Chuyển đổi số

Sếp Viettel: Muốn đứng ở thị trường công nghệ cao thì phải có sở hữu trí tuệ

DNVN - Ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), khẳng định việc đăng ký sáng chế là tất yếu trong bối cảnh thị trường công nghệ đang có sự cạnh tranh lớn như lúc này.

6 sản phẩm mang tính cách mạng cho Cloud Native và AI / Ứng dụng triệt để CNTT khi giải quyết thủ tục của tàu thuyền khi đến, rời cảng biển Đà Nẵng

Với 28 bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam, 4 sáng chế được công nhận và bảo hộ tại Mỹ tính đến hết tháng 3/2021, VHT là đơn vị có số lượng sáng chế được công nhận nhiều nhất Tập đoàn Viettel. Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Cương Hoàng cho hay, công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ luôn được VHT chú trọng trong chiến lược phát triển suốt 10 năm qua. Viettel xác định rõ nếu muốn đứng được ở thị trường công nghệ cao thì bắt buộc phải có sở hữu trí tuệ.

Được biết, VHT là đơn vị sở hữu nhiều sáng chế được bảo hộ độc quyền, ông có thể chia sẻ về hành trình để có được kết quả này?

Ông Nguyễn Cương Hoàng: Đây là kết quả của 10 năm chuẩn bị các khâu về con người, công nghệ, cơ sở hạ tầng... Chúng tôi phát triển dựa trên VTOPIC - những định hướng rất cơ bản trong nghiên cứu mà Tập đoàn đã quán triệt, nổi bật là các yếu tố công nghệ, hạ tầng, con người và sự cởi mở.

VTOPIC là định hướng nghiên cứu mà Tập đoàn quán triệt, gồm 5 yếu tố: V (Virtual - Ảo), T (Technology - Công nghệ), O (Open - Cởi mở), P (People - Con người), I (Infrastructure - Hạ tầng) và C (Challenge - Thách thức).

Về hạ tầng, Tập đoàn đã đầu tư khoảng hàng trăm tỉ đồng cho hạ tầng nghiên cứu gồm các lab, các công cụ, phần mềm mô phỏng trong hơn 10 năm qua. Đến bây giờ có thể khẳng định chúng tôi có hệ thống lab hiện đại nhất Việt Nam, và hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Anh Nguyễn Cương Hoàng tin rằng thành quả của VHT đến từ quá trình chuẩn bị lâu dài, căn cơ. Anh Nguyễn Cương Hoàng tin rằng thành quả của VHT đến từ quá trình chuẩn bị lâu dài, căn cơ.

Anh Nguyễn Cương Hoàng tin rằng thành quả của VHT đến từ quá trình chuẩn bị lâu dài, căn cơ.

Quan trọng nhất là yếu tố con người - điều đã được chúng tôi đặc biệt chú ý từ những ngày đầu thành lập. VHT tuyển dụng những kĩ sư tài năng của Đại học Bách Khoa và trong đội ngũ lúc này hơn 30% là tiến sĩ, thạc sĩ từ nước ngoài về, chưa kể những chuyên gia quốc tế hàng đầu. Chúng tôi đang có những chuyên gia đang ngồi ở Mỹ, Singapore, Đài Loan và các chuyên gia đang ngồi chính ở Viêt Nam.

Chúng tôi cũng xác định phải cởi mở trong nội bộ, cởi mở ra bên ngoài, sẵn sàng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trên cơ sở mình làm chủ. Điều này khác biệt với nhiều doanh nghiệp khác vì đôi khi họ giữ miếng, ngay cả trong nhóm nghiên cứu.

Các yếu tố nói trên góp phần tạo nên nền tảng cho ngành nghiên cứu sản xuất, nghiên cứu phát triển của Viettel nói chung và VHT nói riêng.

Đến năm 2017, chúng tôi bắt đầu làm chủ các công nghệ lõi, từ công nghệ lõi đưa vào các sản phẩm. Đến thời điểm này, VHT đã có 54 tài sản trí tuệ được bảo hộ trong nước, trong số đó có 28 sáng chế. Tại Mỹ, chúng tôi có 4 tài sản trí tuệ được bảo hộ, đều là những sáng chế.

Tại sao VHT lại coi trọng việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, khi mà nhiều doanh nghiệp khác còn rất lơ là?

Công ty nào, tổ chức nào muốn phát triển công nghệ riêng, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thì bắt buộc phải chú ý đến vấn đề này từ rất sớm. Nếu để đối thủ copy và đăng ký sở hữu trí tuệ trước, chúng ta coi như mất cả công nghệ, mất lợi thế cạnh tranh.

Chúng tôi xác định rõ nếu muốn đứng được ở thị trường công nghệ cao thì bắt buộc phải có sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, đây cũng là hình thức để khuyến khích cán bộ công nhân viên, anh em kĩ sư làm sao biến các công nghệ lõi thành các sở hữu trí tuệ để đăng ký ở trong nước và quốc tế. Ví dụ Tập đoàn khen thưởng đối với sáng chế đầu tiên được đăng ký ở Mỹ là 100 triệu đồng. Đây chính là động lực cho anh em kĩ sư, những người vốn đã rất bận rộn, vất vả.

Một trong 4 sáng chế của VHT được bảo hộ độc quyền tại Mỹ là Sáng chế về phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ, thuộc Trung tâm Radar.

Một trong 4 sáng chế của VHT được bảo hộ độc quyền tại Mỹ là Sáng chế về phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ, thuộc Trung tâm Radar.

Những sáng chế đã đem lại cho VHT lợi thế như thế nào?

Chúng tôi có những sản phẩm rất hiện đại như: Máy thông tin thế hệ mới nhất (cognitive radio); Rada thế hệ 3D - thế hệ thứ tư - hiện đại nhất bây giờ. Các hệ thống chỉ huy điều khiển có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đấy. Chúng tôi hoàn toàn tự tin những sản phẩm ấy ở cấp thế giới và hoàn toàn có thể mang ra ngoài cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác.

Năm vừa rồi, Tạp chí Quốc phòng của Anh cũng bắt đầu nhìn nhận Viettel và VHT là một công ty quốc phòng công nghệ cao. Đấy là điều rất mừng của VHT trong năm qua.

Nghiên cứu của các kỹ sư VHT đã đóng góp không nhỏ trong việc sản xuất thành công các sản phẩm Make in Vietnam.

Nghiên cứu của các kỹ sư VHT đã góp phần trong việc sản xuất thành công các sản phẩm Make in Vietnam.

VHT đã từng gặp phải xung đột, mà phải dùng quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ khi nào chưa?

Hiện tại VHT cũng chưa gặp phải vấn đề các xung đột quyền sở hữu trí tuệ trong nước. Do là những mặt hàng của VHT tương đối đặc thù. Thứ hai, là những sản phẩm của chúng tôi hiện tại ở trong nước, có thể nói là chưa có đối thủ. Tuy nhiên chúng tôi đã chuẩn bị hành trang để sau này cạnh tranh thì có vũ khí để bảo vệ mình.

VHT đặt mục tiêu thế nào về số lượng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ?

Sở hữu trí tuệ bản chất là quá trình tích lũy. Số bằng sở hữu trí tuệ phản ánh sức mạnh của một công ty công nghệ. VHT và Viettel đang trong quá trình tích lũy đấy.

Hàng năm, mục tiêu của chúng tôi là có từ 50 đến 100 sở hữu trí tuệ mới đăng ký ở trong nước và quốc tế. Lũy kế đến hiện tại, trong nước chúng tôi có 245 bằng sáng chế đang đăng ký và nếu năm nay thêm 50 nữa thì sẽ khoảng 300. Ở nước ngoài, cụ thể tại Mỹ, đang là 27 thì năm nay mục tiêu của chúng tôi phải tăng lên từ 35 đến 40.

Xin cảm ơn ông!

Viettel đang có 339 đơn xin cấp bằng sáng chế chờ xét duyệt

4 năm qua, Viettel đã sở hữu 37 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam. Đồng thời, Viettel cũng đã có 4 bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ - thị trường khó tính nhất thế giới. Mỗi năm, số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp của Viettel tăng 142%, gấp gần 8 lần so với mức tăng trung bình 18% của các chủ đơn trong nước. Viettel cũng đang có 339 đơn xin cấp bằng sáng chế của đang chờ được các cơ quan bảo vệ sở hữu trí tuệ xét duyệt.

Các sản phẩm, công nghệ được Viettel đăng ký bảo vệ về sở hữu trí tuệ đều có khả năng ứng dụng và giá trị làm lợi cao, hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu như: Phương pháp phân cực vòng kín và bù nhiệt số giúp ổn định chất lượng tín hiệu trong bộ khuếch đại công suất trong trạm thu phát gốc thế hệ thứ tư (trạm phát sóng 4G); Phương pháp đánh giá chất lượng và cô lập lỗi dựa trên tính toán thông lượng xử lý vô tuyến của tuyến thu hệ thống eNodeB (thiết bị của mạng 4G);...

Việc đẩy mạnh sở hữu trí tuệ của Viettel nằm trong chiến lược trở thành nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam. Viettel xây dựng đội ngũ khoảng 2.600 nhân sự là các cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, người lao động có trình độ và tay nghề cao trong lĩnh vực này. Để khuyến khích CBVN đăng ký phát minh, sáng chế, Viettel có chính sách khen thưởng từ 20-100 triệu đồng cho mỗi phát minh, sáng chế được công nhận.

Thiếu tướng Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Chiến lược làm chủ nền công nghiệp công nghệ cao với trình độ song hành thế giới thể hiện trách nhiệm và khát vọng của Viettel trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng một Việt Nam hùng cường, vững mạnh và hòa bình lâu dài. Bảo hộ các tài sản trí tuệ bằng việc đăng kí các sáng chế cấp quốc gia, quốc tế là việc Viettel sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để hoạt động nghiên cứu tại Tập đoàn sẽ được ứng dụng và mang lại giá trị nhiều hơn trong tương lai.”

Viettel đặt mục tiêu có từ 50 đến 100 sở hữu trí tuệ mới đăng ký ở trong nước và quốc tế mỗi năm.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm