Chuyển đổi số

Nhận lương cao nhờ có kỹ năng AI

DNVN - Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng rộng rãi, nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao hơn tới 36% cho người lao động trong khu vực ASEAN có kỹ năng và kinh nghiệm AI.

Ngày 2/4, Amazon Web Services (AWS) công bố tại Việt Nam nghiên cứu "Thúc đẩy kỹ năng AI: Chuẩn bị để lực lượng lao động trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẵn sàng cho tương lai".

Nghiên cứu cho thấy, ngoài sự gia tăng đáng kể về tiền lương, 97% người lao động trong khu vực ASEAN kỳ vọng kỹ năng AI của họ sẽ có các tác động tích cực đến nghề nghiệp, bao gồm tăng hiệu suất, tăng mức độ hài lòng trong công việc và thăng tiến nhanh hơn. 92% người lao động tại ASEAN quan tâm đến phát triển kỹ năng AI để đẩy nhanh sự nghiệp, và mối quan tâm này xuất hiện trong mọi thế hệ.

Khoảng 93% người lao động thuộc thế hệ Gen Z, 93% thuộc thế hệ Millennial và 90% thuộc thế hệ Gen X muốn có kỹ năng AI, ngoài ra 86% người lao động thuộc thế hệ baby boomer - đối tượng nhân khẩu học đang chuẩn bị nghỉ hưu - cho biết họ sẽ tham gia một khóa học nâng cao kỹ năng AI nếu được đề nghị.

Ngành dịch vụ ngân hàng và tài chính đang đi đầu trong ứng dụng AI.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng năng suất lao động do nhân lực có kỹ năng AI mang lại cho khu vực ASEAN rất lớn. Những người sử dụng lao động tham gia khảo sát kỳ vọng năng suất lao động trong tổ chức của họ sẽ tăng 54% nhờ công nghệ AI tự động hóa các tác vụ trùng lặp (69%), cải thiện quy trình và kết quả (68%) và tăng cường truyền thông giao tiếp (64%). Người lao động tin rằng AI có thể giúp họ tăng 54% năng suất lao động.

Chuyển đổi sang AI tại ASEAN đang diễn ra nhanh chóng. 97% người lao động mong muốn tổ chức của họ trở thành công ty vận hành trên nền tảng AI vào năm 2028. Hầu hết các công ty (96%) tin rằng bộ phận IT của họ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, họ cũng dự đoán rằng các bộ phận nghiên cứu và phát triển (94%), tài chính (93%), bán hàng và tiếp thị (92%), nhân sự (87%) và pháp lý (81%) cũng mang lại giá trị đáng kể từ AI.

Đi sâu hơn vào những lĩnh vực quan trọng trong khu vực ASEAN, nghiên cứu này cho thấy ngành dịch vụ ngân hàng và tài chính đang đi đầu trong ứng dụng AI, với 97% các tổ chức hiện đang sử dụng các công cụ và giải pháp AI, ngay sau đó là ngành Viễn thông (96%) và Khu vực công (92%).

AI tạo sinh - loại hình AI có thể nhanh chóng tạo nội dung và ý tưởng mới, bao gồm các cuộc trao đổi, câu chuyện, hình ảnh, video, nhạc và các nội dung khác - đã thu hút được sự chú ý của công chúng từ năm ngoái, và công nghệ này cũng đã góp phần chuyển đổi môi trường làm việc tại ASEAN.

Hơn 97% người sử dụng lao động và người lao động tham gia khảo sát kỳ vọng sử dụng các công cụ AI tạo sinh trong vòng 5 năm tới, trong đó 76% người sử dụng lao động cho biết 'tăng cường đổi mới và sáng tạo' là lợi ích to lớn nhất, sau đó là tự động hóa các tác vụ trùng lặp (66%), và cải thiện kết quả công việc (64%).

Nghiên cứu này cho thấy khoảng trống lớn về kỹ năng AI cần được xóa bỏ để bảo đảm khu vực này có đầy đủ điều kiện phát huy những lợi ích về mặt năng suất của AI.

Nghiên cứu cũng chỉ ra nhu cầu về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính phủ, các ngành và các đơn vị giáo dục đào tạo để giúp các doanh nghiệp tại ASEAN triển khai các chương trình đào tạo về AI cũng như hướng dẫn người lao động sử dụng kỹ năng AI của mình trong những vị trí công việc phù hợp, để khai thác những khả năng AI mới học được.

Tháng 11/2023, Amazon đã ra mắt sáng kiến "AI Ready" để bổ trợ cho cam kết của hãng trong việc đào tạo miễn phí kỹ năng điện toán đám mây cho 29 triệu người trên toàn cầu vào năm 2025. Thông qua sáng kiến, Amazon cung cấp một số khóa đào tạo miễn phí về AI và AI tạo sinh, trong đó có 7 khóa học bằng tiếng Việt, phù hợp với các vị trí công việc kỹ thuật và phi kỹ thuật, để mọi người đều có thể phát triển kỹ năng AI của mình. Các khóa học này bổ sung cho hơn 100 khóa học và tài nguyên học tập khác về AI, máy học và AI tạo sinh được cung cấp qua AI Skill Builder và AWS Educate - là các trung tâm học tập số dành cho những người học mới nhập môn và nâng cao.



Phan Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo