Chuyện “ma sống” vất vưởng quanh cây cầu ở Quảng Nam
Nhiều câu chuyện được thêu dệt
Nhiều người dân cho biết mọi chuyện bắt đầu từ khi có một người thanh niên chết đuối dưới cầu cách nay chừng 7 năm. Khi ấy cả thôn Phú Nhuận 3 vẫn còn là một vùng đất khá hoang vu, thưa thớt người ở. Người thanh niên kia đi qua cây cầu Cửu Lương này trong một buổi tối nọ, khi ấy cây cầu chưa được làm bằng bê tông, chỉ là mấy mảnh ván gỗ được bắc qua con suối một cách không mấy chắc chắn. Đồng thời, lúc đó lại đang là mùa mưa lũ, nước chảy khá xiết, cứ sau những trận mưa to là nước lại ngấp nghé mấy miếng ván cầu. Xui xẻo thay, không hiểu vì sao người thanh niên ấy lại bị ngã xuống dưới dòng nước chảy xiết và chết đuối.
Cái chết của người thanh niên được phát hiện bởi một người dân đi đánh cá sáng sớm hôm sau. Xác anh ta bị vướng vào bụi tre mọc lan ra giữa con suối cách cây cầu không xa, nếu không vướng vào đó thì không biết đã trôi tới đâu. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người đánh cá nọ đã báo cho gia đình của thanh niên xấu số kia biết, rồi họ cùng với bà con thôn xóm mang cái xác về mai táng tử tế.
Từ khi có cái chết của người thanh niên ấy, người dân xã Duy Tân, đặc biệt là người dân thôn Phú Nhuận 3 - nơi có cây cầu Cửu Lương bắc qua con suối nọ trở nên hoang mang sợ hãi. Khi đi qua cầu họ luôn đi thành từng nhóm nhiều người và đề phòng cao độ mỗi khi đi qua hay ở gần cây cầu.
Đồng thời đồn đoán nhiều chuyện ma quỷ huyễn hoặc về vị trí có cây cầu, cũng như chuyện âm hồn của người thanh niên vẫn vất vưởng không siêu thoát, thi thoảng vẫn xô người đi đường lúc đêm tối xuống dưới suối nước. Không ít người dân kể lại rằng họ từng nghe nhiều người trong thôn xóm kể rằng đã từng nhìn thấy những “chuyện ma quỷ kinh dị” khi đi ngang qua cây cầu buổi tối. Mỗi khi nhìn thấy “ma quỷ” hay dấu hiệu gì đó giống như ma quỷ họ đều vội vã quay đầu lại tìm đường khác đi. Một số ít chuyện được truyền tụng trong dân gian rằng có nhiều người bị “xô” ngã trên cầu, xô ngã xuống dưới nước, nhưng may mắn chỉ bị xây xát nhẹ.
Cô Thắm, một người dân xã Duy Tân kể với chúng tôi: “Tôi nhớ có một lần đứa cháu tôi đi chơi về muộn, đi qua cây cầu đó tầm 10 giờ đêm. Khi đi đến giữa cầu thì không hiểu từ đâu nổi lên một cơn gió xô nó và chiếc xe đạp loạng choạng, nó xém chút nữa là bị đập vô cây cột bê tông, rơi xuống nước. Nó sợ quá xuống xe dắt qua cầu một đoạn rồi mới dám lên xe đạp tiếp. Tôi cũng một lần đi xe máy qua cây cầu đó buổi tối, khi vừa đi hết cây cầu thì nhìn thấy một đốm lửa cháy lơ lửng giữa trời, có vẻ như đang đuổi theo tôi. Tôi sợ quá cắm cúi chạy không dám quay đầu nhìn lại. Tuy vậy, vẫn có nhiều người dân liều lĩnh hơn, khẳng định với chúng tôi rằng mình từng đi cây cầu cả ban ngày lẫn buổi tối nhiều lần mà không hề gặp phải bất cứ chuyện bất trắc, hay dấu hiệu “ma quỷ” gì.
Có người bạn là sinh viên tên Th. đang theo học đại học ở thành phố Đà Nẵng, cùng gia đình xa quê đã gần hai chục năm, kể rằng có lần về quê đi chơi buổi tối, người nhà không ai cho một mình đi xe máy qua cây cầu để về. Nếu đi qua cây cầu về nhà thì quãng đường chỉ bằng khoảng một phần tư đi đường khác. Cuối cùng, vì trời đã muộn, đi qua đường khác thì quãng đường quá dài, mất thời gian, lại có nhiều đoạn hoang vu, mù mịt và có nguy cơ gặp “ma sống” cướp bóc, nên người nhà phải cho năm chiếc xe máy “hộ tống” đi qua cây cầu đó một đoạn khá xa, mới yên tâm quay lại.
Tuy vậy, cũng có nhiều chuyện truyền tụng rằng trước khi có cái chết của người thanh niên, ở chỗ cây cầu đã có nhiều “hồn ma” vất vưởng, từng ám hại nhiều người. Tuy ban ngày người dân vẫn qua lại cây cầu Cửu Lương bình thường, nhưng buổi tối rất ít người dám đi qua. Mà nếu có đi qua thì cũng đi thành nhóm nhiều người, chứ không dám một mình hoặc một hai người đi qua.
Tất cả chỉ là lời đồn thổi
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cường, trưởng thôn Phú Nhuận 3, xã Duy Phú (Duy Xuyên, Quảng Nam) khẳng định: “Nhà tôi trước giờ ở gần suối, gần cầu Cửu Lương và thường xuyên đi qua cầu cả ban ngày lẫn buổi tối nhưng chưa hề gặp chuyện ma quỷ gì hết. Người thanh niên bị chết khoảng 7 năm trước là do say rượu, không làm chủ được bản thân nên ngã xuống suối mất mạng, chứ không hề có chuyện ma quỷ gì”.
Còn những chuyện ma quỷ hại người nơi cây cầu, bà Cường cho rằng đó chỉ là những câu chuyện không có thật, do một bộ phận người dân nào đó thêu dệt nên để hù dọa người khác. Hay như chuyện người dân không dám đi qua cây buổi tối, bà Cường cũng khẳng định chỉ là một bộ phận nhỏ, và rằng những người đó vốn dĩ đã yếu bóng vía, không dám đi ra đường khi trời tối chứ đừng nói đi qua những nơi hoang vu, nơi gần nghĩa địa.
Bà Cường cũng cho biết, trước đây khi cây cầu chưa được bê tông, cây cầu đó chỉ là mấy mảnh ván ghép lại, mỗi lần người dân qua lại đều rất khó khăn, sợ hãi vì nguy hiểm luôn rình rập. Nhất là vào mùa mưa lũ, khi có một lượng nước lớn chảy trên dòng suối, có thể cuốn trôi mấy mảnh ván và người bất cẩn khi đi qua bất cứ lúc trời mưa to. “Vì vậy, sau cái chết của người thanh niên ít lâu, người dân và chính quyền chung tay góp tiền bạc, công sức để làm cây cầu bằng bê tông. Một phần người dân sẽ lưu thông dễ dàng hơn, một phần bớt đi nguy hiểm và những chuyện xui xẻo đáng tiếc” - bà Cường phân tích.
Hơn nữa, theo quan sát của chúng tôi, cách hai phía cây cầu khoảng hai trăm mét đều là nghĩa địa, nơi vốn dĩ đã có rất nhiều chuyện ma quỷ huyễn hoặc được thêu dệt, truyền tụng trong người dân. Thế nên những chuyện ma quỷ có lẽ cũng từ đó mà nên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sao nữ đình đám bị gọi tên liên tục trong vụ Đàm Vĩnh Hưng đứt vài ngón chân, là nhân chứng quan trọng?
Hoài Lâm lần đầu nói rõ những tin đồn với Hoài Linh, tiết lộ thu nhập ‘không tưởng’ mỗi tháng
Sụp đổ hình tượng người đàn ông được khát khao nhất
Phương Oanh diện váy xuyên thấu cắt xẻ táo bạo, khoe trọn vòng eo sau sinh không chút mỡ thừa
Vợ tiết lộ tính cách NSND Công Lý thay đổi sau khi bị bệnh
Đàm Vĩnh Hưng có đòi được 15 triệu USD từ vợ chồng Bích Tuyền? Khả năng thắng kiện như thế nào?