Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cách mạng công nghiệp 4.0 không cần quá 'đao to búa lớn'
Tại Phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 - Industry 4.0 Summit 2019, sáng ngày 3/10/2019 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu chỉ đạo với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, nhưng thực tế nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã được Chính phủ triển khai.
Phó Thủ tướng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ngoài những đề án, dự án cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52. Chính phủ sẽ làm quyết liệt hơn nhưng thiết thực, đúng vào những thứ đang cần. Chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 chúng ta không cần quá “đao to búa lớn”, không cần tranh luận nhiều về các khái niệm, mà cần làm nhiều từ những hành động rất cụ thể như đã làm trong 1 năm vừa qua.
Đề cập đến những việc cụ thể cần tập trung trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, kể cả không có cuộc CMCN 4.0, có 2 việc quan trọng chúng ta vẫn phải quyết tâm làm cho tốt. Đó là, cần phải quyết tâm tiếp tục làm tốt hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo như Chính phủ đã nêu rõ trong các Nghị quyết 01, 02 ban hành hồi đầu năm 2019.
Việc quan trọng nữa cần phải được làm tốt, theo Phó Thủ tướng, chính là vấn đề nhân lực, con người. Bởi vì CMCN 4.0 có nhiều đặc trưng, nhưng trong đó có điểm chắc chắn là nó sẽ diễn ra hết sức khó đo đếm trước, khó lường. Do đó, cần phải có được những con người sẵn sàng tận dụng được các thời cơ, tránh những rủi ro và đặc biệt là để sẵn sàng thích ứng, có những giải pháp linh hoạt với những thay đổi mà hôm nay chúng ta không lường được.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, đặc trưng của CMCN 4.0 là tính kết nối, tính hợp tác, do đó chúng ta cần phải tăng cường hợp tác giữa Chính phủ, các cơ quan Chính phủ với nhau; giữa Chính phủ với doanh nghiệp; giữa Chính phủ với người dân; giữa người dân với nhau; và giữa trong nước với nước ngoài.
Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0, chúng ta không chỉ có trách nhiệm giải quyết những vấn đề của Việt Nam mà còn phải chung tay giải quyết những vấn đề chung của thế giới. Mong rằng tất cả chúng ta sẽ hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để tận dụng thành công cơ hội cuộc CMCN 4.0 đem lại, giảm thiểu rủi ro và sẵn sàng ứng phó linh hoạt với những biến động trong tương lai mà ngày hôm nay chúng ta chưa thể lường một cách chính xác được.
Để dẫn chứng cho những bước tiến đáng kể cả về kinh tế, xã hội cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra một số chỉ số tăng trưởng ấn tượng. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,08%, cao hơn nhiều năm gần đây. 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế là 6,98%. Trong sự tăng trưởng này, xu thế gia công, khoáng sản giảm; chế tác, chế tạo và hàm lượng công nghệ tăng lên, đó là chỉ số rất quan trọng.
Năm 2019, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã tăng 3 bậc, từ thứ 45 lên đứng thứ 42 thế giới. Với Chỉ số về phát triển Chính phủ điện tử, trong đó chỉ số trực tiếp nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam tăng 15 bậc, lên thứ 59 thế giới. Đối với Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu, năm 2019 chỉ số này của Việt Nam đã tăng 50 bậc, vươn lên vị trí thứ 50 trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 3 quý đầu năm nay, Chỉ số thanh toán điện tử đã tăng xấp xỉ 19,6% về số lượng giao dịch và 26,6% về giá trị so với năm ngoái. Thanh toán qua di động trong 3 quý đầu năm nay đã tăng 104% về số lượng giao dịch và 155% về giá trị.
Riêng với lĩnh vực giáo dục, năm ngoái Việt Nam có 2 trường và năm nay đã có 4 trường đại học trong Top 1.000 trường hàng đầu thế giới. Trong báo cáo về Nguồn vốn con người gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), giáo dục phổ thông Việt Nam được xếp hạng 38 thế giới, đứng thứ 2 ASEAN.
Đặc biệt là, từ năm ngoái đến năm nay, Việt Nam đã có hàng loạt các công trình mới về xây dựng các trường đại học quy mô lớn do tư nhân đầu tư, phi lợi nhuận; đã hình thành được một loạt viện nghiên cứu của tư nhân. Ngoài các doanh nghiệp trước đây đã làm khoa học công nghệ, đến nay đã có thêm một loạt doanh nghiệp mới tham gia.
Nhật Xuân
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo