Ngân hàng số: Phải có cơ chế để người dân 'bỏ tiền' được vào điện thoại của mình
Chia sẻ tại Hội thảo Ngân hàng thông minh “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng” trong khuôn khổ Diễn đàn Cao cấp và Triển lãm Công nghiệp 4.0 vào chiều ngày 2/10/2019 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, tài chính ngân hàng là lĩnh vực đặc biệt, có tiềm lực tốt nhất để chuyển đổi số. Lĩnh vực tài chính ngân hàng có cả tiềm lực cả về tài chính và con người, trong khi chuyển đổi số là vấn đề sống còn của ngân hàng hiện nay.
Ngân hàng chuyển đổi số bắt buộc phải song hành với công ty Fintech
Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, Đề án Chuyển đổi số quốc gia cần phải thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh nhất, trong đó ngành tài chính ngân hàng phải đi tiên phong. Ngay cả Chính phủ cũng coi ngành tài chính ngân hàng là giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.
Tuy vậy, các ngân hàng bắt buộc phải chuyển đổi số tuy nhiên chuyển đổi số là một quá trình dài. Nên cần phải làm rõ khái niệm ngân hàng số là như thế nào, xây dựng ngân hàng số có khi 5-10 năm chưa chắc chuyển đổi xong. Phải chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực của ngân hàng trong khi hiện nay các ngân hàng mới chỉ ở giai đoạn đưa dịch vụ online tới khách hàng.
Theo ông Thắng, quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng có 4 giai đoạn: Giai đoạn 1, nhiều kênh cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Giai đoạn 2, tích hợp kênh, khi đó các giải pháp cung cấp dịch vụ được tích hợp trong một app. Giai đoạn 3, khi đó khách hàng không cần đến nhà băng vẫn có thể sử dụng mọi dịch vụ, nhà băng là một hệ sinh thái. Giai đoạn 4, là giai đoạn cao nhất, khách hàng được trải nghiệm nhiều dịch vụ trong một app, dịch vụ có thể cung cấp cá thể hóa cho mỗi khách hàng khác nhau.
Để chuyển đổi số, Ngân hàng LienVietPostBank đã xây dựng lên một công ty Fintech riêng, lý do là ngân hàng muốn chuyển đổi số phải bắt buộc song hành với các công ty Fintech. Công ty Lienviet Technology đã làm chủ công nghệ và làm các sản phẩm của người Việt. Công ty tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái thanh toán, ví điện tử và ngân hàng số để cung cấp dịch vụ cho người dùng cuối, công cụ thanh toán cho các đối tác, đáp ứng mô hình ngân hàng số và hỗ trợ chuyển đổi số cho các ngân hàng truyền thống, cũng như hỗ trợ chuyển đổi số các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng số: Phải có cơ chế để người dân “bỏ tiền” được vào điện thoại
Nói về những khó khăn khi phát triển ngân hàng số, ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, ngân hàng số cần có sự chia sẻ, kết nối với nhau nhưng hiện nay Việt Nam có mấy chục ví điện tử nhưng chưa ví nào nhìn thấy nhau, chưa thể chuyển tiền sang nhau được. Do đó, nhà nước phải có cơ chế cho phép tạo dựng token chia sẻ giữa các ví điện tử trong nước vào quốc tế. Đây là điều không hề khó, giống như thẻ VISA, Master có thể mang đi thanh toán trên toàn cầu được. Ví điện tử còn dễ làm hơn thế, về công nghệ chỉ cần có token thì bất kỳ ai nối vào cũng có thể thanh toán được. Thử nghiệm liên kết với ví điện tử của nước ngoài, dự kiến ngày 4/10/2019, LienVietPostBank mang dịch vụ Ví Việt của ngân hàng này sang Hàn Quốc bắt đầu thử nghiệm thanh toán quốc tế, sau đó sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước kết quả.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, hiện nay vướng nhất là thể chế chưa rõ ràng, chưa có quy định thế nào là ngân hàng số, ví điện tử, thẻ phi vật lý, thế nào là iKYC (xác thực danh tính điện tử). Các ngân hàng sợ nhất là rủi ro pháp lý, do vậy đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần phải có quy định rõ ràng để các ngân hàng không gặp phải rủi ro khi triển khai ngân hàng số.
Giải pháp iKYC hiện được một số ý kiến cho rằng là vấn đề khó khăn nhất trong triển khai ngân hàng số, nhưng theo ông Nguyễn Đình Thắng thì việc này chả có gì khó khăn cả, vấn đề là Ngân hàng Nhà nước có cho làm hay không. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép làm sẽ có đơn vị làm ngay, đơn vị nào làm sẽ tự có giải pháp đảm bảo an toàn, cũng như tự lo giải pháp chống hacker.
Cái khó nhất hiện nay ở Việt Nam là vấn đề chia sẻ dữ liệu, dữ liệu công dân do Công an quản lý, nay các ngân hàng nếu được kết nối vào dữ liệu vào cổng của Công an, khi cần sẽ xác thực được dấu vân tay của khách hàng trực tuyến. Đây là vấn đề pháp lý mà Nhà nước cần sớm có quy định.
Nhà nước đang triển khai chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, cần phải có cơ chế để người dân không dùng tiền mặt nữa. Hiện nay có tới hơn 80% người dân ở các vùng nông thôn không tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Ví dụ, họ tăng gia sản xuất, bán hàng thu được tiền nhưng ngân hàng thì ở xa mấy chục cây số. Vậy phải làm thế nào để người dân có thể bỏ tiền vào điện thoại (ví điện tử-PV), bây giờ nhà nước phải cho cơ chế cho người dân nộp tiền mặt vào điện thoại qua các kênh thu hộ hay đại lý. Có như thế thì các ví điện tử mới thực sự là các cánh tay nối dài của ngân hàng.
“Bây giờ hầu hết các ví điện tử không có tiền, vì người dân không để tiền trong ví, cứ hết khuyến mãi là hết tiền, toàn ví rỗng”, ông Nguyễn Đình Thắng nói.
Đỗ Quyên
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo