Chuyển đổi số

TP.HCM: Khuyến khích xây dựng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

DNVN - Trong năm 2020, TP.HCM tiếp tục khuyến khích các Hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa trong sản xuất nhằm tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Theo định hướng chung về phát triển kinh tế tập thể năm 2020, TP.HCM sẽ phát triển mới 35 HTX với tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố lên 0,5%; tỷ lệ cán bộ quản lý, nghiệp vụ HTX đã qua đào tạo có trình độ đại học trở lên đạt 45%, trình độ trung cấp, sơ cấp đạt 55%.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX đang hoạt động có hiệu quả. Giải thể dứt điểm các HTX ngưng hoạt động kéo dài; khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ cao, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

TP.HCM ưu tiên ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

TP.HCM ưu tiên ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Đồng thời, phấn đấu giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao tăng hơn 2 lần so với phương thức sản xuất thông thường. Khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của thành phố.

Tiếp tục xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ). Phấn đấu 100% xã nông thôn mới có HTX hoạt động trên địa bàn và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, TP sẽ phát triển các HTX hiện có, hoạt động trong các ngành nghề: Thêu đan, đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre lá... và các sản phẩm làng nghề truyền thống; hỗ trợ các HTX cùng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các cụm công nghiệp; phát triển HTX mới từ các hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ hộ sản xuất gia đình nguồn vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, thành phố tiếp tục củng cố các HTX hiện có, phát triển hệ thống cửa hàng HTX bán lẻ hàng tiêu dùng; phát triển các HTX thương mại bán lẻ; phát triển các HTX làm tổng đại lý phân phối cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước; xây dựng chuỗi liên kết giữa các HTX thương mại với HTX nông nghiệp - dịch vụ nông nghiệp; phát triển các HTX quản lý kinh doanh chợ, nhất là tại các chợ đầu mối; phát triển mô hình HTX dịch vụ trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.

 

Ở lĩnh vực vệ sinh môi trường, thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về công tác tại đơn vị, hỗ trợ đầu tư trang bị phương tiện thu gom vận chuyển rác...; phát triển các HTX vệ sinh môi trường; xây dựng HTX nông nghiệp - dịch vụ ở các quận ven, huyện ngoại thành có hoạt động trong lĩnh vực này.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX đã có sự thay đổi quan trọng, chuyển hướng sang phục vụ phát triển kinh tế thành viên, theo đúng bản chất, nguyên tắc HTX vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa mang ý nghĩa xã hội. Khu vực kinh tế hợp tác, HTX ngày càng tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, phát triển thêm các dịch vụ cung cấp cho nhu cầu xã hội, góp phần phát triển đời sống văn hóa và tăng cường đoàn kết cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phần lớn các HTX vẫn có quy mô nhỏ, vốn ít, khả năng tích luỹ phân chia lợi nhuận cho thành viên và tái đầu tư chưa cao. Quan hệ giữa thành viên với tập thể trong các HTX tổ chức theo mô hình dịch vụ chưa chặt chẽ.

Nhiều HTX thiếu chiến lược kinh doanh, chậm đổi mới, chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, thu hút nguồn lực để phát triển, khả năng thích ứng, hội nhập còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của hạn chế xuất phát từ nhận thức chưa thật đúng đắn về vai trò, vị trí tầm quan trọng của kinh tế hợp tác và HTX trong nền kinh tế thị trường…

Ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng, Saigon Co.op sau 30 năm hình thành và phát triển đã khẳng định sức sống mạnh mẽ của mô hình kinh tế tập thể. Để phát triển vượt bậc, cần có những tác nhân khách quan từ phía Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cũng như toàn xã hội. Tiếp tục rà soát, sửa đổi một số nội dung còn bất cập của Luật Hợp tác xã 2012, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với xu thế phát triển HTX ở một số nước và điều kiện của Việt Nam.

 

Theo Sở Công thương TP.HCM, để các HTX phát triển bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập của nền kinh tế, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi của các HTX.

Đặc biệt, các HTX đang hoạt động trong lĩnh vực công thương cần thực hiện đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của HTX, xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá, trong đó mô hình HTX chợ kiểu mới là HTX của chính những thương nhân kinh doanh tại chợ (vì phần lớn thành viên HTX là thương nhân kinh doanh tại chợ). Thương nhân vừa kinh doanh vừa làm chủ HTX, có quyền tham gia ý kiến, quyết định đối với các hoạt động của HTX nhằm quản lý và làm cho chợ ngày càng phát triển.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo