Chuyển đổi số

Thủ Đô ghi tên Việt Nam trong Top 20 giải pháp bảo vệ nội dung số đạt tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu

DNVN - Đầu Xuân Canh Tý 2020, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia đã chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về chiến lược thương mại hóa DRM + Finger Print Online để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số “Make in Vietnam”.

Bắt 10 đối tượng 9x giả danh số điện thoại của công an, viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 500 tỷ đồng / Chạy đua số hóa, doanh nghiệp CNTT phải cạnh tranh để tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp

Năm 2019, Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia) đã công bố nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng, bằng cách kết hợp DRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số) và Finger Print Online (giải pháp phát hiện nguồn phát tán nội dung). Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ Đô Multimedia là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất phát triển thành công giải pháp bảo vệ bản quyền trên môi trường số và phát hiện nguồn phát tán nội dung vi phạm bản quyền trên môi trường mạng.

Vào tháng 12/2019, giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung của Thủ Đô Multimedia mang tên Sigma DRM cũng đã được tổ chức Cartesian kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế. Cartesian® (NASDAQ: CRTN) là nhà cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp và quản lý các giải pháp cho ngành viễn thông, phương tiện kỹ thuật số và công nghệ. Công ty đã thực hiện kiểm định bảo mật nội dung để hỗ trợ các hãng phim lớn của Hollywood trong hơn 12 năm qua. Kiểm định bảo mật Farncombe là một đánh giá chuyên sâu về mức độ bảo mật tổng thể của giải pháp bảo vệ nội dung số DRM. Phương pháp rõ ràng và kỹ lưỡng của Cartesian hỗ trợ các công ty cung cấp bảo mật phát triển và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của hãng phim. Kết quả chứng nhận Farncombe Security Audit ™ Mark biểu thị cho các nhà khai thác và nhà cung cấp dịch vụ rằng hệ thống nội dung phương tiện kỹ thuật số đã trải qua đánh giá bảo mật mở rộng.

Đầu Xuân Canh Tý 2020, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia đã chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về chiến lược thương mại hóa DRM + Finger Print Online để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số “Make in Vietnam”.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia.

Thưa ông, năm 2019 giải pháp DRM + Finger Print Online của Thủ Đô Multimedia đã đạt được chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế cho giải pháp bảo vệ bản quyền. Vậy ông có thể cho biết, lý do tại sao Thủ Đô Multimedia lại quyết định đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dự án DRM + Finger Print Online này? Việc đạt được chứng nhận toàn cầu cho sản phẩm Sigma DRM có ý nghĩa như thế nào với giải pháp “Make in Vietnam” mà Thủ Đô Multimedia đã phát triển?

Trong hai năm trở lại đây, Thủ Đô là đơn vị trong nước duy nhất đã phát triển hoàn thiện giải pháp truyền hình OTT tại Việt Nam, trong đó, chúng tôi nhận thấy việc bảo vệ bản quyền đối với những hệ thống nội dung số (bao gồm bảo vệ nội dung truyền hình, video, nhạc, sách điện tử…) có vai trò quan trọng nhất, bởi nếu không bảo vệ được bản quyền thì ngoài những thiệt hại trực tiếp về kinh tế khi cung cấp nội dung cho người dùng, thì các hãng cung cấp nội dung lớn trên toàn cầu cũng từ chối hợp tác bởi đối tác phân phối không đảm bảo quyền bảo mật nội dung cho họ. Bằng chứng gần đây nhất là Cúp C1 châu Âu không được quyền phát tại Việt Nam vào năm 2017 do không bảo mật được bản quyền.

Để phát triển được giải pháp mã hóa, bên cạnh đòi hỏi kinh nghiệm về bảo mật phần mềm, thì sự am hiểu sâu sắc về các thiết bị đầu cuối cũng là một điều kiện bắt buộc bởi toàn bộ quá trình giải mã diễn ra tại nơi này. Hơn thế nữa, số lượng thiết bị trong lĩnh vực này trải khắp từ thiết bị di động đến các màn hình lớn trong nhà hay trong các rạp chiếu phim. Chính vì lý do đó, trên thế giới chỉ có các công ty lớn như: Apple, Microsoft, IBM tham gia vào phát triển giải pháp DRM; trong mảng truyền hình, cũng chỉ có hơn 10 công ty toàn cầu hiện đang phát triển và cung cấp giải pháp này như Nagravision, Conax, Viacess…

Việc Thủ Đô vượt qua kiểm định của Cartesian - công ty kiểm định (Audit) tất cả các giải pháp DRM trên toàn cầu, đưa sản phẩm Sigma DRM của Thủ Đô Multimedia vào danh sách 20 giải pháp bảo vệ nội dung số đạt tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu. Đây là thành quả quan trọng với Thủ Đô Multimedia, đồng thời chứng minh được năng lực trong lĩnh vực phát triển bảo mật của Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội để giải pháp Sigma DRM có thể tiếp cận và cung cấp giải pháp cho các hãng truyền hình và công ty cung cấp nội dung số trong nước.

Giải pháp SIGMA DRM của Thủ Đô Multimedia nằm trong danh sách 20 giải pháp bảo mật được Cartesian.Inc chứng nhận.

Giải pháp SIGMA DRM của Thủ Đô Multimedia nằm trong danh sách 20 giải pháp bảo mật được Cartesian.Inc chứng nhận.

Tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số ở Việt Nam rất nhức nhối và chưa có giải pháp để ngăn chặn triệt để. Ông có thể cho biết, đến thời điểm này, giải pháp DRM + Finger Print Online đã được ứng dụng và phát triển cho những dịch vụ nào?

Để chống lại việc vi phạm bản quyền, ngoài việc tích hợp giải pháp bảo vệ nội dung (DRM) thì việc sử dụng giải pháp Finger Print Online nhằm phát hiện nguồn phát tán lậu và ngăn chặn kịp thời khi nội dung được thu và phát lại bằng các thiết bị quay màn hình là một cặp giải pháp hữu hiệu trong môi trường trực tuyến. Cho đến thời điểm này, việc kết hợp DRM và Finger Print Online đang được triển khai cho dịch vụ truyền hình VTVcab ON của Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab).

Ông có thể so sánh giữa việc một doanh nghiệp nội dung số sử dụng giải pháp DRM + Finger Print Online của Thủ Đô Multimedia và một giải pháp mua của nước ngoài chẳng hạn, nó sẽ khác nhau như thế nào?

Tất nhiên mỗi giải pháp của các công ty khác nhau đều có những “bí kíp” bảo vệ đặc trưng, Nhưng về năng lực bảo mật, giải pháp Sigma DRM hoàn toàn tương đương với các giải pháp đang được cung cấp trên toàn cầu. Việc một công ty trong nước như Thủ Đô Multimedia phát triển thành công giải pháp về bảo vệ nội dung số và được kiểm định bởi tổ chức uy tín sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều các đơn vị sản xuất, phân phối nội dung số của nước ta. Để bảo vệ bản quyền nội dung, hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ nội dung của Việt Nam đang áp dụng giải pháp bảo mật DRM của nước ngoài.

Hạn chế của việc dùng các giải pháp bảo mật của nước ngoài là chi phí khá đắt đỏ. Với việc thành công của giải pháp Sigma DRM, chúng tôi tự tin sẽ mang đến giải pháp quốc tế giá Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề triển khai kết nối để lấy mã bảo mật từ máy chủ của nước ngoài khá phức tạp. Việc bảo vệ bản quyền nội dung hiện nay mới chỉ dừng ở mảng truyền hình là chủ yếu, tuy vậy, trong một số trường hợp cần bảo vệ, mã hóa nội dung liên quan đến an ninh (ví dụ mã hóa các thư điện tử hoặc file PDF) thì việc cấp mã bảo mật từ hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài đôi khi không đáp ứng được yêu cầu của nhiều đơn vị. Và lợi ích cuối cùng, theo tôi chính là sự phối hợp triển khai với các đơn vị trong nước sẽ gặp nhiều thuận lợi từ đàm phán thương mại, hỗ trợ vận hành, nâng cấp hệ thống.

Ông kỳ vọng giải pháp DRM + Finger Print Online sẽ làm thay đổi tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số như thế nào?

Việc vi phạm bản quyền trên môi trường số tại nước ta hiện nay đến từ 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là việc lọt và phát tán nội dung được các công ty trong nước mua bản quyền và phát hành trong nước.

Nguyên nhân thứ 2 là các đơn vị trong nước kéo lậu luồng từ nước ngoài về sau đó biên tập và phát tán lại trên các website. Với nguyên nhân đầu, việc vi phạm bản quyền sẽ được triệt tiêu nếu tất cả các đơn vị đều sử dụng giải pháp DRM. Trở ngại lớn nhất dẫn đến vi phạm bản quyền chính là có nhiều nội dung không được bảo vệ, mà nguyên nhân chính là giá các giải pháp DRM nước ngoài còn khá cao, thậm chí rất cao.

Ông có thể chia sẻ về chiến lược của Thủ Đô để phát triển mạnh mẽ DRM + Finger Print Online để làm lành mạnh môi trường nội dung số của Việt Nam?

Chiến lược đầu tiên trong bước đi bảo vệ bản quyền, đó là Thủ Đô sẽ cung cấp công cụ DRM để chính các nhà sản xuất nội dung có giải pháp bảo vệ sản phẩm sản xuất của mình, đặc biệt là các sản phẩm truyền hình, ca nhạc. Khi có được công cụ bảo vệ bản quyền, thì các sáng tác mới dần trở nên có giá trị và công sức của nhà sáng tạo mới dần được ghi nhận.

Chiến lược thứ 2 của chúng tôi chính là giúp việc sử dụng tác phẩm được minh bạch trong sử dụng sản phẩm nội dung số. Mỗi một lần sử dụng một tác phẩm (âm nhạc, phim, sách điện tử) là một lần hệ thống bảo vệ nội dung sẽ cấp cho người sử dụng 1 key (mật mã) mới trong một khoảng thời gian xác định (ví dụ mua phim trên Google Play hiện nay có thời gian sử dụng là 48 tiếng), nhờ việc này số lần sử dụng 1 tác phẩm nội dung số sẽ được đếm và thống kê chính xác và hoàn toàn tự động. Tôi tin cách thức này sẽ giải quyết được triệt để những trăn trở của các đơn vị bảo vệ tác quyền trong việc phân phối lại lợi ích, lợi nhuận cho từng tác giả.

Chiến lược và ấp ủ tiếp theo của chúng tôi đó chính là vấn đề an ninh, an toàn thông tin quốc gia. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi hầu như tất cả các thiết bị xung quanh chúng ta đều là các thiết bị kỹ thuật số từ các thiết bị Vạn vật kết nối (IoT) đến các máy thu hình, hay hệ thống camera giám sát. Trong rất nhiều thiết bị xung quanh chúng ta, cũng có không ít các thiết bị không an toàn về bảo mật.

Chẳng hạn hệ thống camera gia đình, bởi phần lớn các thiết bị này chỉ được nhập và phân phối, vấn đề bảo mật ghi hình, truyền dẫn, lưu trữ nội dung hoàn toàn bị thả nổi. Những người làm bảo mật như chúng tôi biết rằng, nếu Việt Nam làm chủ được phần mềm bên trong các thiết bị camera, sử dụng DRM để mã hóa hình ảnh ngay trên đầu ghi trước khi truyền dẫn và lưu trên ổ cứng thì chắc chắn sẽ không dẫn tới rất nhiều các câu chuyện đáng tiếc như vụ lọt hình ảnh riêng tư của những người nổi tiếng là một điển hình.

Chúng tôi quan niệm rằng, đất nước muốn hùng cường, trước hết chúng ta phải đảm bảo an toàn và đảm bảo an ninh thông tin. Trong giai đoạn chuyển sang cuộc cách mạng 4.0, vấn đề này, có vai trò không nhỏ của giải pháp DRM.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm