi là "con gà đẻ trứng vàng" khi có thể mang lại doanh thu cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tại Tọa đàm về chính sách quản lý Fintech do Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính tổ chức mới đây, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, khi triển khai Mobile Money đặt ra vấn đề bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp ví điện tử so với nhà mạng viễn thông, khi các thuê bao viễn thông được phép nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money, còn theo quy định hiện nay thì các ví điện tử phải liên kết với một tài khoản ngân hàng và chỉ được phép nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví.
Ông Sơn cho hay, do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định cho phép được nạp tiền từ tiền mặt vào ví điện tử với một hạn mức nhất định, hạn mức này tương tự như nạp từ tài khoản viễn thông để tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp Fintech.
Theo đại diện của Viettel Digital, nếu Chính phủ cho phép sử dụng tài khoản viễn thông (Mobile Money) để thanh toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn vì độ phủ của các nhà mạng rộng hơn các ngân hàng rất nhiều, đến cả vùng sâu, vùng xa những nơi mà người dân chưa có tài khoản ngân hàng.
Khi Nhà nước cho phép triển khai thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ bằng dịch vụ Mobile Money được dự báo sẽ kích thức sự bùng phát của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Bất cứ người dân nào cũng có thể sẵn sàng sử dụng điện thoại thông minh để chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt. Mobile Money sẽ giúp 100% người dân có phương tiện để thanh toán không dùng tiền mặt.
Phân khúc của Mobile Money được xác định là chi trả khi mua bán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ. Hiện tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 30% dân số ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng và 70% còn lại là khách hàng tiềm năng của Mobile Money. Mobile Money sẽ tạo một thói quen sử dụng thanh toán điện tử cho 70% dân số chưa sử dụng tài khoản ngân hàng. Như vậy, Mobile Money vừa cạnh tranh với dịch vụ ngân hàng mà cũng vừa thúc đẩy khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng khi họ được làm quen với phương thức thanh toán điện tử.
Thanh toán điện tử sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể cho người dân và nhà nước. Ví dụ, trước đây tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại phải có người đến tận nhà dân thu, thì nay đều có thể thanh toán điện tử, tiết kiệm được thời gian và công sức, chi phí quản lý dịch vụ. Sắp tới đây, khi Mobile Money chính thức cung cấp, người dân có thể dễ dàng thanh toán các khoản như học phí, viện phí qua điện thoại một cách dễ dàng hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo