Chuyển đổi số

Phát hiện lỗ hổng cho phép hacker tấn công từ xa vào hệ thống mạng của doanh nghiệp

Theo cảnh báo mới từ VSEC, lỗ hổng nguy hiểm có mã CVE-2019-16662 cho phép kẻ tấn công thực thi mã từ xa trên rConfig, tiện ích quản lý cấu hình mạng phổ biến thường gặp trong hệ thống mạng lớn, các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và viễn thông.

Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) vừa cảnh báo về một lỗ hổng có mã "CVE-2019-16662" dẫn tới nguy cơ bị tấn công RCE (Remote Code Execution), cho phép kẻ tấn công truy cập vào rConfig, thực hiện chiếm quyền điều khiển và quyền người dùng khi chưa đăng nhập. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp tới cấu hình các thiết bị mạng nằm trong hệ thống mà ứng dụng quản trị.

Lỗ hổng bảo mật có mã “CVE-2019-16662” được phát hiện trên tất cả các phiên bản của hệ thống quản trị mạng nguồn mở phổ biến rConfig, bao gồm cả phiên bản rConfig mới nhất 3.9.2. Với mức độ nguy hiểm 9.8/10 theo nhận định từ Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ (NIST), VSEC đánh giá đây là một lỗ hổng đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

VSEC đánh giá đây là một lỗ hổng đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Theo phân tích của các chuyên gia VSEC, trong mã nguồn của ứng dụng, file thực thi “/install/lib/ajaxHandlers/ajaxServerSettingsChk.php” tồn tại biến “rootUname” được truyền vào 2 chuỗi, sau đó được thực thi qua hàm “exec()” nhưng lại không có bất kỳ cơ chế chuẩn hóa dữ liệu truyền vào. Lợi dụng điều này, kẻ tấn công có thể nhúng các đoạn mã thực thi vào ứng dụng, dễ dàng chiếm quyền điều khiển máy chủ, từ đó kiểm soát được toàn bộ hệ thống mạng do tiện ích rConfig quản lý.

rConfig là một tiện ích mã nguồn mở được viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP, quản lý cấu hình thiết bị mạng như Router, Switch, Firewall… Tiện ích này cho phép các kỹ sư mạng chọn lệnh quản trị viên muốn chạy với thiết bị và tạo snapshot cấu hình của các thiết bị mạng.

Theo thông tin từ trang chủ của rConfig, tiện ích này đang quản lý hơn 3,3 triệu thiết bị bao gồm các bộ chuyển mạch, bộ định tuyến, tường lửa, bộ cân bằng tải, tối ưu hóa mạng WAN và có hơn 7.000 người dùng hoạt động.

Còn tại Việt Nam, theo nghiên cứu tại VSEC uớc tính có khoảng hơn 10.000 thiết bị thuộc hệ thống mạng lớn tại các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, hạ tầng CNTT và viễn thông đang sử dụng tiện ích rConfig.

Theo VSEC, thời điểm hiện tại, chưa có bản vá với lỗ hổng nghiêm trọng trên rConfig. Do đó, dể đảm bảo an toàn cho các tổ chức và doanh nghiệp Việt, VSEC khuyến cáo các đơn vị đang sử dụng rConfig nên giới hạn địa chỉ IP truy cập vào hệ thống, chặn truy cập module "ajaxServerSettingsChk.php" nếu không sử dụng tới, sử dụng "http authentication" với các trang quản trị hoặc sử dụng các giải pháp quản trị thay thế khác. Thêm vào đó, các quản trị viên cần theo dõi sát để có thể cập nhật bản vá ngay khi có thể.

Trước những tác động lớn có thể xảy ra từ lỗ hổng, đội ngũ chuyên gia VSEC dự kiến sẽ phối hợp đánh giá website miễn phí toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng tiện ích rConfig để tìm ra các rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống, từ đó đưa ra các cảnh báo và giải pháp khắc phục kịp thời.

Tình trạng tấn công mạng ngày càng có nguy cơ gia tăng về quy mô cũng như tần suất tấn công. Cách đây 1 tuần, Cục An toàn thông tin, cơ quan điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia đã phát lệnh điều phối, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gấp rút rà quét, bóc gỡ các tệp tin mã độc của chiến dịch tấn công có chủ đích (APT) quy mô lớn đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Lệnh điều phối, ứng cứu sự cố này được gửi tới các đơn vị chuyên trách về CNTT, an toàn thông tin của Văn phòng Trung ương Đảng, các ban của Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; các đơn vị chuyên trách về CNTT, an toàn thông tin các bộ, ngành; các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; các Sở TT&TT; các Tổng công ty, tập đoàn kinh tế, các tổ chức tài chính, ngân hàng; các doanh nghiệp hạ tầng Internet, viễn thông, diện lực, hàng không, giao thông vận tải cùng các thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo