Chuyển đổi số

Thiên đường Startup là nơi có nhiều doanh nghiệp làm bệ phóng biến “công ty trong gara” thành giải pháp trị giá tỷ USD

DNVN - Theo CEO của Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng, thiên đường cho các startup không chỉ vì nơi đó có nhiều bộ óc công nghệ xuất chúng. Mà chính bởi nơi đó có rất nhiều công ty lớn sẵn sàng làm bệ phóng, có sự cởi mở và ủng hộ của chính quyền sẵn sàng biến những “công ty trong gara” trở thành giải pháp toàn cầu trị giá hàng tỷ USD.

Ngày chuyển đổi số Việt Nam được tổ chức vào tháng 8 tại Hà Nội / Khởi động cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam Viet Solutions


Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng.

Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng.

Tại Lễ phát động cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia Viet Solutions 2020 vào ngày 8/7/2020, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cho biết, thiên đường cho các startup không chỉ vì nơi đó có nhiều bộ óc công nghệ xuất chúng. Mà chính bởi nơi đó có rất nhiều công ty lớn sẵn sàng làm bệ phóng, có sự cởi mở và ủng hộ của chính quyền sẵn sàng biến những “công ty trong gara” trở thành giải pháp toàn cầu trị giá hàng tỷ USD.

Theo đó, quản trị, khách hàng, tài chính là những yếu tố cơ bản ban đầu. Thiếu bất cứ yếu tố nào, những bộ óc công nghệ của chúng ta đều khó có thể cất cánh.

Ông Lê Đăng Dũng cũng chia sẻ, Facebook chỉ có thể tăng tốc và thành công khi nhận được 500.000 USD vốn góp đầu tiên từ Peter Thiel và Elon Musk kết hợp với kinh nghiệm điều hành của Sean Parker. Steve Jobs vẫn cần có một trợ thủ như Lawrence Levy với vai trò Giám đốc tài chính – người đã thu xếp nguồn vốn từ Pixar Studio. Hai chàng trai khởi nghiệp của Google sẽ chẳng sống qua nổi đến năm thứ 3 nếu không có 100.000 USD tài trợ của Andy Bechtolsheim – thành lập ra công ty Sun Microsystems. Jack Ma, sau thất bại 2 dự án, bị các quỹ đầu tư từ chối đến 30 lần, vẫn còn 17 người bạn góp tiền để xây dựng Alibaba.

Theo thống kê của Forbes, có tới 1,3 nghìn tỷ USD được các doanh nghiệp công nghệ chi ra trong năm 2019, nhưng chỉ 1/3 số đó đến đích. Các dự án thất bại có cả những doanh nghiệp sừng sỏ, nhiều kinh nghiệm bên cạnh rất nhiều start-up giàu tiềm năng.

Rõ ràng có một giải pháp tuyệt vời là chưa đủ. Rất cần chính sách cởi mở từ các Bộ, ngành để tạo dựng thị trường. Rất cần có kỹ năng quản trị, nguồn lực tài chính, tập khách hàng đủ lớn để các doanh nghiệp công nghệ cất cánh.Tất cả những điều đó, nếu thiếu đều là áp lực khủng khiếp đối với những startup, ngay cả đối với những người giàu nhiệt huyết nhất.

Cũng theo Chủ tịch Viettel, để kinh doanh dịch vụ viễn thông, Viettel cần 10 năm mò mẫm tìm lối đi cho mình. Để khai trương thị trường nước ngoài đầu tiên, Viettel cần tích lũy gần 10 năm làm viễn thông. Nhưng trong thời đại số, sự thay đổi của công nghệ không cho phép chúng ta có nhiều thời gian đến thế. Và Viettel cam kết sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ non trẻ để công nghệ Việt, giải pháp Việt sớm cất cánh.

“Viettel hiện kinh doanh tại 11 thị trường, với quy mô dân số đạt gần 330 triệu dân. Chúng tôi đã phủ 4G rộng khắp Việt Nam, và cũng đã sẵn sàng cho việc phủ sóng 5G, hạ tầng của Viettel có khả năng kết nối vạn vật. Viettel với kinh nghiệm cạnh tranh quốc tế nên có các tiêu chuẩn khắt khe, có hơn 100 triệu khách hàng nên có kinh nghiệm về nên hiểu được nhu cầu của thị trường. Đây là những cơ sở để có thể cùng với các doanh nghiệp cùng phát triển các nền tảng công nghệ”, ông Lê Đăng Dũng nói.

Chủ tịch Viettel cũng chia sẻ: “Từ mùa giải đầu tiên, chúng ta đã thấy những bằng chứng sống động về hiệu ứng cộng hưởng. Ứng dụng nhận diện tự động thông tin chứng minh thư của VVN AI sau khi cùng Viettel hoàn thiện đã lập tức được chúng tôi đưa vào sử dụng với hợp đồng gần 10 tỷ đồng. Sau đó là hàng loạt hợp đồng đến từ các ngân hàng và các doanh nghiệp viễn thông khác. Cơ hội còn tiếp tục được mở rộng khi năm nay, Viettel tiếp tục gia hạn hợp đồng và VVN AI bắt đầu mở rộng sang một số lĩnh vực khác nữa. Đây là tín hiệu để chúng ta có thể đặt niềm tin vào năm 2020, sẽ có nhiều sự hợp tác thành công như vậy. Nhất là khi đứng bên cạnh các doanh nghiệp còn có sự tham gia của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TT&TT với sứ mệnh thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia”.

Chính vì thế, năm 2020, cuộc thi của chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm các ý tưởng công nghệ để xây dựng các sản phẩm dịch vụ giá trị gia tăng trên nền viễn thông. Hơn thế nữa, chúng ta còn tìm kiếm các giải pháp trong 8 lĩnh vực mà Chính phủ đang ưu tiên phát triển trong chuyển đổi số đó là Y tế, Giáo dục, Giao thông, Tài chính, Nông nghiệp, Năng lượng, Sản xuất công nghiệp, Tài nguyên môi trường. Đây đều là những lĩnh vực mà nhu cầu thị trường còn rất lớn.

Chẳng hạn như ở mảng y tế, con số thống kê có được là mỗi năm Việt Nam có tới 210 triệu lượt khám, trong đó có hơn 50 triệu lượt có chỉ định chụp chiếu, trong số này có khoảng 5 triệu ca có thể chẩn đoán hình ảnh từ xa. Việt Nam có khoảng 30% dân số mắc các bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch, tiểu đường, cần các ứng dụng kết nối bác sĩ để thăm khám, tư vấn thường xuyên. Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp, mỗi người dân có tới 12 năm ốm đau. Đặc biệt, trung bình mỗi người cao tuổi có trên 2,6 bệnh. Bệnh tật ở người cao tuổi nước ta hiện nay với xu hướng bệnh tật kép, xu hướng bệnh tật chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm và mãn tính, dẫn tới chi phí chăm sóc cao, cần các ứng dụng hỗ trợ thăm khám từ xa, tiết kiệm các chi phí đi lại, hoặc tác động xấu của việc phát hiện và điều trị muộn gây bệnh nặng, tốn kém.

Bài toán của Việt Nam thì nhiều, đó là cơ hội cho các công ty công nghệ cùng tham gia giải quyết. Giải quyết những bài toán này, chính là góp phần xây dựng công dân số, xã hội số, quốc gia số mà Chính phủ đang hướng tới.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm