Chuyện ly kỳ về những "giếng thiêng" trăm tuổi ở Việt Nam
Kì bí giếng nước có cóc ngồi canh không bao giờ cạn
Đền Sái nằm trên đỉnh Thất Diệu Sơn ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội). Từ xa xưa đền Sái được coi là một đền thờ linh thiêng ứng nghiệm. Nhiều thời vua, chúa và các quan triều thần thường về đây bái yết, cầu xin đức thánh phù hộ thắng trận. Ngày nay, cứ mùa xuân đến (11 tháng Giêng Âm lịch) hàng vạn lượt nhân dân khắp mọi vùng cũng đến đền làm lễ cầu lộc, cầu tài, cầu bình yên.
Du khách tới thăm đền không chỉ bất ngờ với kiến trúc độc đáo ở đây mà còn ngạc nhiên với giếng nhỏ không bao giờ cạn nước, mùa Đông luôn có một con cóc ngồi trên miệng giếng.
Không biết giếng có từ bao giờ, nhưng theo tích xưa kể lại, nguồn gốc của giếng có liên quan đến việc các cô tiên giúp vua An Dương Vương gánh đất xây thành Cổ Loa. Khi ma gà giả tiếng gáy sáng, các cô tiên vội về trời đã bỏ lại những gánh đất hình thành đỉnh Thất Diệu Sơn. Giếng nằm trên Thất Diệu Sơn nên có người gọi là giếng Cô Tiên.
Điều kỳ lạ là giếng nằm trên đỉnh một mỏm đá, lượng nước rất ít, nhưng theo lời dân làng thì không bao giờ cạn. Nước trong vắt, mát mẻ; nhiều người đi lễ đều đến múc rửa mặt hoặc uống.
Ông Đỗ Xuân Thắng - Ban Quản lý di tích đền Sái cho biết: "Các cụ cao niên cho biết, giếng nước này không bao giờ cạn. Theo ghi nhận của tôi suốt thời gian làm việc ở đây, dù là mùa Đông, chưa bao giờ giếng hết nước. Đặc biệt, mùa Đông luôn luôn có 1 con cóc ngồi trên miệng giếng. Rất nhiều du khách lên núi Sài vãn cảnh thích uống ở giếng này".
Ngày nay, để đảm bảo tính vệ sinh, giếng đã được làm một chiếc nắp đậy lên; bên cạnh cũng có một ban thờ nhỏ và một chiếc đỉnh lớn dành cho những ai có lòng thành kính muốn thắp hương.
Giêng thiêng có hình dáng nhạy cảm ở Ba Vì
Giếng nước nằm dưới chân núi Tản quanh năm mây mù bao phủ. Người làng Nghe, xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội nói con gái được tắm nguồn nước đó sẽ có làn da trắng hồng, mịn màng và xinh đẹp hơn. Giếng thần không bao giờ cạn nước, kể cả trong những lần hạn hán. Mùa Hè nước mát lạnh, mùa Đông nước giếng bốc hơi nghi ngút.
Cụ Nguyễn Thị Mẹo, người làng Nghe, gần 90 tuổi kể, giếng có từ bao giờ, người làng chưa ai khẳng định được. Chỉ biết rằng, những người Mường định cư nơi đây từ ngàn năm trước bảo với con cháu rằng, họ sinh ra đã có cái giếng nước đó rồi.
Nói về xuất xứ của giếng, sau năm 1954, một gia đình Việt kiều người Pháp về Ba Vì thăm bố, họ muốn ở lại đây sinh sống. Nhưng gia đình này không được lòng của người dân và chính quyền, vì thế, họ buộc phải lên núi để ở. Trong quá trình đi tìm nguồn nước để sinh sống họ đã tìm ra giếng nước kỳ lạ này.
Những người có tuổi ở làng kể lại, gia đình này sống ở đây không được thịnh vượng. Trong nhà thường xảy ra chuyện xích mích, mâu thuẫn khó lý giải. Có điều khiến họ phát sợ đó là một đôi rắn thường xuyên xuất hiện bên miệng giếng.
Đôi rắn này có mào đỏ chót ở trên đầu, mỗi con dài khoảng 3m. Đêm chúng thường xuống giếng uống nước và quấn lấy nhau cho đến sáng mới lại vào hang. Gia đình kia từng nhiều lần chứng kiến cảnh đó, họ tin rằng đây là mảnh đất thiêng, mình đã sống trên đất của thần. Họ đã lập một ngôi miếu nhỏ bên cạnh giếng thần, hằng ngày nhang khói, mong các vị thần linh lượng xá cho đám người trần mắt thịt dám ở trên đất thiêng.
Cụ Mẹo cho hay, ngày trước cụ cùng đám trẻ hay chơi ở đó. Phía trong giếng còn phát ra những âm thanh oàm oạp. Những ngày giở trời, miệng giếng có rất nhiều cá trê, mình dài bằng nửa đòn gánh, người đen sì, râu dài, miệng to như cái bát con. Các cụ bảo đó là cá thần, chẳng ai dám bắt về ăn.
Hiện, nơi có giếng thần thuộc quyền sở hữu của một phụ nữ ở Hà Nội. Mặc dù người chủ mới đã mua mảnh đất này được gần 20 năm nhưng cũng chỉ dám làm hàng rào xung quanh để bảo vệ giếng thần, chứ chưa dám xây dựng gì. Và người này vẫn giữ nguyên hiện trạng cái giếng và ngôi miếu do người chủ cũ để lại.
Bí ẩn giếng thiêng, hút vật từ trên núi xuống biển
Đền Chín Giếng hay còn gọi là đền cô Chín thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tên của ngôi đền bắt nguồn từ 9 miệng giếng thiêng trước cửa đền.
Ông Đỗ Đức Thiện (57 tuổi), thủ từ của ngôi đền kể, đền Chín Giếng là nơi thờ Cửu Thiên Huyền Nữ - con gái thứ 9 của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Người dân nơi đây truyền tụng rằng Cô Chín ngự trị 9 miệng giếng này. Phong cảnh suối thiêng hữu tình đẹp như tranh vẽ. Xung quanh suối là những miệng giếng trong xanh, sâu thăm thẳm đùn nước lên thành từng nhịp.
Thời gian đầu khu giếng mới được phát hiện, miệng giếng thứ 9 rất sâu và rộng như một hang đá được đẽo gọt tỉ mỉ, xuất hiện nhiều cá trắm, cá chuối đi theo từng đàn.
Ông Đỗ Đức Thiện cũng cho biết, có nhiều đoàn về thăm dò, đo đạc, nhưng không có kết quả chính xác về độ sâu của giếng. Càng xuống sâu nước càng lạnh. Trực quan địa hình cùng quá trình lặn xuống lòng sâu, cuối cùng họ kết luận rằng: Dưới giếng có một dòng sông ngầm, theo dự đoán thì có thể chảy từ dãy núi Tam Điệp (Ninh Bình) ra cửa biển Thần Phù (Nga Sơn, Thanh Hóa). Không biết thực hư thông tin này thế nào thế nhưng cho đến nay Đền Chín Giếng đã trở thành là địa điểm thu hút khách du lịch từ khắp mọi nơi đến vãn cảnh, cầu may đặc biệt là những ngày đầu năm mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Diện mạo mới nhất của Hoa hậu Ý Nhi hậu can thiệp thẩm mỹ
NSND đóng vai Ngọc Hoàng đầu tiên trong Táo quân: Quân hàm Đại tá, từng là 'sếp' của NSND Tự Long
MC Thành Trung sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào ở tuổi 41?
Bộ 3 Hạnh - Long - Quý “tất tay” đem cây phượng của trường về quê Tiểu Long
Lưu Diệc Phi áp đảo về nhan sắc khi chung khung hình cùng loạt mỹ nhân Dương Mịch, Lưu Thi Thi và Dương Tử
Sau khi Uông Phong công bố bạn gái mới, những lời nói thản nhiên của Chương Tử Di với con gái khiến người tình của chồng cũ 'mất mặt'