Chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ TT&TT: Một đô thị không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, xây dựng đô thị thông minh cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Một đô thị không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, thiếu nguồn nhân lực có trình độ để hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó.

Tại Hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” diễn ra tại Hà Nội vào chiều ngày 2/10/2019, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng cho rằng, khi xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh một trong những vấn đề cần hết sức lưu ý là phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Một đô thị không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, thiếu nguồn nhân lực có trình độ để hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó.

Phát triển đô thị thông minh còn nhiều bất cập và lúng túng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, xây dựng đô thị thông minh là nhu cầu tất yếu hiện nay để đảm bảo thụ hưởng môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn cho người dân trong bối cảnh bùng nổ các đô thị.

Hiện có 30 địa phương trên cả nước đã phê duyệt đề án, dự án phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ TT&TT việc phát triển đô thị thông minh hiện nay còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ, ngành vẫn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh và các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng và dịch vụ cơ bản về đô thị thông minh.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng lưu ý các địa phương khi xây dựng đô thị thông minh cần quan tâm đến một số vấn đề sau: Các địa phương cần có nhận thức đúng về đô thị thông minh, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành phố thông minh tại địa phương, hết sức tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào.

Trong triển khai đô thị thông minh cần quán triệt nguyên tắc xây dựng nền tảng hạ tầng dùng chung, chia sẻ dữ liệu dùng chung và giám sát điều hành dùng chung để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

“Ví dụ, đầu tư hệ thống camera giám sát thì cần phải đặt vấn đề ai đầu tư, ngành giao thông hay công an, hay tập trung đầu tư bởi thành phố rồi các ngành dùng chung. Hiện tại một số tỉnh, hạ tầng camera giám sát có nhiều đầu mối đầu tư, không có kết nối chia sẻ dữ liệu với nhau, đầu tư dàn trải như vậy giảm hiệu quả đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nêu dẫn chứng cụ thể.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh các địa phương phải gắn kết, không được tách rời việc xây dựng đô thị thông minh với phát triển chính quyền điện tử, cần coi phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh. Chính quyền điện tử phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền. Người dân phải được cung cấp các ứng dụng để giao tiếp với chính quyền và mọi ý kiến phản ánh của người dân phải được giải quyết nhanh và thỏa đáng.

Các địa phương cần căn cứ vào từng điều kiện cụ thể của từng địa phương, lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần ưu tiên khi xây dựng đô thị thông minh, tránh dập khuôn đầu tư dàn trải. Ví dụ, có địa phương thì đầu tư ứng dụng đô thị thông minh cho văn hóa du lịch, có nơi lại đầu tư cho giao thông

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng lưu ý, các tỉnh cũng cần hết sức quan tâm đến bảo đảm an toàn an ninh mạng ngay từ giai đoạn đầu thiết kế xây dựng, triển khai đô thị thông minh. Triển khai đô thị thông minh, chính quyền điện tử phải có công cụ đo lường, đánh giá kết quả thực hiện. Và nên lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ có đủ năng lực để triển khai.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo chiều ngày 2/10/2019.

Năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng Bắc, Trung Nam

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, cả nước đã có trên 830 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38,6%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 – 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Các trung tâm đô thị đã và đang là những trung tâm của các hoạt động kinh tế xã hội đồng thời cũng là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế.

Bộ Chính trị ngày 27/9/2019 đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), yêu cầu tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền tảng kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước.

Với lĩnh vực đô thị, Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm tại các miền Bắc, Trung, Nam; đến năm 2030 hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm ở các miền Bắc, Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhận định: “Xây dựng đô thị thông minh là một nhiệm vụ rất mới, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế đó đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ là tất yếu để có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra”.

Hội thảo về xây dựng đô thị thông minh đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Xây dựng đô thị thông minh nên bắt đầu từ vấn đề mà người dân bức xúc nhất

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp ICT trong nước và quốc tế đã chia sẻ các giải pháp xây dựng đô thị thông minh, cũng như những khó khăn thách thức khi triển khai thành phố thông minh.

Ông Lê Văn Thành, đại diện của Dell Technologes cho rằng, không có công thức chung cho mọi thành phố thông minh, mà các tỉnh nên chọn ra một lĩnh vực mà người dân cảm thấy bức xúc nhất, nhưng cũng phải chọn vấn đề cụ thể mà dễ thực thi, dễ triển khai để người dân thấy ngay được lợi ích cụ thể của đô thị thông minh. Khi triển khai thành công một vấn đề mà họ đang bức xúc, người dân sẽ có niềm tin vào các giải pháp thành phố thông minh. Các địa phương nên bắt đầu từ việc giải quyết một vấn đề nhỏ, xây dựng kiến trúc để giải quyết vấn đề nhỏ đó cũng phải phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Việt, đại diện FPT Information System cũng cho biết về một khó khăn khi xây dựng thành phố thông minh đó là tình trạng cát cứ dữ liệu. Cho dù dữ liệu được coi là trái tim của thành phố thông minh nhưng thực tế ở Việt Nam thì tình trạng dữ liệu bị cát cứ vẫn còn, văn hóa chia sẻ dữ liệu giữa các chính quyền, tổ chức là chưa có, để giải bài toán này cần có chính sách quy định cụ thể về chia sẻ dữ liệu và cũng cần có nền tảng công nghệ thông tin để thu thập.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo