Chuyển đổi số

Sếp UBC TV: “Chúng tôi tự sản xuất tivi với tỷ lệ nội địa hóa 50%, sẵn sàng làm OEM cho các hãng tivi khác”

DNVN - Ông Đào Đặng Duy Huân, Phó Tổng giám đốc UBC TV cho biết, việc tự sản xuất tivi trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50% sẽ có lợi thuế về thuế quan. Bên cạnh việc cung cấp cho thị trường trong nước, UBC TV hiện còn làm OEM cho một số hãng tivi trong và ngoài nước khác.

UBC TV âm thầm thực hiện chiến lược “bình dân hóa” thị trường Smart TV / Cận cảnh quy trình sản xuất tivi thông minh thương hiệu Việt tại Củ Chi

Từ năm 2018, trên thị trường xuất hiện một thương hiệu tivi nội địa UBC TV, mặc dù ra mắt thị trường không rầm rộ như những thương hiệu khác, nhưng với các dòng tivi ứng dụng công nghệ hiện đại nhất như tivi kỹ thuật số, Smart tivi, tivi 4K, điều khiển bằng giọng nói, tính năng truy cập YouTube nhanh, với giá chỉ từ trên 3 triệu tới chưa đến 10 triệu đồng, UBC TV đã dần có chỗ đứng tại thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2019, UBC TV đã chính thức đưa vào vận hành nhà máy được đầu tư hơn 100 tỷ đồng để lắp ráp, sản xuất tivi ngay tại Củ Chi, TP.HCM.

Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, ông Đào Đặng Duy Huân, Phó Tổng giám đốc của UBC TV đã trả lời phỏng vấn Doanh nghiệp Việt Nam về định hướng, chiến lược phát triển tivi nội địa của UBC TV.

Ông Đào Đặng Duy Huân, Phó Tổng giám đốc UBC TV.

Ông Đào Đặng Duy Huân, Phó Tổng giám đốc UBC TV.

Thưa ông, lĩnh vực sản xuất tivi ở Việt Nam từ lâu đã có sự hiện diện của những tập đoàn đa quốc gia đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh đó, người láng giềng Trung Quốc được ví như là “công xưởng” sản xuất thiết bị điện tử cho toàn thế giới. Với một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt như vậy, tại sao UBC TV lại lựa chọn đầu tư nhà máy sản xuất tivi? Ông có thể cho biết về quá trình đầu tư sản xuất tivi của UBC TV cho tới nay như thế nào?

Ông Đào Đặng Duy Huân: UBC đã kinh doanh lĩnh vực điện tử viễn thông hơn 15 năm nay, đối tượng khách hàng chúng tôi phục vụ nằm ở khu vực nông thôn. Ngay từ khi còn sản xuất thiết bị đầu cuối truyền hình, chúng tôi đã xác định lợi thế cạnh tranh nằm ở giá bán hợp lý, tính năng phù hợp. Để làm được điều đó, bắt buộc chúng tôi phải tự sản xuất để dễ kiểm soát chất lượng và tối ưu chi phí sản xuất. Hơn nữa, hiện tại chính sách thuế nhập khẩu đối với tivi của Việt Nam là 35%, nghĩa là nếu tự sản xuất được tại Việt Nam chúng tôi sẽ có lợi thế về thuế quan.

UBC đã đầu tư nhà máy sản xuất tivi ở TP.HCM, hiện tại nhà máy sản xuất của UBC đã đi hoạt động ổn định và chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng quy mô nếu như doanh số bán ra tiếp tục tăng trưởng. Hiện tại, tỉ lệ nội địa hóa của chúng tôi đạt hơn 50%.

UBC TV có công bố tỷ lệ nội địa hóa lên tới 50%, vậy ông có thể chia sẻ UBC TV đã làm chủ những linh kiện, vật tư nào được sản xuất ở trong nước?

Chúng tôi đã tự thiết kế và sản xuất được khung vỏ tivi. Với hệ thống các máy ép nhựa và dây chuyền định hình kim loại, chúng tôi đã tự sản xuất được phần khung sườn và thân vỏ tivi.

Đồng thời, phần lớn bo mạch điện tử của tivi đều do UBC tự sản xuất. Chúng tôi có dây chuyền SMT khép kín và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Phần mềm tivi do đội ngũ R&D kết hợp với đối tác nước ngoài để phát triển, do đó các sản phẩm của chúng tôi luôn có nét riêng đặc trưng so với các đối thủ cùng phân khúc. Dây chuyền lắp ráp màn hình tivi của UBC đáp ứng tiêu chuẩn kháng bụi khuẩn.

UBC TV đầu tư dây chuyền SMT hiện đại để sản xuất tivi trong nước.

UBC TV đầu tư dây chuyền SMT hiện đại để sản xuất tivi trong nước.

Với dây chuyền có công suất lên tới 300.000 tivi mỗi năm như hiện nay, UBC TV có chiến lược phát triển như thế nào trong những năm tới? Có hướng tới việc sản xuất tivi để xuất khẩu sang nước khác trong khu vực hay không?

Trong năm 2020, chúng tôi tập trung tối đa cho thị trường trong nước, nhiệm vụ của chúng tôi là triển khai bán hàng và marketing để nhiều người dùng biết đến và trải nghiệm sản phẩm của chúng tôi.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận làm OEM cho một số hãng tivi khác trong và ngoài nước. Với lợi thế thuế quan bởi các hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã ký, cũng như chi phí sản xuất được tối ưu nên hiện tại đã có một số đối tác nước ngoài đang hợp tác với chúng tôi.(OEM - Original Equipment Manufacturer hay còn gọi là nhà sản xuất thiết bị gốc -PV)

Trong năm 2019, ngành công nghiệp điện tử trong nước đã chứng kiến những khó khăn rất lớn của một doanh nghiệp sản xuất tivi nội địa là Asanzo liên quan đến câu chuyện xuất xứ hàng hóa. Ông có thể chia sẻ về những thách thức của các nhà sản xuất tivi, hàng điện tử trong nước ở thời điểm hiện nay hay không?

Với chính thuế hiện hành, ngay cả khi doanh nghiệp lắp ráp tivi tại Việt Nam nhưng linh kiện hoàn toàn nhập tử nước ngoài, chỉ trải qua các bước lắp ráp cơ bản thì vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 35%. Như vậy, muốn chiếm được lợi thế thuế quan trên, bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng được tỉ lệ nội địa hóa nghĩa là phải tự sản xuất hoặc mua trong nước một phần linh kiện. Việc đi mua từ các nhà cung cấp trong nước gặp nhiều khó khăn do ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta chưa phát triển, do đó buộc doanh nghiệp phải tự đầu tư và sản xuất nhiều công đoạn nên áp lực về vốn và công nghệ là rất lớn đối với các doanh nghiệp chịu đầu tư.

Ngoài ra, chúng tôi còn phải cạnh tranh với tivi nhập khẩu từ Thái Lan với chính sách thuế ưu đãi 0% của FTA khu vực ASEAN. Tôi cũng đã đi thăm, khảo sát các nhà máy bên nước bạn và nhận thấy tỉ lệ nội địa hóa của họ rất thấp thậm chí không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ của FTA ASEAN, điều này tạo nên áp lực cạnh tranh giá đối với các sản phẩm sản xuất trong nước do các doanh nghiệp trong nước phải tốn chi phí đầu tư lớn hơn để đáp ứng được tiêu chí nội địa hóa.

UBC TV có công suất 300.000 tivi mỗi năm, sẵn sàng làm OEM cho các doanh nghiệp sản xuất tivi khác.

UBC TV có công suất 300.000 tivi mỗi năm, sẵn sàng làm OEM cho các doanh nghiệp sản xuất tivi khác.

Hiện nay Chính phủ đã đặt mục tiêu rất lớn vào chiến lược “Make in Vietnam”, mục tiêu là tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ Việt Nam, sản phẩm của người Việt do người Việt làm chủ công nghệ. Vậy UBC TV có quan điểm như thế nào về chiến lược “Make in Vietnam” và đã sẵn sàng thực hiện chiến lược này như thế nào?

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Chính phủ với chiến lược “Make in Viet Nam”. Rõ ràng không thể duy trì mãi nền công nghiệp gia công cơ bản được, chúng ta phải nỗ lực để gia tăng chuỗi giá trị, tự chủ được nhiều hơn trong sản xuất. Đây là một quá trình dài và cần nhiều sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ từ cơ chế quản lý đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

UBC ngay từ đầu đã xác định là phải tự chủ trong sản xuất, do đó chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị và sẽ tiếp tục đầu tư nữa để ngày càng kiểm soát được công nghệ, tối ưu sản xuất để tạo ra các sản phẩm phù hợp và giá thành hợp lý cho người tiêu dùng Việt.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm