Chuyện khó lý giải nơi có huyệt đạo thiêng bậc nhất Việt Nam
Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 30km, thuộc địa phận huyện Triệu Sơn, điểm dừng chân của chúng tôi là khu di tích đền Am Tiên – khu đền gắn với sự tích của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và những chuyện kỳ bí.
Truyền thuyết vùng đất địa linh
Đền Am Tiên nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi Ngàn Nưa, cách mặt nước biển khoảng hơn 500m. Để lên được đền, chúng tôi phải đi qua một con đường dốc dựng đứng, ngoằn ngèo. Ở trên cao nhìn xuống, một vẻ tĩnh mịch, yên bình hiện lên bên làng mạc, đan xen trong dãy núi chập trùng.
Bỗng dưng tôi nhớ lại câu thơ của bà Huyện Thanh Quan, một cảm giác như được “tạc” vào không gian và thời gian qua tư thế hiên ngang giữa đất trời. Những nỗi niềm riêng, dưới chân núi, ruộng đồng bát ngát hiện ra như một tấm thảm xanh khổng lồ giàu sức sống.
Tất cả hiện ra như những bức tranh thủy mặc, màu sắc lung linh huyền ảo, tạo nên sức quyến rũ làm cho bất kỳ ai đặt chân đến đây đều không thể quên được.
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
(Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)
Tiếp đoàn chúng tôi, thầy Lê Bật Sơn - chủ từ đền Am Tiên cho biết, trước đây để lên được đền, các phật tử phải đi bộ qua 7 dãy núi hiểm trở, vách đá cheo leo, vô cùng khó khăn. Nhưng cũng chính sự khó khăn này thì các phật tử mới cảm nhận được sự quanh co, kỳ vĩ và sâu thẳm của dãy núi Ngàn Nưa.
Sử tích ghi rằng, năm 248, Bà Triệu cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp nghĩa sĩ, rèn luyện nghĩa quân, đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đông Ngô, giành lại giang sơn, xã tắc, giữ gìn bờ cõi non sông.
Hốt hoảng trước sức mạnh và thanh thế của nghĩa quân Bà Triệu, triều đình nhà Ngô phải cử Lục Dận (cháu họ viên danh tướng Lục Tốn) đem một binh lực lớn với nhiều lâu thuyền yểm trợ kéo sang nước ta nhằm đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Cuối cùng với tương quan lực lượng chênh lệch, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã bị đàn áp, Bà Triệu đã anh dũng tuẫn tiết ở núi Tùng (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Dù cuộc khởi nghĩa thất bại và sau đó, nhưng hình ảnh người phụ nữ phi thường với câu nói đầy khí phách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” vẫn còn mãi vang vọng.
Trong khuôn viên của đền, nhìn những cây đa do phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và các cây kỷ niệm của các vị lãnh đạo bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đã trồng mà tất thảy khách tham quan, ai nấy trong lòng đều thấy vui và đầy tự hào.
Theo dòng câu chuyện, thầy Lê Bật Sơn tiếp tục chia sẻ về những câu chuyện huyền bí và kỳ lạ đã xảy ra mà cho đến bây giờ vẫn khó có thể giải thích được. Đặc biệt, may mắn chúng tôi được nghe về sự kỳ bí của huyệt đạo thiêng - một trong ba huyệt đạo chính của Việt Nam.
Nơi trời đất giao hòa
Từ cổng đền Am Tiên đi vào sâu bên trong khoảng hơn 100m sẽ thấy huyệt thiêng, hay gọi là huyệt khí dương. Theo cách gọi của các nhà phong thủy thì nơi đây là điểm hội tụ giao hòa của đất và trời (hay nơi mở cửa trời), tất cả linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Huyệt đạo thiêng ở đây là một khoảng đất rộng, được rào chắn kỹ lưỡng, bán kính khoảng 21m.
Thầy Lê Bật Sơn giới thiệu: “Ở nước ta có 3 huyệt đạo thiêng. Một là ở núi Yên Tử (Quảng Ninh), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba chính là chỗ này (tức Đền Am Tiên, Núi Nưa- Thanh Hóa)”.
Một đất nước có nhiều huyệt đạo cũng giống như trên cơ thể con người các huyệt phải được thông suốt với môi trường bên ngoài, là nơi dẫn xuất những tinh hoa và sinh khí của vũ trụ, tiếp nhận vào trong cơ thể người cũng như vào trong lòng hình chữ S của nước Việt Nam. Sự cân bằng trong cơ thể cũng như sự cân bằng trên mảnh đất hình chữ S.
Dừng chân ngay tại nơi này ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Theo sự hướng dẫn của thầy, chúng tôi nhắm mắt lại, xòe hai bàn tay và giơ lên cao vuông góc với cơ thể. Theo hướng dẫn, khi thả lỏng cơ thể, tập trung mọi suy nghĩ lên đôi mắt thì ít nhiều sẽ cảm nhận được luồng ánh sáng thoáng qua.
Ban đầu sẽ là màu đỏ, tiếp đến chuyển sang màu da cam, cuối cùng là màu trắng xanh và giây lát sau là hình ảnh các hạt bụi lẫn trong màu trắng xanh đó. Một cảm giác bay bổng giữa trời đất bao la, hòa quện cả cơ thể với đất trời, tâm thái nhẹ nhõm lạ kỳ. Làm như vậy cơ thể sẽ được tiếp thêm một chút năng lượng, sinh khí của trời đất.
Giải thích cho hiện tượng này, thầy Sơn cho biết những hiện tượng kỳ lạ đó đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Nhưng tất cả mọi người đến đây và cả chúng tôi đều thật sự cảm thấy kỳ lạ với những hiện tượng bí ẩn trên. Ngàn Nưa vẫn thăm thẳm bí hiểm và phong kín bao huyền thoại về vị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa năm xưa.Khu Am Tiên nằm trên núi Nưa (dãy Ngàn Nưa thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Quần thể bao gồm "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên", với tổng diện tích 100 ha, riêng khu vực đền Am Tiên là 4 ha.
Sau nhiều lần khai quật, xác định các di chỉ còn lại và tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, để tưởng nhớ công lao của Bà Triệu, tháng 3/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm Núi Nưa, Đền Nưa – Am Tiên là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Tháng 8/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Lễ hội kéo dài đến 20 tháng giêng hàng năm và được bắt đầu từ sáng sớm với màn rước cỗ dâng lễ vật chính bằng kiệu bát cống với những sản vật là hoa quả và bánh dầy - một đặc sản của địa phương được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng… để làm lễ tế thiên địa, thần linh và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi...
End of content
Không có tin nào tiếp theo