Chuyển đổi số

Xây dựng thương hiệu số: Doanh nghiệp cần chuyển mình cùng gen Z

DNVN - Hầu hết môi trường số hiện nay phù hợp với gen Z - nhóm khách hàng thạo công nghệ, tính cá nhân hoá cao, thích sống “xanh”. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải chuyển mình cùng gen Z để có thể xây dựng thương hiệu thành công.

Sai từ nhận thức

Hiện người dùng rất quen thuộc với môi trường số, doanh nghiệp (DN) lên môi trường số là có thể gặp được khách hàng. Thêm vào đó, các kênh truyền thông nhiều khi là miễn phí và miễn phí rất nhiều nên DN hoàn toàn có thể làm chủ được nội dung và quảng bá thương hiệu trên đó. Đây là điều kiện thuận lợi để DN xây dựng thương hiệu số.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Hoài Anh (Tracy Vũ), chuyên gia tư vấn chiến lược và thương hiệu doanh nghiệp, nhà sáng lập kiêm CEO DigiMaster và Trends Việt Nam, không chỉ thương hiệu số, mà nhận thức của DN Việt Nam về thương hiệu nói chung, dù là DN lớn hay DN nhỏ đều còn yếu.

“Lý do là DN đang bị nhầm lẫn giữa các khái niệm làm thương hiệu, truyền thông và tiếp thị. Vì bản chất làm thương hiệu là kiến tạo giá trị, làm truyền thông là lan tỏa giá trị cho nhiều đối tượng khác nhau, còn tiếp thị chỉ tập trung vào đối tượngkhách hàng mục tiêu”, bà Hoài Anh giải thích.

Hiện các nền tảng rất nhiều và không phải DN nào cũng có khả năng để tìm hiểu, nghiên cứu và thích ứng và tận dụng sức mạnh của các nền tảng như TikTok, Facebook, Instagram, Linkedin…


Bà Vũ Hoài Anh (Tracy Vũ), chuyên gia tư vấn chiến lược và thương hiệu doanh nghiệp,nhà sáng lập kiêm CEO DigiMaster và Trends Việt Nam.

Trong khi đó, đặc điểm của các nền tảng số hiện nay rất khác biệt, đòi hỏi tính tối giản, linh hoạt, thích ứng. Nội dung của các thương hiệu trên truyền thông số ngày càng ngắn gọn, trực diện và truyền cảm hứng hơn. Do đó, những cách làm truyền thông thương hiệu trước đây không còn thích hợp.

Đơn cử, tại cửa hàng, logo của DN quá cầu kỳ hoặc màu sắc nhợt nhạt, không sắc nét sẽ không dễ dàng ứng dụng được trên môi trường truyền thông số.

Chuyển mình cùng gen Z

Với nhiều năm tham gia tư vấn cho DN về xây dựng thương hiệu, ông Andy Vũ - Founder & CEO DigiMind Group nhận thấy, rất nhiều DN truyền thống đã phải chuyển mình, thay đổi hình ảnh thương hiệu của mình trong tiếp cận các thế hệ X, Y và bây giờ phải chuyển sang gen Z.

“Trong số hơn 98 triệu dân Việt Nam hiện nay, rõ ràng nhóm gen Z đang xuất hiện và chiếm ưu thế ở đây”, ông Andy Vũ cho hay.

Trong xu thế phát triển công nghệ cùng nhiều xu hướng mới, mối quan tâm của nhóm gen Z quay trở lại vấn đề cá nhân, thể hiện cái tôi, quan tâm đến môi trường, thích lối sống “xanh” và phát triển bền vững.

Đặc điểm của gen Z là phụ thuộc vào công nghệ, rất thành thạo và am hiểu công nghệ số; là người tiêu dùng thực tế và thông thái. Họ thích giao tiếp, tương tác, kết nối trực tuyến hơn là trực tiếp.

Theo chuyên gia, hầu hết môi trường số phù hợp với những khách hàng ngày càng trẻ hơn, năng động hơn, tư duy sắc bén và am hiểu về công nghệ.

Vì vậy, những thương hiệu cũ không có tư duy và hiểu biết về công nghệ, trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm số thì khó để xây dựng được thương hiệu phù hợp, bao gồm cả thương hiệu truyền thống và thương hiệu trên môi trường số.


Doanh nghiệp phải chuyển mình để đáp ứng nhu cầu gen Z.

Dẫn chứng về trường hợp DN làm thương hiệu tốt, ông Tín Lê - Founder kiêm CEO Adtek – Growth Marketing Agency nhắc tới Levents - thương hiệu thời trang đường phố dành cho giới trẻ.

Nhãn hàng này không giảm giá bất kì một đồng nào trên thương mại điện tử, dù sản phẩm có giá rất cao, trên 500.000 đồng.

Để tôn vinh cá tính của mỗi bạn trẻ và nét riêng của thương hiệu, đội ngũ thiết kế luôn đưa vào sản phẩm những đặc điểm đặc trưng của thương hiệu, tạo ra nhiều lựa chọn để tăng tính cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu của gen Z.

“Họ làm thương hiệu rất mạnh trên TikTok. Còn các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada chỉ là phễu để chốt đơn. Đó là lý do biên lợi nhuận của họ rất cao”, ông Tín Lê nêu.

Khác biệt hóa để tạo dấu ấn thương hiệu

Theo chuyên gia Hoài Anh, trong bối cảnh đa nền tảng và đa dạng người dùng, DN cần có chiến lược tổng thể trong xây dựng thương hiệu.

Không thể thấy DN khác chạy theo nền tảng nào thì mình cũng “nhảy” vào theo, trong khi các nền tảng mới liên tục xuất hiện, DN không thể chạy theo mãi được.

Chiến lược tổng thể của DN cần phù hợp với việc DN hoạt động trong lĩnh vực nào và đối tượng khách hàng. Chẳng hạn DN làm B2B thì không thể phù hợp với TikTok, mà phải tập trung vào Linkedin.

Thách thức lớn khác trong định vị thương hiệu là sự khác biệt hoá. Trên môi trường truyền thông số, nếu DN không tạo ra sự khác biệt hoá thì sẽ không tạo ra dấu ấn cá nhân của thương hiệu.

Song, việc đồng bộ hóa cũng là thách thức lớn, đòi hỏi DN phải thực sự lưu tâm. Thực trạng của các DN là chỉ lo kiếm doanh số, “cơm áo gạo tiền”, nên mỗi bộ phận làm một kiểu, không có sự đồng bộ hoá.

Ngoài ra, phải xác định nội dung quan trọng hơn tuyên truyền, theo đó mới đồng bộ hoá được trên tất cả các kênh truyền.


Ông Andy Vũ - Founder & CEO DigiMind Group.

Trong khi đó, chuyên gia Andy Vũ khuyến nghị, DN xây dựng thương hiệu số cần phải theo tuần tự các bước từ xây dựng chiến lược, xây dựng bộ brandkey (chìa khoá làm nên thương hiệu), truyền thông, làm marketing, làm sale, thuyết phục khách hàng thông qua tất cả các điểm chạm. Sau khi bán được hàng rồi, kích hoạt dữ liệu để có thể xây dựng tệp khách hàng trung thành.

Trên thực tế, theo ông Andy Vũ, DN thường không làm bài bản theo trình tự các bước, mà có thể “nhảy cóc”, bỏ qua một số bước và nhảy sang bước làm marketing.

Điều này cho thấy, DN chưa nhận thức được về xây dựng thương hiệu. DN xây dựng chất liệu truyền thông vội vã, không bảo đảm tính nhất quán và không là kim chỉ nam để DN triển khai các hoạt động về sau.

“4 từ khóa quan trọng DN cần ghi nhớ là dữ liệu, công nghệ, con người và quản trị. Trong đó, dữ liệu được coi là một loại dầu thô mới, trong câu chuyện hoàn thiện dữ liệu thì cần công nghệ, con người và năng lực quản trị. Đây là những yếu tố mang tính chất cốt lõi trong tâm có thể nhìn thấy được trong lộ trình xây dựng thương hiệu”, ông Andy nhấn mạnh.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo