Nhà tuyển dụng đánh giá cao nhất tố chất “Chính trực” ở ứng viên CNTT
Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam vừa công bố báo cáo về “Thực trạng nhân lực IT và Kế hoạch tuyển dụng đáp ứng công nghệ mới”. Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát các ứng viên và nhà tuyển dụng đến từ các doanh nghiệp hoạt động về mảng Công nghệ tại Việt Nam.
Phần lớn các công ty công nghệ có nhu cầu tăng quy mô nhân sự
Hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu tuyển dụng trong năm tới với nhiều mức độ khác nhau về quy mô. Theo đó, chỉ 9% cho biết họ không có kế hoạch tuyển dụng, ½ doanh nghiệp cho biết có nhu cầu mở rộng thêm 11 – 20% quy mô và gần ¼ cho biết họ có nhu cầu mở rộng thêm 21- 30%.
Thiếu hụt nhân sự ảnh hưởng đến hiệu suất và đội ngũ nhân viên
Khi được hỏi về những ảnh hướng lớn nhất đến doanh nghiệp khi thiếu hụt nhân lực tại công ty, nhóm ứng viên và nhóm nhà tuyển dụng đều đồng quan điểm về top 3, mặc dù thứ tự xếp hạng có sự khác biệt:
Theo nhóm nhà tuyển dụng, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố lần lượt là: Ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của công ty, Tình trạng làm việc quá tải của nhân viên, và yếu tố Thiếu sự gắn kết giữa các nhân viên do sự mất ổn định của đội ngũ nhân sự.
Đối với nhóm ứng viên, xếp hạng của các yếu tố lần lượt là: Tình trạng làm việc quá tải của nhân viên, Thiếu sự gắn kết giữa các nhân viên do sự mất ổn định của đội ngũ nhân sự và Ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của công ty.
Full-stack đang thiếu hụt nhân sự nhiều nhất hiện nay
Theo khảo sát, Top 3 các ngành hiện đang thiếu hụt nhân sự trong các công ty Công nghệ là: Phát triển website toàn diện (full-stack) chiếm 49%, Java & Java script chiếm 27% và Kiến trúc hạ tầng (Architect design) chiếm 22%.
Các mảng công nghệ mới liên quan đến khoa học máy tính mặc dù vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng không cao. Theo đó có 18% doanh nghiệp thiếu hụt ứng viên để phát triển Tự động hóa, 11% doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự Phát triển máy học và chỉ 2% doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự Phát triển chuỗi khối.
“Nhân lực” là lợi thế khi thành lập công ty Công nghệ tại Việt Nam
3 yếu tố được đánh giá là lợi thế khi thành lập công ty công nghệ tại Việt Nam đều xoay quanh Nhân lực như: Chi phí nhân công cạnh tranh; Kinh tế ổn định (nhân lực trẻ, tăng trưởng GDP cao); Nguồn lao động có chất lượng (giáo dục tốt, thông minh, có tầm nhìn) được sự đồng tình bởi cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên.
Bên cạnh đó, tiếng Anh của lao động Việt Nam không phải là một lợi thế như họ tự đánh giá khi chỉ có 7% nhóm nhà tuyển dụng đồng tình với quan điểm Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến so với 25% quan điểm của các ứng viên.
Khan hiếm nguồn nhân lực IT là thách thức lớn nhất đối với các công ty Công nghệ
Khi được hỏi về những thách thức khi thành lập công ty Công nghệ tại Việt nam, top 5 yếu tố được doanh nghiệp cho là thách thức bao gồm: Khan hiếm nguồn nhân lực IT; Chi phí nhân công đã tăng cao; Điều kiện bảo mật, chính sách bản quyền chưa chặt chẽ; Hệ thống giáo dục không chú trọng vào đào tạo các bộ môn khoa học (STEM); Thiếu sự minh bạch.
Trong đó, yếu tố Khan hiếm nguồn nhân lực IT; Điều kiện bảo mật, chính sách bản quyền chưa chặt chẽ; Hệ thống giáo dục không chú trọng vào đào tạo các bộ môn khoa học (STEM) và Thiếu sự minh bạch được sự đồng tình từ nhóm ứng viên. Mặc dù yếu tố Chi phí nhân công đã tăng cao được ½ nhà tuyển dụng cho là thách thức lớn nhưng nhóm ứng viên lại không nhận thấy điều này, chỉ có 20% ứng viên có cùng quan điểm.
Ứng viên có kinh nghiệm được trả lương cao hơn so với nhiều ngành nghề khác
Khi so sánh theo mặt bằng lương chung (theo Báo cáo lương của VietnamWorks), nhà tuyển dụng cho thấy họ đang trả lương cho nhóm ứng viên có kinh nghiệm cao hơn một bậc so với nhiều ngành nghề khác với khoảng lương từ 701 – 1000 USD. So với các ngành nghề khác, mức lương phổ biến được trả cho nhóm ứng viên có kinh nghiệm là 251 – 500 hoặc 501 – 700 USD.
Doanh nghiệp Công nghệ thể hiện tầm nhìn xa và bền vững trong công tác tuyển dụng
Trước tình trạng khan hiếm nhân lực ngành công nghệ, nhiều doanh nghiệp cũng thể hiện tầm nhìn xa hơn trong công tác tuyển dụng lẫn tận dụng phát triển nguồn nhân lực sẵn có. Theo đó, có đến 62% doanh nghiệp chọn sẽ tái cơ cấu về kỹ năng cho đội ngũ hiện tại và 56% chọn kết nối với trường Đại học để chuẩn bị bộ kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên trong tương lai.
Nhà tuyển dụng vẫn đánh giá cao nhất tố chất “Chính trực” ở ứng viên IT
Khi được đề nghị đánh giá về các tố chất của ứng viên IT người Việt hiện nay như: Chăm chỉ, Sáng tạo, Sự gắn kết, Hiệu suất công việc, Trình độ chuyên môn, Mức độ chính trực. Yếu tố “Chính trực” được xếp vị trí thứ 2, theo đó có đến 39% nhà tuyển dụng đánh giá là khá tốt. Tuy nhiên, nhóm ứng viên xếp yếu tố này thấp nhất so với 5 yếu tố còn lại, chỉ 27% ứng viên cho rằng khá tốt. Theo đó, yếu tố “Trình độ chuyên môn” được 47% ứng viên đánh giá là khá tốt, đứng vị trí thứ 2 khi đánh giá các tố chất quan trọng của ứng viên trong ngành Công nghệ. Tuy nhiên, chỉ 36% nhà tuyển dụng cho rằng yếu tố trình độ là “Khá tốt”.
Nhân lực ngành công nghệ đã ổn định và gắn bó hơn
Theo đánh giá của nhóm nhà tuyển dụng, tỷ lệ chuyển việc tại doanh nghiệp đã ổn định hơn, điều này cũng cho thấy sự gắn kết hơn của các ứng viên ngành công nghệ. Theo đó, 64% cho biết tỷ lệ chuyển đổi công việc tại doanh nghiệp họ dưới 20%, số ứng viên làm việc dưới 1 năm cũng chỉ chiếm 4%, số doanh nghiệp có ứng viên làm việc trên 2 năm chiếm 64%.
Yếu tố liên quan đến lương, thưởng vẫn nằm trong top 3 lí do chuyển việc của nhân viên IT
Khi được hỏi về lý do chuyển việc của nhân viên tại công ty, có đến 67% nhà tuyển dụng cho rằng nhân viên có Cơ hội việc làm tốt hơn từ công ty khác, 38% nhà tuyển dụng chọn Không hài lòng với chế độ lương thưởng và 31% cho rằng ứng viên Thành lập start-up của riêng họ.
Thực tế, nhóm ứng viên cho rằng lý do hàng đầu khiến họ nghỉ việc là Không hài lòng với chế độ lương thưởng (45%), nguyên nhân thứ nhì là Không có cơ hội thăng tiến (40%) và lí do Cơ hội việc làm tốt hơn từ công ty khác xếp vị trí thứ 3 với 38% ứng viên đồng tình.
Một số khác biệt về quan điểm phúc lợi đặc biệt giữa ứng viên và nhà tuyển dụng
Đối với nhóm ứng viên, Top 3 chế độ phúc lợi đặc biệt lần lượt là: Chế độ khám sức khỏe định kỳ và bảo hiểm cao cấp (chiếm 40%), Trả lương ngoài giờ (31%) và Thưởng theo kết quả công việc mỗi quý (28%)
Trong khi đó, nhóm nhà tuyển dụng lại lựa chọn yếu tố Thưởng theo kết quả công việc mỗi Quý là phúc lợi đặc biệt nhất của công ty mình (42%), Cơ hội đi học và làm việc tại nước ngoài (40%) và Chế độ khám sức khỏe định kỳ và bảo hiểm cao cấp xếp thứ ba với 33% bình chọn.
Thương hiệu nhà tuyển dụng không được coi là yếu tố quan trọng tại các doanh nghiệp IT
Top 3 các yếu tố thu hút nhất được nhà tuyển dụng lẫn ứng viên đồng quan điểm lựa chọn là Lương và phúc lợi hấp dẫn; Điều kiện làm việc linh hoạt về không gian và thời gian; Môi trường làm việc sáng tạo, tiện ích, tiên phong trong công nghệ. Các ứng viên ngành Công nghệ và nhóm nhà tuyển dụng cùng đồng quan điểm khi đánh giá không cao yếu tố Danh tiếng bởi chỉ có 9% ứng viên và 18% nhà tuyển dụng bình chọn cho yếu tố này.
Xu hướng công nghệ mới của các công ty Công nghệ và sự ảnh hướng đến việc quy hoạch dịch vụ và nhân sự của doanh nghiệp
Xếp hạng của các xu hướng công nghệ có nhiều sự chênh lệch về thứ tự giữa nhóm ứng viên và nhà tuyển dụng. Cụ thể top 3 các xu hướng công nghệ mới trên quan điểm của nhà tuyển dụng lần lượt là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Cung cấp dịch vụ phần mềm (Software as a service). Về phía các ứng viên, các xu hướng công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Fintech (Công nghệ tài chính), Cung cấp dịch vụ phần mềm được đánh giá cao. Có thể thấy ½ nhà tuyển dụng đánh giá Công nghệ chuỗi khối vẫn phát triển nhưng chỉ ¼ ứng viên cho rằng Chuỗi khối sẽ là xu hướng và họ xếp công nghệ này ở vị trí thứ 5.
Khi các nhà tuyển dụng chia sẻ về sự ảnh hưởng bởi các tác động của xu hướng phát triển công nghệ mới đến kế hoạch tuyển dụng, hầu hết cho rằng các tác động này buộc họ phải quy hoạch lại dịch vụ và nhân sự. Theo đó, top 3 các tác động rõ rệt nhất lần lượt là: Khó khăn trong việc phát triển quy mô do khan hiếm nguồn lao động, Tái cấu trúc doanh nghiệp do nhu cầu thị trường thay đổi và Buộc phải thu gọn dịch vụ chỉ tập trung vào mảng thế mạnh.
Ứng viên Công nghệ nắm vững các xu hướng kỹ năng trong 5 năm tới và hiểu rõ về các nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giúp ứng viên đáp ứng với những thay đổi này
Khi được hỏi về những kỹ năng cần thiết trong 5 năm tới, nhóm ứng viên thể hiện sự hiểu biết các xu hướng kỹ năng trong tương lai mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Mặc dù thứ tự ưu tiên các kỹ năng có sự khác biệt, tuy nhiên top 3 các kỹ năng quan trọng có đồng quan điểm giữa nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng đó là: Tự lấy trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm khi phát triển sản phẩm, Tư duy chuyển đổi số hóa và Kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp.
Nhóm ứng viên thể hiện việc hiểu biết các kế hoạch mà doanh nghiệp đang nỗ lực giúp nguồn nhân lực tăng khả năng để đáp ứng với những thay đổi của công nghệ mới. Theo đó, nhóm ứng viên và nhóm nhà tuyển dụng đã có quan điểm thống nhất tuyệt đối về top 3 các kế hoạch doanh nghiệp đang áp dụng để phát triển nguồn nhân lực, cụ thể như: Đưa các nhân viên chủ chốt đi học và đào tạo lại cho nội bộ, Chương trình đào tạo riêng dựa trên kế hoạch phát triển của mỗi cá nhân, Liên kết đào tạo tại các trường Đại học để đảm bảo đầu ra.
Ứng viên thuộc khu vực Đông Nam Á là nhóm ứng viên thay thế cạnh tranh nhất
Nếu ứng viên Việt Nam không đạt được yêu cầu tuyển dụng, nhóm nhà tuyển dụng lẫn ứng viên đều đồng quan điểm chọn ứng viên đến từ khu vực Đông Nam Á là nhóm tiềm năng và cạnh tranh nhất. Các ứng viên đến từ châu Âu và châu Mỹ mặc dù luôn được cho rằng có chuyên môn cao và sở hữu nhiều kiến thức về công nghệ mới, tuy nhiên lại không được nhà tuyển dụng lựa chọn, nhóm ứng viên cũng thể hiện rằng họ không thấy có sự cạnh tranh cao từ ứng viên đến từ các khu vực này.
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám Đốc của Navigos Group Việt Nam chia sẻ: “Những yếu tố khách quan không kiểm soát được như tác động của dịch bệnh dẫn đến sự hạn chế trong tương tác đời thực, hay rủi ro cho con người khi tham gia vào các công việc nguy hiểm,…càng khiến cho công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì khả năng có thể chuyển đổi cách hoạt động trực tiếp thành trực tuyến, khả năng thay thế con người làm những công việc lặp đi lặp lại hoặc rủi ro. Nhu cầu sử dụng công nghệ cao đã được nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp ghi nhận, phát triển kế hoạch ứng dụng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động. Đứng trước nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng cao, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực công nghệ, mà còn phải chuẩn bị các giải pháp giữ chân nhân tài và ứng phó trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo