Văn hóa

Chuyện kỳ lạ về hai giếng cổ nghìn năm không cạn nước ở Hưng Yên

Tại làng Xuân Cầu (Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) hiện còn tồn tại hai chiếc giếng cổ có lịch sử hàng nghìn năm…

Cách Hà Nội không xa, làng Xuân Cầu vẫn giữ được nét cổ kính nhờ những công trình kiến trúc cổ.

Nằm cách Hà Nội không xa, làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) vẫn còn lưu giữ được nét cổ kính của những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ những thế kỷ trước. Trong đó đặc biệt phải kể đến hai chiếc giếng cổ là giếng Cổng Đồng và giếng Đình Ba, có niên đại hàng nghìn năm, mới được người dân nơi đây khôi phục. Đây được xem là hai giếng cổ độc đáo, hiếm có ở Việt Nam.

Giếng cổ Cổng Đồng có niên đại khoảng 1.200 năm.

Theo những bậc bô lão trong làng Xuân Cầu, cả hai giếng đều được làm bằng đá xanh, nước trong mát quanh năm. Vị trí đặt giếng được người xưa coi như “mắt rồng” nơi tập trung linh khí của cả làng. Trong đó, giếng cổ Cổng Đồng được nhà sử học Lê Văn Lan về thăm và xác định niên đại khoảng 1.200 năm, có từ thời nhà Đường (thời Bắc thuộc). Trong khi đó giếng Đình Ba cũng có lịch sử trên 1.300 năm.

Miệng giếng cổ có 3 tầng đá xanh, không phải đá thường mà những khối đá tròn xếp lên nhau.

Cả hai chiếc giếng đã trường tồn và chứng kiến những thăng trầm, biến đổi của dân làng. Hiện nay, tại vị trí đặt chiếc giếng Cổng Đồng, người dân xây dựng tường bao, phía trên xây một ban thờ nhỏ và có một tấm bảng giới thiệu lịch sử của chiếc giếng.

Trong khi đó, giếng Đình Ba nằm trong khuôn viên của một gia đình trong làng và cũng được xây tường bao, bảo vệ cẩn thận. Vào những ngày rằm, lễ Tết đặc biệt là ngày hội của làng, người dân trong thôn lại sắm sửa lễ vật dâng lên “thần giếng” với một sự tôn kính đặc biệt.

 

Giếng Đình Ba nằm trong khuôn viên của một gia đình trong làng và cũng được xây tường bao, bảo vệ cẩn thận.

Ông Nguyễn Quang Huy (SN 1962, trưởng thôn Tam Kỳ) cho biết, vào những năm 1970 của thế kỷ trước, hai chiếc giếng cổ là nguồn cung cấp nước chính cho toàn bộ dân làng. Không ai biết,\ giếng sâu đến đâu nhưng nước trong vắt, ngọt mát quanh năm. Vào mùa mưa, dù mưa to đến đâu mực nước vẫn không dâng cao quá, hoặc khi gặp trời hạn dù kéo dài đến đâu thì mực nước vẫn không suy giảm. Không chỉ có người dân trong làng Xuân Cầu mà nhiều người dân vùng lân cận cũng thích đến đây lấy nước về ăn.

Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, người dân trong làng luôn tin rằng thứ nước ngọt mát, trong vắt quanh năm giúp họ có sức khỏe, mùa màng bội thu, công việc xuôi chiều mát mái.

Cho đến nay, xung quanh hai chiếc giếng cổ này vẫn có những câu chuyện, giai thoại ly kỳ. Chuyện kể rằng, trước đây, có người hành khất đi đến làng, bị cảm nắng ngất xỉu, bà con trong vùng thấy vậy bèn múc nước giếng cổ cho uống. Điều lạ là, sau khi uống nước người này dần tỉnh dậy, khỏe mạnh như thường. Ngày trước, có những năm trời đại hạn, ao hồ nứt nẻ, ruộng đồng khô trắng nhưng nước trong giếng vẫn đầy ăm ắp.

Chính vì điều lạ này mà người dân làng vẫn truyền tai nhau bài thơ về sự độc đáo của giếng cổ: “Làng tôi ăn nước giếng khơi/ Xây toàn bằng đá nước thời trong veo/ Ba thôn không có người nghèo/ Có muốn lịch sử thì theo anh về”. Nơi đây cũng được biết đến là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của những nhân vật nổi tiếng như: liệt sỹ Tô Hiệu – Tô Chấn, Lê Văn Lương hay của họa sỹ Tô Ngọc Vân, nhà văn Nguyễn Công Hoan…

Thành giếng là phiến đá cổ nguyên phiến, vẫn in hằn những vết tích kéo gầu từ thời xưa như một minh chứng lịch sử lâu đời.

Ông Huy cho hay, không biết có phải nhờ ăn giếng nước cổ hay không nhưng người dân trong làng luôn tin rằng, thứ nước ngọt mát, trong vắt quanh năm giúp họ có sức khỏe, mùa màng bội thu, công việc xuôi chiều mát mái. Hiện tại, cả hai giếng nước đều không được dùng cho sinh hoạt hàng ngày mà chỉ được mở vào những dịp đặc biệt. Tuy không sử dụng, nhưng nước trong hai giếng vẫn chảy đầy ăm ắp, nước trong vắt cả bốn mùa.

Hai chiếc giếng cổ từng bị vùi lấp vào khoảng những năm 1980 do quá trình đô thị hóa. Năm 2013, dân làng Xuân Cầu đã quyết định góp tiền, khôi phục lại. Cả hai chiếc giếng đều giữ được tang giếng cổ. Trong đó, miệng giếng có 3 tầng đá xanh, không phải đá thường mà những khối đá tròn xếp lên nhau. Thành giếng cũng là phiến đá cổ nguyên phiến, vẫn in hằn những vết tích kéo gầu từ thời xưa như một minh chứng lịch sử lâu đời.

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo