Nâng cao tính bảo mật thông tin trong các giao dịch
Ký kết hợp tác giúp sinh viên tiếp cận công nghệ ngân hàng số / Ứng dụng công nghệ nâng tầm an ninh an toàn quản lý bay và phát triển bền vững
Tại họp báo công bố sự kiện “Ngày Thẻ Việt Nam 2024” do Báo Tiền phong và Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức ngày 26/9, bà Đoàn Hồng Nhung, thành viên Ban điều hành, Giám đốc khối bán lẻ Vietcombank cho biết, với vai trò là ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên ở Việt Nam triển khai dịch vụ thẻ, phát hành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ… ngân hàng nhận thức được hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán số đang trải qua những giai đoạn phát triển quan trọng,hướng tới giới trẻ.
“Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán số tại Việt Nam đã phát triển mạnh. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng kịp thời triển khai, hướng dẫn các NHTM đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán số. Ngoài hệ thống thanh toán truyền thống, phương thức thanh toán mới cũng như thanh toán dựa trên dữ liệu lớn, thông tin chung theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 đang tạo ra cú hích lớn với xác thực thanh toán bằng sinh trắc học", bà Đoàn Hồng Nhung chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Napas cho biết: Trong những năm gần đây, ngân hàng số tại Việt Nam đã ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ cả số lượng khách hàng sử dụng và tỷ trọng giao dịch qua kênh số chiếm hơn 90%. Ngành ngân hàng đã cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi tới khách hàng. Napas luôn nỗ lực đảm bảo vận hành hạ tầng thanh toán Quốc gia liên tục, an ninh, thông suốt; tiên phong ứng dụng những công nghệ thanh toán mới.
Thanh toán thẻ đã phát triển trong thời gian dài, qua nhiều giai đoạn, từ bước đầu với thẻ từ, nhưng cũng bộc lộ hạn chế vì dễ dàng bị đánh cắp thông tin. Theo đó, ngành Ngân hàng đã chuyển đổi toàn bộ từ thẻ từ sang thẻ chip, thẻ chip đã được phát hành mới đến hơn 50 triệu thẻ. Hiện tại, giao dịch qua Napas thống kê có trên 90% giao dịch là thẻ chip. “Với việc thanh toán thông qua thẻ chip, an ninh an toàn được đảm bảo gần như tuyệt đối. Các giao dịch được thực hiện đảm bảo an toàn trên máy POS hoặc thực hiện trên ATM”, ông Nguyễn Quang Hưng cho biết.
Ngành Ngân hàng đã sử dụng đăng ký thẻ vật lý hoặc thẻ ảo với khuôn mặt khách hàng, thay vì cầm thẻ hay nhập mã pin thì chỉ cần cười trên hệ thống tiếp nhận diện khuôn mặt và đồng bộ với thông tin thẻ đăng ký từ trước. Như vậy, quá trình thanh toán diễn ra liền mạch, thông suốt. Đây cũng là công nghệ thanh toán mới Napas sẽ giới thiệu trong thời gian tới.
Khi chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, việc thanh toán trở nên đơn giản hơn, chỉ cần chạm thẻ thanh toán. Với các giao dịch giá trị lớn mới phải nhập PIN để đảm bảo xác thực an ninh an toàn. Ngoài ra, trên môi trường thương mại điện tử (ecom), các ngân hàng cũng áp dụng triển khai tiêu chuẩn 3DS cho thanh toán thẻ, khi khách hàng đã có dữ liệu lịch sử giao dịch tốt thì ngân hàng có thể phân tích, so khớp các dữ liệu thanh toán lịch sử, từ đó khách hàng có thể được bỏ qua các bước xác thực OTP.
"Hiện nay thẻ thanh toán đã được số hóa lên trên thiết bị di động, biến chiếc điện thoại thành thẻ thanh toán. Công nghệ số hóa thiết bị chấp nhận thanh toán (soft post) cho phép biến điện thoại thông minh thành chiếc máy soft giúp mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán", lãnh đạo Napas chia sẻ.
Theo ông Phạm Anh Tuấn,Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt gần 90%. Việt Nam hiện có độ phủ sóng 4G là gần 100%, độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình đạt gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Theo đó, phần lớn người dân Việt Nam có thể sử dụng Internet, tiếp cận không gian số.
"Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng to lớn về việc mở rộng và phát triển hệ sinh thái số, chuyển đổi số. Với sự gia tăng của công nghệ tài chính (Fintech) trong những năm gần đây đã tạo ra sân chơi mới, mô hình kinh doanh mới cũng những người chơi mới, phá vỡ vị thế “đóng” của các định chế tài chính truyền thống", ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Đến nay, Việt Nam có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code (mã phản hồi nhanh) đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
Chuỗi sự kiện thúc đẩy thanh toán công nghệ “Ngày Thẻ Việt Nam 2024” đánh dấu lần đầu tiên có sự tham gia của UBND thành phố Hà Nội trong vai trò đồng chỉ đạo Hội thảo “Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở” sẽ diễn ra ngày 2/10.
End of content
Không có tin nào tiếp theo