Chuyển đổi số

Thách thức lớn nhất với viễn thông trong nước là chất lượng dịch vụ

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Internet, khi mở cửa thị trường viễn thông theo Hiệp định EVFTA, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp viễn thông trong nước là câu chuyện chất lượng dịch vụ. Trong thời gian qua thị trường viễn thông trong nước phát triển nóng, nên chất lượng dịch vụ chưa bằng các doanh nghiệp đến từ châu Âu.

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020 có những cam kết mở cửa rất thông thoáng đối với thị trường viễn thông, đặc biệt là với dịch vụ viễn thông cung cấp không cần thiết lập hạ tầng mạng. Sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp trong khối EU có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam khi cơ hội mở rộng thị trường viễn thông ở Việt Nam đang đến rất gần. Hiện thị trường viễn thông ở trong nước đã có cạnh tranh rất lớn, với 63 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép.

Doanh nghiệp viễn thông trong nước không sợ đối thủ nước ngoài

Trao đổi tại bàn tròn “Ngành Tài chính - Viễn thông Việt Nam trước bối cảnh hội nhập EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do” do VCCI tổ chức mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, thị trường viễn thông, Internet từ lâu đã có sự cạnh tranh rất lớn, giá dịch vụ ngày càng giảm mạnh. Ở các nước trong khu vực giá giảm bình quân 30% mỗi năm, ở Việt Nam mỗi năm giá giảm bình quân 15%.

Ông Vũ Thế Bình lấy dẫn chứng, gần đây, tất cả các doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ Internet băng rộng đều có chính sách giữ nguyên giá cước và tăng gấp đôi băng thông, có thể nói đây là bước giảm giá rất mạnh. Thị trường viễn thông ở Việt Nam đã quen với câu chuyện cạnh tranh với nhau, trong số các doanh nghiệp lớn thì chủ yếu là nhà nước sở hữu vốn chủ đạo. Tuy nhiên từ lâu đã có những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam rồi. Ví dụ, dịch vụ điện thoại di động trước kia có SPT có vốn của Hàn Quốc, hay hiện tại là Vietnamobile có 49% vốn nước ngoài. Cả SPT hay Vietnamobile đều gặp khó khăn trong phát triển dịch vụ ở Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vào hàng tỷ USD vào Việt Nam nhưng cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam khá vất vả, hiện Vietnamobile mới có khoảng chưa đến 10% thị phần. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng không dễ cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước.

Vietnamobile là doanh nghiệp có 49% vốn đầu tư nước ngoài nhưng kinh doanh khá khó khăn ở Việt Nam.

Đối với dịch vụ Internet cố định kéo dây đến nhà khách hàng thì ngoài 3 doanh nghiệp lớn của nhà nước gồm VNPT, Viettel, MobiFone còn có thêm một loạt các doanh nghiệp cỡ vừa như FPT, CMC, các doanh nghiệp này đã kinh doanh rất hiệu quả và thương hiệu của họ khá nổi tiếng, CMC Telecom cũng đã có vốn đầu tư nước ngoài từ Malaysia. Do đó, trong 5 năm nữa khi mà EVFTA mở cửa hoàn toàn thị trường cho các doanh nghiệp EU vào Việt Nam thì khi đó doanh nghiệp Việt Nam có đủ thời gian cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Vũ Thế Bình, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp viễn thông trong nước là câu chuyện chất lượng dịch vụ. Trong thời gian qua thị trường viễn thông trong nước phát triển nóng, nên chất lượng dịch vụ chưa bằng các doanh nghiệp đến từ châu Âu.

Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sẽ nhòm ngó "miếng bánh" nội dung số, chuyển đổi số

Ông Vũ Thế Bình cũng nhận định, dịch vụ viễn thông truyền thống không mang lại nhiều lợi nhuận nữa, nên khi các doanh nghiệp EU vào Việt Nam chắc chắn họ sẽ không nhắm vào phần đầu tư hạ tầng đã chật chội mà họ nhắm vào phần cung cấp dịch vụ trên nội dung số, chuyển đổi số. Đó là những mảng dịch vụ mà pháp luật Việt Nam chưa đề cập đến, điều này khiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lúng túng, mà nhà nước cũng lúng túng quản lý.

Hiện nay các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang chủ động dịch chuyển, nhiều doanh nghiệp đã tự tuyên bố, tự dịch chuyển thành nhà cung ứng dịch vụ chuyển đổi số, đưa hàm lượng CNTT vào trong các dịch vụ. Họ cung cấp các gói giải pháp và dịch vụ cung ứng cho các tổ chức, hộ gia đình, các doanh nghiệp viễn thông phải đẩy thêm phần gia tăng, ứng dụng đưa CNTT và phần mềm vào dịch vụ truyền thống.

Hiện nay của doanh nghiệp viễn thông và Internet gặp thách thức lớn nhất là vấn đề xây dựng hạ tầng. Bộ TT&TT đang thúc đẩy nhanh dịch vụ 5G tạo ra thách thức lớn, khi 5G lên thì hạ tầng cáp ngầm phải tính toán làm sao có thể triển khai được, để các doanh nghiệp có thể chia sẻ với nhau được là rất khó khăn, vì phần hạ tầng này đã khá chật chội, không còn chỗ mà kéo cáp nữa.

Chia sẻ về các rào cản khi gia nhập thị trường viễn thông, ông Vũ Thế Bình cho rằng, về mặt pháp lý không có khó khăn, việc xin giấy phép thiết lập mạng, hạ tầng mạng rất thông thoáng. Cứ làm đủ thủ tục quy trình là Bộ TT&TT cấp ngay, tuy nhiên số lượng giấy phép nhiều nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được mà nhiều doanh nghiệp có giấy phép xong rồi để đấy không kinh doanh được.

Bên cạnh đó còn có thách thức lớn nữa là câu chuyện an toàn an ninh mạng. Luật An ninh mạng có hiệu lực nhưng đến nay chưa ra được nghị định hướng dẫn, và còn nhiều ý kiến gây tranh cãi giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo