Chuyển đổi số

Việt Nam có 14 triệu thuê bao băng rộng cố định, mật độ đạt 16% dân

Việt Nam có hơn 14 triệu thuê bao băng rộng cố định trên tổng số hơn 96 triệu dân. Mật độ băng rộng cố định của Việt Nam hiện mới chỉ xấp xỉ 16%, cho thấy nhu cầu phát triển hạ tầng băng rộng cố định ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Việt Nam mới chỉ có 14 triệu thuê bao băng rộng cố định, một tỷ lệ rất thấp so với 96 triệu dân.

Tại hội thảo VietNam FIBERTalk 2019 chủ đề “Internet cáp quang là nhân tố hiện thực hóa 5G, Smart City & IoT” được Hội đồng FTTH châu Á – Thái Bình Dương (FTTH Council Asia-Pacific) tổ chức tại Hà Nội ngày 17/10/2019, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT cho biết, các dịch vụ liên quan đến mảng băng rộng cố định là một trong những hạ tầng quan trọng trong phát triển viễn thông. Báo cáo của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) cũng như của một số tổ chức nghiên cứu cho thấy, khi một quốc gia phát triển, nâng mật độ sử dụng mạng băng rộng cố định tăng lên 10%/năm có thể đóng góp tăng 0,38% GDP.

Hạ tầng băng rộng di động (3G, 4G, 5G) rất quan trọng, nhưng mảng hạ tầng liên quan nhiều hơn đến người sử dụng, mảng hạ tầng để phục vụ sản xuất nhiều hơn chính là hạ tầng cáp quang. Hạ tầng băng rộng cố định giống như là “đường siêu tốc, cao tốc” để truyền tải dữ liệu. ITU đã đã ra thống kê với những số liệu khẳng định thêm vai trò của việc phát triển hạ tầng cáp quang cũng như các hạ tầng băng rộng cố định đóng góp rất lớn vào sự phát triển nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào.

Cũng theo ông Thảo Nguyên, Việt Nam có hơn 14 triệu thuê bao băng rộng cố định trên tổng số hơn 96 triệu dân. Mật độ băng rộng cố định của Việt Nam hiện mới chỉ xấp xỉ 16%, cho thấy nhu cầu phát triển hạ tầng băng rộng cố định ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam là nền kinh tế duy trì tốc độ phát triển 6-7%/năm trong khoảng gần 10 năm nay. Tức là nhu cầu kinh doanh của các hộ kinh doanh, các công ty, doanh nghiệp rất lớn và vì thế nhu cầu cần có hạ tầng kết nối cáp quang, băng rộng cố định cũng phát triển rất nhiều.

Có thể thấy rằng, tiềm năng để Việt Nam phát triển thị trường băng rộng cố định trong tương lai là rất lớn.

Về mối quan hệ giữa mạng cáp quang và 5G, ông Lương Phạm Nam Hoàng, Phó phòng Cấp phép và Thị trường, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, hệ thống cáp quang giống như mạch máu trong cơ thể, trong khi đó 5G là các mao mạch nhỏ hơn giúp lấy máu từ mạch chính để truyền đi các bộ phận. So với 4G, 5G là một phương thức mới, sử dụng các công nghệ mới để truyền tải toàn bộ năng lực của mạng truyền dẫn đến các người dùng di động. 5G hướng đến việc thu rất ít nhưng thu với khối lượng rất lớn, từ nhu cầu kết nối của hệ thống các thiết bị IoT ở tất cả mọi nơi.

“Với quan điểm như vậy, năng lực của mạng cáp quang là một trong những yêu cầu cơ bản nhất để hiện thực hóa được việc triển khai các dịch vụ 5G. Tương lai của mạng cáp quang đầy hứa hẹn, vẫn sẽ phát triển và cần phải được đầu tư rất nhiều, nhất là khi Chính phủ Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang hướng tới các chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, khi 5G được thương mại hóa thì vai trò của hệ thống cáp quang lại ngày càng quan trọng”, ông Hoàng nêu quan điểm.

Theo Giám đốc Giải pháp của DZS Việt Nam Nguyễn Đình Quang, công nghệ 5G, IoT hay Smart City đều là những xu hướng tất yếu thay đổi toàn diện cách thức con người sống và làm việc với một tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, những công nghệ này chỉ có thể triển khai thành công khi cơ sở hạ tầng mạng được chuyển đổi. Đó là điều kiện tiên quyết mà các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thực hiện.

Ông Quang cũng cho hay: “Dù đã nhận thức được những lợi ích của mạng cáp quang, nhưng khi đứng trước quyết định tiếp tục đầu tư hạ tầng cáp đồng theo giải pháp truyền thống hay chuyển đổi toàn bộ hạ tầng sang mạng cáp quang, nhiều tổ chức và doanh nghiệp vẫn còn do dự vì cho rằng đây là công nghệ mới, họ chưa có đội ngũ kỹ sư chuyên trách và cơ sở hạ tầng của tổ chức hiện tại chưa sẵn sàng".

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo