Chuyển đổi số

Xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử để phát triển y tế thông minh

DNVN - Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân cũng như ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi khám chữa bệnh và góp phần phát triển y tế thông minh.

Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn, Viettel xây dựng hệ sinh thái y tế ứng dụng Blockchain, IoT, BigData / Ba kênh người dân có thể khai báo y tế điện tử

Xây dựng và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân

Cùng với nhiệm vụ kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát thuốc, tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng và triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin cơ bản với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cụ thể với nhiệm vụ kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai phần mềm quản lý. Theo thống kê, có 56.817 trong tổng số 61.000 cơ sở (nhà thuốc, quầy thuốc) kết nối liên thông, đạt 93,1%. Trong đó, 21.000/21.000 nhà thuốc triển khai phần mềm, đạt 100%; 31.055/40.000 quầy thuốc triển khai phần mềm, đạt 77,6%. Số nhà thuốc, quầy thuốc đã phát sinh số liệu với cơ sở dữ liệu dược quốc gia là 37.382 cơ sở.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng CNTT tại Trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020, xác định triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là hoạt động trọng tâm. Bộ Y tế cũng ban hành mẫu Hồ sơ sức khỏe cá nhân và phê duyệt Kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử.

Bảo đảm mỗi người có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia. (Ảnh minh họa: Internet)

Bảo đảm mỗi người có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia. (Ảnh minh họa: Internet)

Kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử hướng tới mục tiêu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) cho toàn dân, bảo đảm mỗi người có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia.

Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế đã khởi động việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử vào tháng 6/2018. Đến tháng 12/2018, hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử được nghiệm thu. Hiện Bộ Y tế đã triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe tại 8 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Dương, Nam Định, Thái Bình, Lâm Đồng, Phú Thọ, Nghệ An.

Theo Bộ Y tế, hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi theo mẫu quy định của Bộ. Hồ sơ sức khỏe điện tử là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.

Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân cũng như ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi khám chữa bệnh. Đây là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần hiện đại hóa ngành y tế.

Việc triển khai hồ sức khỏe điện tử cho người dân được ngành y tế thực hiện ngay từ năm 2019 cho đến 2025. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm đến cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân trên địa bàn được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử; hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia. Đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Mã định danh y tế là duy nhất và tồn tại suốt đời

Trước đó, Bộ Y tế cũng ban hành Quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế theo Quyết định 4376( ngày 24/9/2019). Quy chế quy định rõ, mã định danh y tế (tên tiếng Anh là Health Identification, viết tắt là ID) là nhóm dữ liệu được sử dụng để nhận biết một cá nhân tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mỗi người dân có một ID duy nhất và tồn tại suốt đời.

Mã định danh y tế quốc gia được sinh tự động từ hệ thống mã định danh của Bộ Y tế, có 8 đặc tính cơ bản: Sẵn sàng (luôn sẵn sàng bất cứ khi nào, bất cứ đâu để có thể được sử dụng); Có thể gán (có thể gán ID cho một cá nhân bất cứ khi nào cần, việc này được thực hiện bởi cơ quan nhà nước sau khi nhận được yêu cầu được xác thực hợp lệ cho ID mới); Ẩn danh (có khả năng tạo ra một dãy số tùy ý, được dùng để liên kết thông tin sức khỏe của một cá nhân cụ thể nhưng không được sử dụng để định danh cá nhân đó); Nhận diện (có khả năng định danh một cá nhân được liên kết với một mã định danh hợp lệ. Thông tin định danh có thể bao gồm thông tin về họ tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ… Thông tin này không được đưa vào mã định danh); Liên thông (có khả năng liên kết các hồ sơ y tế trên những hệ thống khác nhau); Ánh xạ (có khả năng tạo liên kết với các loại mã định danh khác); Duy nhất (có khả năng định danh duy nhất cho một cá nhân); Xác thực (có khả năng kiểm tra tính hợp lệ của mã định danh).

Về cấu trúc, mã định danh y tế gồm dãy các ký tự, được chia thành 3 phần “XXXXXXXXXX . xxxxxxxxxx”.

Mười ký tự đầu của dãy số là số bảo hiểm xã hội của cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội được quy định trong Quyết định 346 ngày 28/3/2019 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Quy chế quản lý và cấp mã số bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ký tự thứ mười một là dấu phân cách giữa hai dãy số thể hiện là dấu “.” dùng để xử lý các công nghệ không có định hướng.

Và dãy ký tự sau cùng được sử dụng để đảm bảo định danh hợp lệ. Những ký tự này được sinh ra theo một thuật toán cố định dựa trên những thông tin cơ bản như: số bảo hiểm xã hội, họ và tên, năm sinh, giới tính, nơi sinh. Các ký tự từ thứ mười một đến cuối sẽ được làm mờ đi và chỉ được dùng để kiểm tra tính hợp lệ trên hệ thống cấp mã định danh y tế.

Cũng theo Quy chế, trên cơ sở mã số bảo hiểm xã hội và thông tin hành chính của người dân, hệ thống mã định danh y tế của Bộ Y tế sẽ tự động xác lập ID của người dân. Mỗi cơ sở y tế được cấp một tài khoản và mật khẩu dùng để truy xuất dữ liệu trên hệ thống mã định danh y tế quốc gia. Các cơ sở y tế trên toàn quốc kết nối với hệ thống mã định danh y tế quốc gia để được cấp tự động ID của người bệnh.

Các cơ sở y tế sử dụng ID được cấp trong việc tạo lập, liên kết các hồ sơ y tế trên các hệ thống thông tin y tế. Trong quá trình sử dụng và quản lý mã định danh y tế, phải tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của cả hệ thống mã định danh y tế quốc gia và ID của từng người bệnh. ID được lưu trữ, quản lý tại hệ thống mã định danh y tế quốc gia đặt tại trung tâm dữ liệu y tế thuộc Cục CNTT - Bộ Y tế.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm